Trước khi về với ngôi trường màu cam, tiến sĩ 9X Nguyễn Việt Anh từng có thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Anh đã hoàn thành luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Tổng hợp Angers (Pháp) khi mới 27 tuổi (năm 2017). Sau khi tốt nghiệp và làm việc tại Pháp một thời gian, do quan tâm sâu sắc đến nền giáo dục Việt Nam nên tiến sĩ trẻ đã trở lại Việt Nam và làm giảng viên tại một trường công. Tuy nhiên, do đã quen với môi trường quốc tế năng động, cởi mở nên khi có cơ hội trở thành giảng viên ở một trường học giàu trải nghiệm, hiện đại và trẻ trung như Trường ĐH FPT, thầy Việt Anh đã không ngại ngần thay đổi vị trí công tác.
So với các đơn vị đào tạo khác, thầy Việt Anh đánh giá cao hiệu quả của những lớp học quy mô nhỏ (sĩ số mỗi lớp học chỉ khoảng 30 sinh viên) ở Trường ĐH FPT. Nhờ đó giảng viên có thể dễ dàng tương tác và quan tâm đến từng cá nhân, khả năng tập trung và việc truyền đạt kiến thức cũng hiệu quả hơn hẳn.
Ngoài ra, dù Trường ĐH FPT sử dụng giáo trình quốc tế và mỗi môn cũng đều có đề cương chi tiết nhưng những giảng viên như thầy Việt Anh luôn được khuyến khích giảng dạy theo phong cách cá nhân, không rập khuôn, miễn sao đem lại hiệu quả. Đó cũng là lý do khiến tiến sĩ trẻ tuổi không ngừng tìm tòi và đổi mới phương pháp dạy, sáng tạo những cách làm hay để biến môn Toán trở nên nhẹ nhàng, gần gũi, hấp dẫn sinh viên hơn.
Theo thầy Việt Anh, từ thời Phổ thông, nhiều sinh viên đã không được học Toán đúng cách, học vì mục tiêu thi cử chứ không thực sự hiểu ý nghĩa của bộ môn, dẫn đến dễ chán chường. Vậy nên ngay từ buổi đầu tiên lên lớp, anh thường cố gắng định hướng lại cho sinh viên hiểu được Toán học quan trọng và đa dụng hơn các bạn thường nghĩ.
"Học Toán không chỉ để thi cử, xét tuyển mà còn giúp sinh viên phát triển các kỹ năng khác như: Tư duy logic, khả năng nhạy bén, kỹ năng giải quyết vấn đề..., đó đều là những nền tảng cốt lõi để thành công trong cuộc sống. Toán học còn là một phần không thể thiếu trong thời đại công nghệ thông tin. Sinh viên nếu đã xác định theo đuổi lĩnh vực khoa học kỹ thuật thì khả năng và kiến thức toán là bắt buộc", thầy Việt Anh cho biết.
Bên cạnh những chia sẻ gần gũi, thiết thực về ý nghĩa của bộ môn, những giờ học Toán với thầy Việt Anh còn thu hút sinh viên Trường ĐH FPT vì có nhiều hoạt động sôi nổi, thú vị. Thay vì chỉ dạy lý thuyết rồi ra đề bài khó khiến sinh viên "nhăn nhó" tìm cách giải, tiến sĩ "soái ca trường người ta" thường minh họa kiến thức bằng các ví dụ thực tế và tổ chức cho sinh viên làm việc nhóm để thoải mái thảo luận. Giảng viên khi đó sẽ đóng vai trò người hướng dẫn, khích lệ hoặc nếu cần thì có thể đưa ra một vài gợi ý, còn sinh viên sẽ phải tự đi tìm lời giải. Quá trình này sẽ giúp sinh viên cảm nhận được sự thú vị của toán học cũng như niềm vui khi tìm ra cách giải quyết vấn đề, từ đó có thêm động lực để giải những đề bài khó hơn và không còn nỗi sợ môn Toán.
"Hạnh phúc nhất thấy sinh viên của mình tự tin hơn, vượt qua được nỗi "ám ảnh" khi học Toán, không còn chán nản mà thấy Toán học "đẹp", giàu tính ứng dụng, muốn tìm hiểu và khám phá nhiều hơn. Tất nhiên, cái "đẹp" của Toán học cần có thời gian cũng như sự nỗ lực rèn luyện để có thể cảm nhận, và mình rất hạnh phúc khi có thể đồng hành cùng sinh viên Trường ĐH FPT trên hành trình đó", thầy Việt Anh cho biết.