Những ngày qua, tại Hà Nội và TP.HCM chứng kiến nhiều người mặc đồng phục GrabBike đi xe máy thành từng đoàn diễu hành qua nhiều tuyến phố.
Cụ thể, vào đầu giờ chiều 7/12, tại Hà Nội, hàng trăm tài xế vừa đi vừa bấm còi, căng băng rôn với khẩu hiệu phản đối công ty tăng chiết khấu thuế VAT lên đối tác và tài xế. Họ từ khu vực phố Cửa Nam, sau đó kéo về các tuyến đường quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, khiến giao thông bị ảnh hưởng.
Đội CSGT số 1, Công an Hà Nội đã buộc phải tăng cường lực lượng xuống đường phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm đảm bảo an ninh. Bước đầu, cơ quan chức năng xác minh những người này chưa gây rối trật tự.
Sau khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 5/12, Grab đã điều chỉnh tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc và tăng khấu trừ với tài xế. Theo quy định mới, tỷ lệ khấu trừ với tài xế ở mỗi cuốc xe sẽ tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841%. Chính sách mới này khiến nhiều tài xế bất bình.
Đến nay, chưa có ai bị cơ quan chức năng xử lý, tuy nhiên, hành vi tụ tập gây ùn tắc, náo loạn đường phố của nhóm tài xế khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu có đủ căn cứ để xử phạt họ về hành vi gây rối trật tự công cộng?
Nhóm tài xế diễu hành qua bờ hồ Hoàn Kiếm.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Công ty Luật TNHH Hoàng Sa cho rằng, để xử phạt về hành vi gây rối trật tự nơi công cộng phải hội đủ các yếu tố về mặt chủ thể, khách thể, chủ quan và khách quan.
Trong đó, mặt khách quan của hành vi gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi gây mất trật tự, làm đảo lộn trạng thái ổn định bình thường ở nơi công cộng. Hành vi đó phải gây tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoặc tuy không gây tác động xấu nhưng người đã từng bị xử phạt hành chính, bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới có thể xử lý hình sự.
Theo luật sư Giáp, dù chưa có văn bản luật quy định cụ thể cho việc hội họp, biểu tình nhưng Hiến pháp năm 2013 tại Điều 25 có quy định về quyền công dân, trong đó có quyền tự do đi lại, quyền hội họp, quyền biểu tình và Luật Lao động hiện nay cũng có quy định về quyền đình công của người lao động.
Việc họ đi lại đông khiến nhiều tuyến đường ùn tắc.
Trong trường hợp này, vị luật sư cho rằng, những tài xế GrabBike chỉ vì bức xúc với chính sách mà doanh nghiệp đưa ra đối với mình nên tập hợp đến trụ sở của hãng để phản đối nhằm đòi quyền lợi.
"Cơ quan chức năng khó có thể xử phạt được nếu họ không gây mất trật tự làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội và tuân thủ các quy định về giữ gìn vệ sinh chung, đảm bảo sự yên tĩnh.
Trái lại, nếu nhóm tài xế tụ tập đông người, hò hét, gây rối thì họ hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về tội danh gây rối trật tự công cộng, theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự. Khung phạt cao nhất cho hành vi này lên đến 7 năm tù", luật sư nêu quan điểm.