Du lịch biển đảo là "thỏi nam châm" thu hút tới 70% tổng lượng khách du lịch Việt Nam. Du lịch biển đảo đang là xu hướng được nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ, lựa chọn cho chuyến nghỉ dưỡng với bạn bè và người thân. Tuy nhiên, nhiều du khách đến thăm biển đảo lại chưa có ý thức bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần rồi xả thải bừa bãi.
Cùng tìm hiểu lý do tại sao một số đảo đã ban hành quy định cấm sử dụng vật dụng nhựa dùng một lần và tham khảo cách chuẩn bị hành trang "kiêng nhựa" trong bài viết này nhé!
Hiểm họa khôn lường từ rác thải nhựa
Với thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, du lịch biển đảo Việt Nam đã có những bước tiến dài, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế. Mỗi năm, trung bình một hòn đảo của nước ta đón hàng ngàn lượt du khách. Vào những mùa cao điểm, mỗi ngày có hàng chục tấn rác thải được thải ra trên mỗi đảo. Lượng rác thải khổng lồ này đang góp phần ảnh hưởng tới môi trường và các sinh vật biển.
Theo số liệu thống kê, khoảng 60-90% lượng rác thải trên biển là nhựa. Trung bình cứ sau nửa giây là có nhiều loại nhựa được vứt xuống biển. Tổng lượng nhựa được thải ra biển hàng năm là 8,3 triệu tấn, trong đó khoảng 236 nghìn tấn là vi nhựa mà các sinh vật biển nhầm với thức ăn.
Lượng rác thải nhựa do con người xả thải ra mỗi năm đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái Đất, trong đó có khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa trôi nổi trên các đại dương.
Một trong những nguồn lớn nhất gây ô nhiễm rác thải nhựa là những chai nhựa uống nước. Theo thống kê, khoảng 480 tỷ chai nhựa được bán trên toàn cầu năm 2016, tương đương với 1 triệu chai mỗi phút.
Rác thải nhựa gây nên những hiểm họa khôn lường cho sinh vật biển. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 100 triệu động vật biển chết chỉ vì rác thải nhựa, trong đó có khoảng 100 nghìn động vật biển chết vì vướng vào nhựa hàng năm (đây chỉ là thống kê với các sinh vật mà các nhà khoa học tìm thấy).
Nhận thấy rõ mức độ nguy hại của rác thải nhựa, nhiều thành phố du lịch và các địa điểm nổi tiếng trên thế giới đã ban hành lệnh cấm về rác thải. Tại Việt Nam, những lệnh cấm này còn khá xa lạ và chưa nhiều nơi ban hành, đặc biệt là tại các hòn đảo. Nhưng gần đây, một số đảo du lịch tại Việt Nam đã bắt đầu ban hành các quy định cấm vật dụng nhựa sử dụng một lần cũng như tổ chức các chiến dịch kêu gọi người dân và du khách bảo vệ môi trường. Một số hòn đảo tiêu biểu tiên phong triển khai có thể kể đến như: Cô Tô, Côn Đảo, Phú Quốc…
Chuẩn bị hành trang "kiêng nhựa" khi du lịch biển đảo
Để có được một chuyến du lịch trọn vẹn mà vẫn giữ gìn được cảnh quan thiên nhiên và tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, du khách nên chủ động chuẩn bị cho mình một hành trang "kiêng nhựa" khi du lịch biển đảo.
Bạn Minh An (Hà Nội) chia sẻ, mỗi người sẽ có một cách riêng để giúp trái đất giảm ô nhiễm nhựa, còn bí kíp của cô nàng là "sử dụng các loại chai thủy tinh hoặc nhựa dùng nhiều lần để đựng nước sẵn từ khách sạn và khi mua đồ uống thay cho chai/cốc nhựa dùng một lần trong chuyến du lịch của mình".
Còn Mỹ Linh - một du khách tại Phú Quốc thì cho biết, bạn luôn mang theo những chai đựng mỹ phẩm, đồ vệ sinh cá nhân (bàn chải, kem đánh răng) dùng nhiều lần thay cho loại dùng một lần trong chuyến du lịch của mình để giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Để chuẩn bị cho mình một chiếc vali "xanh" hoàn hảo nhất, các du khách có thể truy cập website "Kiêng nhựa" - một điểm nhấn trong chương trình truyền thông thay đổi hành vi của Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa ra đại dương tại Việt Nam". Dự án này do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cùng với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai.
Anh Hoàng Nam - một hướng dẫn viên du lịch tại Côn Đảo cảm thấy website "Kiêng nhựa" rất hữu ích. "Nhờ đó mà tôi biết những chiếc túi ni-lông, chai nhựa hay bàn chải đánh răng dùng một lần có thời gian phân huỷ lên đến 500 năm. Từ giờ tôi sẽ vận động các khách hàng của mình lựa chọn sử dụng những vật dụng thân thiện với môi trường như: hộp đựng thức ăn, chai đựng mỹ phẩm dùng nhiều lần, túi tote hoặc túi vải không dệt gấp gọn, bình giữ nhiệt kim loại hoặc bình nhựa dùng nhiều lần, bàn chải và kem đánh răng cá nhân…".
Website "Kiêng nhựa" là một "trợ thủ đắc lực" giúp bạn phân tích mức độ ảnh hưởng của từng món vật dụng nhựa sử dụng một lần đến môi trường, từ đó đề xuất cho bạn món đồ thay thế phù hợp nhất với nhu cầu của bạn.
Ông Tạ Anh Tuấn - Quản lý Hợp phần Truyền thông và Giáo dục của Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam" cho biết: "Thông qua các thông điệp và hướng dẫn điều chỉnh hành vi tại trang Kiêng nhựa, chúng tôi hy vọng du khách sẽ thấy được mỗi hành động tích cực của họ, dù là nhỏ nhất, dù là sớm hay muộn, cũng có thể mang lại những tác động môi trường tích cực".
Cùng chuẩn bị hành trang "Kiêng nhựa" cho chuyến du lịch tới biển đảo của mình tại: www.kiengnhua.vn