Kiếm 1 tiêu 60
Anh Koo Young-gyu kiếm được 620.000 won (gần 12 triệu đồng mỗi tháng). Tuy nhiên, người đàn ông này lại có tới 4 thẻ tín dụng khiến anh thoải mái tiêu pha gấp 60 lần số tiền mà anh kiếm được. Bị mờ mắt bởi mức hạn thẻ, Koo Young-gyu lao vào cuộc chơi tiêu tiền kéo dài 18 tháng. Anh đi du lịch ở đảo Jeju và đốt tiền vào thú vui mua giày và máy quay phim.
"Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng hãy sống thật thoải mái trong năm nay. Mặc dù đôi khi tôi cảm thấy có chút lấn cấn nhưng thật khó để dừng việc tiêu xài", người đàn ông ngoài 30 tuổi kể lại lỗi lầm trong quá khứ.
Trước khi bước sang tuổi 21, Koo nợ đến gần 87 triệu won (hơn 1,6 tỷ đồng) thẻ tín dụng và không biết phải trả bằng cách nào. Suốt 11 tháng, anh liên tục bị chủ nợ đến tận nhà đòi tiền.
"Nghe tiếng gõ cửa, tôi biết đó là ai nên giả vờ không có nhà. Tôi tắt hết đèn, hoàn toàn không ra ngoài, sống trốn chui trốn nhủi như một con chuột vậy", Koo nói.
Vào năm 2016, gia đình phát hiện ra khoản nợ của Koo. Quá xấu hổ, anh nghĩ rằng mình không nên tiếp tục sống trên cõi đời này nữa và đã cố tự tử ba lần bằng những cách khác nhau.
Nợ nần chồng chất
Tuy nhiên, đáng buồn thay Koo không phải là trường hợp duy nhất. Từ năm 2014 đến 2018, hơn 800 người Hàn Quốc quyết định chấm dứt cuộc sống bằng cách nhảy cầu Mapo ở Seoul. Mapo còn được biết đến là cây cầu tử thần, một trong những địa điểm tự tử nổi tiếng nhất của quốc gia này. Vậy đâu là lý do chủ yếu khiến hàng trăm người cố gắng tự tử? Đó chính là nợ nần.
Vào năm 2018, sau lần tự tử hụt thứ ba, Koo quyết định sống tiếp và nộp đơn xin phá sản. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là trong năm năm tiếp theo, anh không được vay bất cứ khoản tiền nào. Từ bỏ công việc cũ, Koo làm thêm ở một cửa tiệm tạp hóa. Nhưng giống nhiều cơ sở kinh doanh khác, cửa hàng này bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến Koo mất việc làm.
Dù sống ở cường quốc kinh tế, người Hàn Quốc mang những khoản nợ lớn. Theo Ngân hàng Hàn Quốc, đến tháng 9/2019, người dân nước này nợ khoảng 1.600 nghìn tỷ won. Bà Anwita Basu, chuyên gia nghiên cứu rủi ro của công ty cung cấp giải pháp tài chính Fitch Solutions cho biết khoản nợ tăng lên rất nhanh trong khi thu nhập người dân không mấy thay đổi. "Điều này chứng tỏ họ đi vay để trả nợ gốc", Basu phân tích.
Các khoản nợ của người Hàn bao gồm tiền học đại học, tiền mua xe và mua nhà, tiền đầu tư (với doanh nghiệp nhỏ) và đặc biệt là tiền mua sắm qua thẻ tín dụng. Những năm qua, số công ty phát hành thẻ tín dụng ngày càng nhiều. Họ cũng mở rộng hạn mức thẻ để lôi kéo khách hàng.
Chi tiêu tín dụng chiếm khoảng 40% GDP tại Hàn Quốc trong khi con số này tại Mỹ chỉ ở mức 18%. Xu hướng lệ thuộc vào thẻ tín dụng đã góp phần làm nên khoản nợ khổng lồ của các hộ gia đình.
Sự bùng nổ của chi tiêu tín dụng bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997. Ở thời điểm này, chính phủ Hàn Quốc hồi sinh nền kinh tế bằng cách khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán. Trong khi đó, các ngân hàng ồ ạt phát hành thẻ, đồng thời nới lỏng quy định để lôi kéo người dùng. Koo Young Gyu cho biết anh từng dễ dàng "gian lận" về tình trạng lao động để được cấp thẻ tín dụng.
Nợ nần không thể chi trả sẽ dẫn đến phá sản. Và nhóm có tỷ lệ phá sản tăng đột biến trong thời gian qua ở Hàn Quốc chính là những người ở độ tuổi 20, chưa thể đảm bảo công ăn việc làm ổn định. Giáo sư Kim Sang-bong từ Đại học Hansung nhận định một bộ phận thanh niên Hàn vẫn thoải mái tiêu tiền dù chưa có việc làm, vì vậy hậu quả tất yếu là càng chìm sâu vào nợ nần.
Vay nặng lãi
Kwon Do Hyeon là một trong số những người đang vật lộn để tìm công việc toàn thời gian. Anh sống cùng chị gái và làm hai công việc bán thời gian, tổng thu nhập 1,2 triệu won (gần 23 triệu đồng) mỗi tháng. Vừa nợ tiền học đại học, vừa nợ tiền mẹ và phải trả sinh hoạt phí cho chị gái, Kwon không hề có tiền tiết kiệm cho mình.
Lý do Kwon vay tiền mẹ là do anh nghiện cờ bạc, một thói quen đẩy nhiều người trẻ Hàn Quốc khác rơi vào cảnh nợ nần. Theo Trung tâm Nghiện Cờ bạc Hàn Quốc, số thiếu niên cần điều trị chứng nghiện cờ bạc ở nước này đã tăng từ 168 năm 2015 lên 1.027 năm 2018. Hầu hết chơi trên các website bất hợp pháp.
Kwon đánh bạc khi trở thành sinh viên đại học. Ban đầu, anh thắng tới 41 triệu won (gần 800 triệu đồng) dù số tiền bỏ ra chưa tới một triệu won. "Tất cả là do may mắn. Tôi từng rất may mắn nhưng cuối cùng cũng mất hết số tiền thắng được", chàng trai hiện ngoài 20 tuổi chia sẻ.
Để có tiền đánh bạc, Kwon tìm đến gói vay cho người có thu nhập thấp của chính phủ nhưng chỉ sau 10 ngày thua hết gần 15 triệu won (gần 300 triệu đồng). Bố mẹ Kwon phải đứng ra cho anh vay gần 25 triệu won (gần 500 triệu đồng) để trả nợ. Nhưng sau khi lấy tài khoản điện thoại của họ để trả vài khoản vay khác, Kwon ngay lập tức bị gia đình đuổi khỏi nhà.
"Thời gian đó thật khó khăn. Tôi không thể tắm rửa, luôn luôn mệt mỏi và đói bụng vì không một xu dính túi", Kwon nhớ lại.
Cố vấn về nợ Kim Min-chul cho biết nhiều nền tảng như diễn đàn trực tuyến và ứng dụng điệu thoại bị những kẻ cho vay nặng lãi lợi dụng, nhằm "câu" các nạn nhân trẻ tuổi như Kwon với lãi suất cắt cổ, đôi khi lên tới 500%. Ước tính có khoảng 400.000 người Hàn Quốc vay nặng lãi.
Một nhóm khác ngập trong nợ nần là các chủ doanh nghiệp nhỏ. Vợ chồng Yoon Kyung-ja mở một cửa hàng thịt lợn ở Seoul được bốn năm thì chủ nhà tăng gấp bốn tiền thuê mặt bằng. Họ không đồng ý mức giá mới nhưng cũng không muốn chuyển đi vì vừa tốn 37 triệu won (hơn 700 triệu đồng) tiền sửa chữa cửa hàng.
"Cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào cửa hàng này. Chúng tôi phải kiếm tiền để cho các con ăn học", Yoon nói. Tình hình càng căng thẳng hơn khi chồng Yoon xô xát với chủ nhà và bị kết án hai năm tù.
Món nợ cũ cùng với chi phí kiện tụng khiến vợ chồng Yoon giờ nợ đến 124 triệu won (hơn 2 tỷ đồng). Họ phải đóng cửa cửa hàng và mất khả năng chi trả các khoản vay.
Yoon Jin Sik, chủ một cửa hàng ăn vặt, không có đủ tiền để thực hiện ước mơ kinh doanh, anh đành phải tìm đến các dịch vụ cho vay nặng lãi. Dù việc kinh doanh thua lỗ, anh Yoon vẫn tiếp tục theo đuổi hoài bão của mình.
"Tôi không quan tâm đến lãi suất cắt cổ vì lúc ấy tôi thực sự cần tiền. 40% lãi suất cũng chẳng sao, miễn là tôi có thể vay được tiền", anh Yoon chia sẻ.
Cuối cùng, anh Yoon đã vay khoảng 16 triệu won (hơn 300 triệu đồng) nhưng phải trả gần 900 triệu đồng tiền lãi. Doanh nghiệp nhỏ của Yoon cũng chỉ duy trì được trong 4 năm.
Được biết, trong năm 2019, gần một nửa các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc không kiếm đủ doanh thu để bù vào tiền lãi suất "vay nóng". Để giảm gánh nặng cho các chủ doanh nghiệp, chính phủ Hàn Quốc đã giới hạn mức lãi suất cho vay hợp pháp xuống dưới 24%, đồng thời yêu cầu các ngân hàng tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp vay tiền với lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, chuyên gia Basu dự đoán sẽ còn nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ ngập đầu.
Nguồn: Channel News Asia