Tại sao đã âm tính với virus SARS-COV-2 nhưng vẫn ho không dứt, bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn cách xử trí triệt để

Hoàng Lan | 08-03-2022 - 09:43 AM

(Tổ Quốc) - Sau khi mắc COVID-19, rất nhiều người vẫn bị ho kéo dài dù đã có kết quả kháng nguyên âm tính (test nhanh). Ho lâu ngày gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt.


1. Ho dai dẳng kéo dài dù đã âm tính với COVID-19

Chị Hoa (ở Thanh Xuân, Hà Nội) nhiễm COVID-19 đã hơn 2 tuần. Sau 7 ngày kể từ khi dương tính chị đã có kết quả test nhanh âm tính. Các triệu chứng như sốt, đau nhức người… đã hầu như không còn. Tuy nhiên, chị Hoa vẫn ho rất nhiều. "Tôi bị nhiễm COVID-19 với triệu chứng nhẹ. Chỉ sốt 1 ngày, mệt mỏi khoảng 3 ngày, đến ngày thứ 7, tôi tét nhanh đã có kết quả âm tính. Tuy nhiên, tôi vẫn bị ho rất nhiều, nhất là vào ban đêm. Ho quá nhiều khiến tôi mệt mỏi và lo lắng không biết đường hô hấp của mình có bị tổn thương nặng hay không".

Tình trạng của chị Hoa sau khi nhiễm COVID-19 không hiếm. Chị Linh ( ở Đống Đa) cũng khổ sở sau khi đã khỏi COVID-19 gần 2 tháng nay. Khi phát hiện bản thân dương tính, chị Linh điều trị tại nhà vì các biểu hiện nhẹ nhàng. Tuy nhiên, sau 14 ngày, dù kết quả âm tính hoàn toàn nhưng chi vẫn ho không dứt, và kéo dài đã gần 1 tháng. "Cơn ho liên tục kéo đến kèm cảm giác khó thở, thường xuyên xảy ra vào ban đêm khiến tôi mất ngủ, vừa mệt vừa căng thẳng", chị Linh nói.

Tại sao đã âm tính với virus SARS-COV-2 nhưng vẫn ho không dứt, bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn cách xử  trí triệt để - Ảnh 1.

Theo PGS TS Phạm Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường ĐH Y Hà Nội, holà một phản xạ làm sạch bụi, đờm và các chất kích thích khác khỏi đường thở của bạn (họng – thanh quản – khí quản - phổi), nên ho được coi là phản xạ bảo vệ có lợi của cơ thể. Vì thế, bác sĩ chỉ cắt cơn ho khi ho quá nhiều ảnh hưởng tới ăn uống và giấc ngủ.

Khi kháng nguyên ở vùng mũi họng không còn, bạn có thể tiếp tục bị ho khan trong một thời gian. Ho có thể xuất hiện thành cơn. Khi ho quá nhiều có thể sẽ gây kích ứng, khiến người bệnh đau rát họng, đau dọc theo đường giữa xuống ngực. Ho thường xảy ra vào ban đêm khiến bệnh nhân không ngủ được, gây tâm lý căng thẳng, lo lắng các tổn thương ở phổi sau khi nhiễm COVID-19

Ngoài ra, ho kéo dài cũng có thể làm tổn thương biểu mô đường hô hấp dẫn tới sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm… có sẵn tại đường thở và gây viêm, làm cơn ho trầm trọng hơn, ho sâu, ho trở nên có đờm đặc dần và vàng xanh...

Mặt khác, người nhiễm SARS-CoV -2 có thể bị ngạt mũi. Nếu không điều trị mà thở bằng miệng, bạn sẽ hít nhiều không khí khô, không được hệ thống làm sạch, làm ấm và làm ẩm của mũi xử lý mà đi thẳng vào phổi, ảnh hưởng đến niêm mạc của đường thở và gây ho.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cũng cho biết, ho sau mắc COVID-19 giống ho sau bị cảm hoặc nhiễm các virus hô hấp. Những người có cơ địa dị ứng (bị kích thích ho khi bị), bị suyễn, trào ngược, sống trong môi trường nhiều khói bụi dễ bị ho sau khi mắc COVID-19 hơn.

2. Xử trí cơn ho sau khi mắc COVID-19

Về nguyên nhân gây ho sau khi khỏi COVID-19 được chia thành 4 nhóm:

- Thứ 1: Sau khi khỏi bệnh, cơ thể còn đào thải chất tiết (xác virus);

- Thứ 2: Người có cơ địa dị ứng/hoặc bị suyễn;

- Thứ 3: Người có bệnh lý trào ngược sẵn có, uống thuốc nhiều thì tình trạng này tăng thêm;

- Thứ 4 là có tình huống kích thích trung khu thần kinh ở dọc đường hô hấp, vùng khí quản, hầu họng.... gây ho.

Để ứng phó với ho sau khỏi COVID-19, theo BS Đào, người dân nên đi khám để bác sĩ đánh giá chính xác bệnh nhân có các bệnh phổi khác hay không (như viêm phổi, lao phổi), hoặc các bệnh như ho do dị ứng, trào ngược, suyễn... hay đích thị là ho hậu COVID-19.

Tại sao đã âm tính với virus SARS-COV-2 nhưng vẫn ho không dứt, bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn cách xử  trí triệt để - Ảnh 2.

Các cách xử trí cơn ho bác sĩ Đào gợi ý:

Các biện pháp không dùng thuốc

- Hít vào và thở ra bằng mũi, thở chậm cho đến khi hết ho.

- Ngậm miệng và nuốt liên tục đến khi hết cơn ho.

- Uống những ngụm nhỏ nước ấm đến khi cơn ho dừng.

Tùy theo đáp ứng của cá nhân mà bạn lựa chọn các phương pháp này cho phù hợp.

Kỹ thuật giảm ho sau COVID-19:

 

Tại sao đã âm tính với virus SARS-COV-2 nhưng vẫn ho không dứt, bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn cách xử  trí triệt để - Ảnh 3.

Sơ đồ hướng dẫn giảm cơn ho sau COVID-19. Nguồn: Sức khỏe đời sống

-Ngồi thẳng lưng và thoải mái.

-Hít vào sâu và từ từ bằng mũi và giữ đếm 3-4 (nếu bạn có thể), sau đó nhẹ nhàng thở ra khỏi miệng. Lặp lại 3-4 lần.

-Thở nhẹ nhàng, thư thái trong 20-30 giây (kiểm soát nhịp thở), lặp lại bước 2 và bước 3 đến 3 lần.

-Hít sâu từ từ vào bằng mũi, sau đó thở nhanh không khí ra bằng miệng, lặp lại điều này trong 3-4 chu kỳ hoặc cho đến khi bạn cảm thấy đờm đã sạch.

Đôi khi bạn có thể cảm thấy chóng mặt khi thực hiện thì tạm thời dừng nghỉ 30 phút rồi lặp lại.

Bạn có thể cần sử dụng kỹ thuật này nhiều lần trong ngày - tìm một thời điểm thuận tiện cho bạn và cố gắng sử dụng nó vào những thời điểm trong ngày mà bạn cảm thấy hiệu quả nhất.

Sử dụng thuốc

Phải tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ vì tùy theo nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ có những chỉ định thuốc nhất định.

- Nguyên nhân ho do kích thích, sử dụng các thuốc sau theo chỉ định của bác sĩ:

Thuốc ức chế thần kinh trung ương làm giảm cơn ho.

Thuốc ngậm giảm kích thích.

- Nguyên nhân ho do viêm nhiễm, sử dụng các thuốc sau theo chỉ định của bác sĩ:

Dùng thuốc kháng sinh và/hoặc kháng viêm steroid đường uống và/hoặc đường hít – xịt.

Thuốc làm loãng đờm, tránh bám dính của dịch tiết trên biểu mô đường hô hấp, loại bỏ điều kiện phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Thuốc ho long đờm hay thuốc tiêu chất nhầy được sử dụng để làm long tiết dịch từ niêm mạc phế quản, khí quản. Thuốc có tác dụng làm thay đổi cấu trúc, giảm độ quánh nhớt của đờm nhầy, từ đó khiến đờm có thể tống ra khỏi đường hô hấp bằng hành động khạc nhổ hoặc thông qua hệ thống lông chuyển.

Các bệnh nhận cần được bác sĩ hướng dẫn khi sử dụng thuốc.

Nhập viện điều trị 

Nếu trong trường hợp bác sĩ xác định có tổn thương đường hô hấp nặng hoặc theo dõi mà người bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị bằng đường uống.

Tổng hợp từ moh.gov.vn, suckhoedoisong.vn...

 

Tại sao đã âm tính với virus SARS-COV-2 nhưng vẫn ho không dứt, bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn cách xử  trí triệt để - Ảnh 4.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM