Có một cô gái lên mạng kể rằng, vào một ngày nọ đi đang giặt đồ trong phòng tắm, cô vô tình làm đổ nước tràn ra khắp nhà. Bạn trai cô nghe thấy tiếng động liền chạy vào hỏi có chuyện gì. Cô vừa mếu máo vừa nói: "Làm sao bây giờ, em sẽ gặp rắc rối lớn".
Cô tưởng bạn trai sẽ trách móc mình nặng nề nhưng không ngờ anh chỉ xoa đầu cô an ủi và nói "không sao đâu". Sau đó anh bảo cô ra ngoài trước, việc còn lại mình sẽ lo.
Cô như bị đóng băng tại chỗ. Vào lúc đó, nhiều kỷ niệm chợt ùa về trong tâm trí cô.
Cô kể lại khi còn nhỏ, có lần cô vô tình làm vỡ chiếc bát ăn cơm. Mẹ cô lập tức mắng "sao con hậu đậu thế, không biết quý trọng đồ ăn gì cả", "con tưởng mẹ kiếm tiền dễ dàng lắm sao, mấy thứ này đều phải mua bằng tiền hết đấy".
Cô sợ hãi và cảm thấy như mình đã làm điều gì đó rất khủng khiếp. Sau khi bị mẹ mắng, cô luôn tự trách hành vi của mình và ước gì lúc đó đã cẩn thận hơn.
Tất nhiên, đó không phải là lần duy nhất cô bị mẹ mắng. Bất kể khi nào cô lỡ làm vỡ hay sai điều gì đó, mẹ cô lại mắng không thương tiếc. Khi lớn lên rồi, cô thắc mắc một chiếc bị vỡ cũng chẳng tốn bao nhiêu tiền, quần áo bẩn thì có thể giặt, tại sao mẹ lại phải tức giận như vậy. Tại sao bố mẹ lại khiến cô đau khổ chỉ vì một việc nhỏ như vậy.
Sau này, khi gặp bạn trai và nhìn thấy các anh đối xử với mình dịu dàng, lúc đó cô mới hiểu ra rằng, hóa ra không phải đứa trẻ nào cũng bị mẹ đối xử như vậy. Ở một số gia đình, trẻ em không bị mắng khi mắc lỗi nhỏ, thậm chí còn được an ủi.
Cha mẹ thích "chuyện bé xé ra to", tạo ra căng thẳng cho con
Trong một môi trường gia đình như vậy, nếu chẳng may con cái làm vỡ bát đĩa, làm bẩn áo quần, điểm kiểm tra thấp… trẻ sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ cha mẹ.
Theo nghiên cứu, những gia đình quá căng thẳng sẽ nuôi dạy ra 2 kiểu người con:
- Trẻ thích nói dối:
Sau khi phạm sai lầm, trẻ sẽ vô thức nói dối để tránh sự trách móc và trừng phạt của cha mẹ.
Khi chúng nếm được vị ngọt của việc nói dối, sự căng thẳng do cha mẹ tạo ra thực chất lại trở thành nguyên nhân khiến trẻ có thói quen nói dối.
- Trẻ không dám phạm sai lầm hoặc cố gắng:
Vì mắc sai lầm sẽ bị trừng phạt nên trẻ sẽ lùi bước, không dám phạm sai lầm, không dám mạo hiểm và luôn ở trong vùng an toàn của mình.
Tuy nhiên, những đứa trẻ luôn tuân theo quy tắc sẽ không chỉ bỏ lỡ nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống mà còn bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Trên thực tế, phạm sai lầm là điều bình thường, dù là người lớn hay trẻ con thì cũng có lúc làm sai. Khi một đứa trẻ nhận ra rằng mình đã phạm sai lầm, chúng thực sự cảm thấy buồn và tự trách mình. Là cha mẹ, điều quan trọng nhất là sự hướng dẫn chứ không phải hình phạt khắc nghiệt.
Mỗi khi thảo luận về chủ đề này, nhiều bậc phụ huynh bình luận rằng:
"Trẻ con ngày nay không được phép đánh, mắng, vậy cha mẹ dạy dỗ con cái thế nào?"
"Làm sao một đứa trẻ chưa bao giờ bị đánh, bị mắng có thể đủ mạnh mẽ để đối mặt với những thử thách trong tương lai?"
Trước hết, điều cha mẹ cần hiểu rằng, giáo dục có nghĩa là dạy dỗ và nuôi dưỡng, chứ không phải là la mắng bừa bãi hay tức giận chỉ để trút bỏ cảm xúc của mình.
Trên thực tế, sở dĩ trẻ trở nên mạnh mẽ là vì chúng nhận được đủ yêu thương, đủ sức mạnh để chịu đựng những khó khăn, thất bại trong cuộc sống.
Có người từng hỏi trên trang Zhihu rằng: "Sẽ như thế nào nếu cha mẹ không tùy ý chỉ trích, tức giận hay đổ lỗi cho con cái?"
Câu trả lời của một cư dân mạng này đã nhận được rất nhiều lượt thích: "Những bậc cha mẹ như vậy sẽ bao dung bạn từ tận đáy lòng".
Phạm sai lầm không phải là chuyện gì to tát, ai cũng mắc sai lầm, kể cả người lớn. Lúc này, điều trẻ cần chính là sự an ủi, cho chúng biết rằng được phép mắc sai lầm.
Họ sẽ không tùy tiện trách móc con, bởi họ biết rằng mỗi lần con mắc lỗi đều là một cơ hội học hỏi quan trọng. Họ sẽ nắm bắt thời gian này để con nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm sống.
Những bậc cha mẹ như vậy sẽ luôn ủng hộ và bao dung với con cái, khiến chúng luôn cảm thấy tự tin và được yêu thương. Trong tương lai, trẻ sẽ không sợ bất cứ khó khăn nào, chúng biết rằng dù trên đời có chuyện gì xảy ra thì cũng sẽ có người đứng vững phía sau chúng.