Ai cũng biết rằng WWE, hay đấu vật biểu diễn, là một vở kịch đột lốt thi đấu đô vật. Nhưng lạ thay, mỗi khi fan hay phóng viên sử dụng từ "giả" để trao đổi với các đô vật, họ đều phản ứng rất quyết liệt. Vì sao lại thế?
Áp lực Kayfabe - Giữ vai diễn ở ngoài đời
Trái với các diễn viên, khi vở kịch được hạ màn, khi bộ phim đã được công chiếu, các diễn viên có thể dễ dàng rũ bỏ vai diễn của họ để tham gia vào các vở diễn mới. Đô vật thì không như thế, họ bị ràng buộc bởi kayfabe và buộc phải giữ vai diễn đó cả ngoài đời thật.
Kayfabe, hay bức màn phân tách giữa câu chuyện trên sàn và đời thực, là một đặc tính riêng biệt của đô vật biểu diễn. Thông thường ở các sản phẩm kịch, phim ảnh, câu chuyện được kể chỉ tồn tại ở trong tác phẩm đó. Nhưng với đấu vật, câu chuyện được kể trên sàn thường được đan xen vào trải nghiệm của khán giả, nhằm kích thích người xem và bán được vé nhiều hơn.
Do đặc thù này của đô vật, các đô vật luôn cố gắng để kayfabe không bị lật tẩy. Nếu không diễn đúng nhân vật, câu chuyện, thì khán giả sẽ không còn hứng thú trả tiền để tới những show đô vật nữa. Do đó, vì kế sinh nhai, các đô vật sẽ quyết liệt giữ vững vai diễn, không để khán giả mất hứng thú.
Có một pha "lật kayfabe" khá nổi tiếng trong thời gian gần đây là giữa đô vật Lana và Rusev. Theo kịch bản Lana và Rusev từng là một cặp, nhưng rồi phản bội nhau và trở thành kẻ thù của nhau.
Tuy nhiên, cả 2 đô vật này ngoài đời lại là một cặp uyên ương đúng nghĩa. Rusev và Lana từng bị WWE kiểm soát rất chặt về hình ảnh ngoài đời của họ. Họ buộc phải thể hiện mối thù ấy kể cả trên mạng xã hội cá nhân. Dù vậy, năm 2019, Rusev và Lana đã công khai đính hôn trên Twitter bất kể việc mối thù của cả hai tại WWE đang được xây dựng đến đỉnh điểm.
Cặp uyên ương này được biết là đã bị WWE xử phạt rất nặng tay ngay sau đó. Cũng trong năm 2019, trên sóng WWE, nữ đô vật Lana tiếp tục mối thù với Rusev bằng cách khóa môi với đô vật Bobby Lashley ngay trước mặt hôn phu để rồi nhiều fan hâm mộ đã tự hỏi rằng: "Mối tình giữa Lana và Bobby Lashley có phải là thật?"
Dù câu chuyện là giả, nhưng những va chạm là thật
Có rất nhiều quan niệm sai lầm rằng do đô vật là giả, nên họ cũng chẳng đau đớn gì, nhưng sự thật thì hoàn toàn khác.
Việc cơ cấu một câu chuyện và kết quả trận đấu chỉ đơn giản là giảm rủi ro chấn thương và tăng tần suất làm việc của các đô vật. Nhưng sàn đấu vẫn làm bằng gỗ và sắt, những pha va chạm vẫn là xương và thịt, do đó không thể nào loại bỏ được cảm giác đau đớn. Tai nạn vẫn luôn là một rủi ro mọi đô vật phải đối mặt khi làm việc.
Tưởng tượng bạn phải ngã xuống sàn đấu thật mạnh, tự bảo vệ mình trước những đòn đánh của đối thủ, rồi tiếp tục lặp lại công việc này 2 3 lần mỗi tuần. Các võ sĩ MMA còn có nhiều tháng để nghỉ ngơi lấy lại sức, tập luyện để trở lại sàn đấu.
Đối với đấu vật thì chỉ 7 ngày sau trận đấu là bạn đã phải tiếp tục thượng đài rồi. Đó là chưa kể đến nhiều công ty đô vật nhỏ với số lượng đô vật ít ỏi buộc họ có khi phải biểu diễn đến 2-3 trận 1 tuần khi 1 đô vật phải kiêm 2-3 vai khác nhau.
Bị gọi là "giả" như là lời xúc phạm
Các đô vật là người biết rõ nhất trong ngành nghề của mình có những khó khăn gì, đòi hỏi gắt gao như thế nào. Chính họ là những người bán rẻ sức khỏe cơ thể mình để kiếm sống, mua vui cho khán giả.
Việc bị gọi là giả như một sự phủ nhận những cống hiến của người đô vật. Đặc biệt hơn nữa, như phủ nhận những pha chấn thương kinh hoàng trong đấu vật của các đồng nghiệp, hay thậm chí là mất mạng vì tai nạn trên sàn đấu.
Chưa kể đến việc bạn chẳng bao giờ dám coi thường những tai nạn té ngã của ông ngoại, còn các đô vật già sẵn sàng để đối thủ quăng quật mình ngay trên nền bê tông đệm mỏng. Điển hình là những người như Ric Flair, Sting, những lão tướng vẫn lao mình ầm ầm trên sới vật biểu diễn dù đã ở tuổi 60.
Kết
Việc bị gọi là "giả" là một góc nhìn hạn hẹp cho đô vật biểu diễn từ góc nhìn của khán giả đại chúng. Và vì lòng tự trọng bản thân, hay chỉ đơn giản vì muốn giữ vững màn kịch, các đô vật sẽ luôn phản ứng gay gắt và quyết liệt trước những lời chê bai như thế này.