Tại sao cả Mỹ và NATO đều phải lo sợ tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen của Nga?

Tú Anh | 25-07-2022 - 12:28 PM

(Tổ Quốc) - Khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền ở khoảng cách xa của tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen là yếu tố khiến các nhà lãnh đạo quân sự NATO hết sức quan ngại.

Nga liên tiếp “cho ra lò” các tàu ngầm lớp Yasen

Hải quân Mỹ hiện đang là lực lượng sở hữu những tàu ngầm tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, Nga được cho là đã nâng cấp toàn diện các tàu ngầm lớp Yasen và đây là động thái khiến Washington phải quan ngại.

Severodvinsk - tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường lớp Yasen đầu tiên của Nga đi vào hoạt động từ cuối năm 2013. Giai đoạn sau đó là quãng thời gian mà Nga tăng tốc chế tạo các tàu ngầm khác cùng lớp với tiến độ nhanh hơn.

Hiện nay, các nhà lãnh đạo Nga đang xem xét bổ sung thêm nhiều tàu ngầm thuộc lớp Yasen cho lực lượng hải quân khiến các chỉ huy NATO không khỏi lo lắng, đặc biệt là tính năng tàng hình của chúng và khả năng tấn công các mục tiêu có giá trị.

Kazan, tàu ngầm thứ hai thuộc lớp Yasen được đóng vào tháng 7 năm 2009 và đưa vào hoạt động từ tháng 5 năm 2021. Tiếp đến là Novosibirsk, được đặt đóng vào tháng 7 năm 2013 và được đưa vào hoạt động vào tháng 12 năm 2021.

Chiếc thứ tư - Krasnoyarsk, được đặt đóng vào tháng 7 năm 2014 và được cho là sẽ bàn giao cho hải quân Nga vào cuối năm 2022.

Truyền thông Nga dẫn lời một quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp quốc phòng nước này cho biết, Moscow có thể sẽ đóng thêm nhiều tàu lớp Yasen nữa.

Tại sao cả Mỹ và NATO đều phải lo sợ tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen của Nga? - Ảnh 1.

Severodvinsk - tàu ngầm lớp Yasen của Hải quân Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Tàu ngầm lớp Yasen: Ngôi sao sáng trong quá trình hiện đại hóa Hải quân Nga

Tàu ngầm là một điểm tương đối sáng trong tiến trình hiện đại hóa hải quân của Nga. Lực lượng hoạt động dưới lòng biển này, đặc biệt là các tàu ngầm lớp Yasen (hay Severodvinsk theo cách gọi của NATO) đã để lại ấn tượng với những nước láng giềng của Nga.

Chia sẻ trong một sự kiện của Viện Hoover (Mỹ) tổ chức hôm 20/7, ông Ine Eriksen Søreide, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017 đã đưa ra nhận xét sau:

“Tôi nhớ lại cuộc gặp đầu tiên của tôi với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis. Thứ quan trọng nhất mà tôi mang theo đến cuộc họp với ông là một bức ảnh chụp tàu ngầm lớp Severodvinsk của Nga. Chúng tôi muốn truyền đạt tới Mỹ rằng đây thực sự là một trong những thách thức chiến lược lớn mà chúng tôi đang phải đối diện”.

Tàu ngầm lớp Yasen chỉ là một vài trong số nhiều tàu chiến, tên lửa và máy bay mới mà Nga trang bị trong những năm gần đây nhưng khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển khiến chúng trở thành mối quan tâm đặc biệt.

Ông Søreide, người cũng từng giữ chức Ngoại trưởng Na Uy từ năm 2017 đến năm 2021 cho biết thêm: “với các tàu ngầm này, Nga hiện có thể khóa chặt cửa ngõ Greenland - Iceland - Vương quốc Anh một cách hiệu quả. Bằng cách đó, họ cũng có thể ngăn chặn hoạt động tiếp viện đến châu Âu trong tình huống khủng hoảng”.

Bờ biển của Na Uy chạy dài từ Bán đảo Kola, nơi Hạm đội phương Bắc hùng mạnh của Nga đặt trụ sở, đến Biển Baltic, nơi các tàu ngầm Severodvinsk đã được phát hiện ra khơi vào tháng này.

Tại sao cả Mỹ và NATO đều phải lo sợ tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen của Nga? - Ảnh 2.

Tàu ngầm tấn công Yasen-M

Những cảnh báo của ông Søreide có thể không gây ngạc nhiên đối với các quan chức Mỹ.

Một báo cáo năm 2009 của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ từng đánh giá tàu ngầm lớp Yasen là loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chạy êm nhất vào thời điểm đó.

Năm 2014, sĩ quan phụ trách tàu ngầm tại Bộ tư lệnh các hệ thống trên biển của Hải quân Mỹ cho biết ông rất ngưỡng mộ tàu ngầm Severodvinsk và đã đặt một mô hình trong văn phòng làm việc của mình.

“Chúng tôi sẽ phải đối mặt với những đối thủ tiềm năng rất “khó nhằn”. Đó là tàu ngầm Severodvinsk”, Chuẩn đô đốc Dave Johnson phát biểu tại một hội nghị vào tháng 10 năm đó.

“Tôi rất ấn tượng với con tàu này đến nỗi tôi đã nhờ Carderock (Trung tâm thử nghiệm hải quân) xây dựng một mô hình từ dữ liệu công khai”.

Ngoài khả năng hoạt động êm ái, Severodvinsk còn được trang bị hàng chục tên lửa hành trình có khả năng tấn công tàu chiến và các mục tiêu trên bộ. Severodvinsk cũng đã bắn thử tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon mới của Nga vào cuối năm 2021.

Ba tàu ngầm tiếp theo - Yasen-M cũng được trang bị vũ khí tương tự nhưng là các phiên bản nâng cấp với những cảm biến mới, công nghệ tĩnh lặng mới và lò phản ứng hạt nhân được cải tiến để ít gây tiếng ồn hơn.

Chính khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền ở khoảng cách xa của những tàu ngầm này là yếu tố khiến các nhà lãnh đạo quân sự NATO tỏ ra hết sức lo lắng hiện nay.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM