Tai họa sinh ra bởi lòng tham: Kiểu người này dù có trong tay cả thiên hạ cũng khó sống yên một ngày

Hoàng Lan | 05-12-2020 - 15:04 PM

(Tổ Quốc) - Người xưa có câu: “Người không biết đủ giống như con rắn muốn nuốt cả con voi”, nuốt không được cũng lại không muốn nhả ra. Người tham lam sẽ dễ dàng bị lầm đường lạc lối, khiến tai họa “không nên có” ập đến lúc nào không hay.

Có chàng trai trẻ tìm được chiếc thuyền nhỏ bị bỏ lại bên bờ biển. Cậu đem nó về sửa lại rồi hàng ngày chèo thuyền đi đánh cá. Có những hôm, chẳng bắt được con cá nào những câu trai trẻ vẫn không ngừng hát ca, yêu đời.

Trong ngôi biệt thự cạnh đó, có cặp vợ chồng buôn bán cá giàu có. Hàng ngày họ tất bật buôn bán, sớm tối đi về không chút thảnh thơi, lúc nào cũng bận rộn, cau mày tính toán lời lãi... Chẳng mấy khi thấy cặp vợ chồng nọ vui cười.

Tai họa sinh ra bởi lòng tham: Kiểu người này dù có trong tay cả thiên hạ cũng khó sống yên một ngày - Ảnh 1.

Một ngày nọ, cậu trai trẻ bỗng nhặt được một bọc tiền lớn trên bờ biển. Cậu quyết định dùng số tiền đó để mua chiếc thuyền lớn hơn, thuê thêm người làm... Rồi thuyền của chàng trai ngày một lớn hơn, cá ngoài khơi xa đến gần bờ đều lần lượt về hết tay cậu... Dần dần, chàng trai trẻ yêu đời khi xưa trở thành một ông chủ thuyền có tiếng và mơ mộng trở thành người giàu có nhất bến cảng... Cả ngày cậu mơ về viễn cảnh đó, đêm đêm cũng trằn trọc suy tính...

Thế rồi, chàng trai trẻ đã quên cả những bài hát vui vẻ trước đây. Bởi cả ngày cậu còn phải suy tính tiền bạc, đến giấc ngủ cũng chẳng còn bình yên.

Một hôm, 2 vợ chồng người buôn cá ngồi nói chuyện với nhau. Bà vợ nói: "Giờ đây, cậu ta cũng chẳng khác gì chúng ta, có tiền nhưng chẳng biết niềm vui là gì!". Ông chồng đắp: "Cậu ta đã có được nhiều hơn những gì bản thân cần. Như vậy, lòng tham trỗi dậy, có một lại muốn có 2, có 3 và nhiều hơn nữa. Khi lòng tham quá nhiều, con người chẳng thế nào vui vẻ được nữa".

Thời xưa, có một vị tiên sinh dạy học, gia cảnh bần hàn nhưng mỗi ngày đều dâng hương bái lễ, cảm tạ trời xanh ban phúc. Vợ của ông nghĩ mãi mà không hiểu, liền hỏi: "Một ngày ba bữa ông đều húp cháo loãng, cuộc sống sao có thể tính là hưởng phúc?"

Vị tiên sinh này trả lời: "Sống ở nơi thái bình, không có chiến sự thảm họa, đó là cái hạnh phúc lớn nhất. Hàng ngày có quần áo mặc, có cái ăn, không đến mức đông chịu lạnh, đói không có gì ăn là hạnh phúc lớn thứ hai. Trong người không có bệnh tật, không có tai họa, trong lao ngục không có tù nhân là cái hạnh phúc lớn thứ ba. Chúng ta có cả ba thứ ấy rồi chẳng phải là phúc sao?"

Nhiều người nhìn vị tiên sinh này thường cho rằng ông không thành công, nhưng ông lại tự thấy mình hạnh phúc. Bởi vì trong lòng ông biết đủ, niềm hạnh phúc của ông đến từ góc độ tương đối. Một người biết đủ ở phương diện công danh lợi lộc có thể không thành công như người khác nhìn vào nhưng họ sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc mà không để tâm đến việc đó. "Biết đủ" chính là cách nắm giữ hạnh phúc trong tay.

Nhà hiền triết Aristoteles cũng từng nói: "Nô lệ chính là kẻ để dục vọng chiến thắng lý tính." Ham muốn vật chất quá mức sẽ khiến bạn mất phương hướng cuộc sống. Đặc biệt là khi khả năng của bạn không phù hợp với mong muốn quá cao, cuộc sống đã bị định sẵn là một bi kịch.

Ngược lại, khi bạn học cách biết đủ, tự hài lòng với cuộc sống giản đơn xung quanh, hạnh phúc sẽ đến.

Tai họa sinh ra bởi lòng tham: Kiểu người này dù có trong tay cả thiên hạ cũng khó sống yên một ngày - Ảnh 2.

Phúc sinh ra bởi vô dục mà tai họa sinh ra bởi ham muốn. Biết đủ thì sẽ giàu có, người tham lam của cải mà không biết dừng thì tuy có thiên hạ cũng không gọi là giàu. Trong sách "Đạo đức kinh", Lão Tử đề cập rất nhiều đến đạo lý "biết đủ". Ông cho rằng, nhận thức "biết đủ" có thể quyết định họa phúc, vinh nhục của đời người. Một người nếu biết đủ thì dù vật chất không quá nhiều, họ vẫn có thể tự nhận là một người giàu có. Bởi người biết đủ luôn hài lòng với cuộc sống, không cảm thấy thiếu thốn gì.

Trái lại, người không biết đủ thì cho dù sở hữu bao nhiều tiền bạc, địa vị cũng vẫn luôn thấy thiếu. Bởi lòng tham của con người không có giới hạn. Nhiều người mải mê chạy theo vật chất, danh lợi bởi nghĩ rằng có càng nhiều bản thân sẽ càng hạnh phúc. Nhưng thực tế cuộc sống đã chứng minh, họ sai và chính bản thân họ mãi rơi vào vòng luẩn quẩn của tiền tài mãi không rút chân ra được.

Trong vòng xoáy tất bật của cuộc sống, tất cả chúng ta đều tự hỏi, hạnh phúc ở đâu? Niềm vui ở đâu khi chưa có đủ tiền bạc? Kỳ thực, tiền bạc không phải là thứ có thể quyết định được hạnh phúc, niềm vui của cuộc đời bạn.

Người hạnh phúc là người biết hài lòng, trân trọng với những gì mình đang có.

Niềm vui là cảm giác biết đủ với cuộc sống của bản thân.

Tiền bạc, danh lợi thật sự hấp dẫn. Đối với nhu cầu và khát vọng của con người thì cuộc sống này dường như chẳng bao giờ là đủ. Luôn muốn có thêm... là đặc điểm cố hữu của con người. Bởi thế, không có tiêu chuẩn chung nào về sự đầy đủ. Ai tự biết đủ, sẽ luôn thấy vừa lòng, còn nếu ai chưa biết đủ thì cứ mải miết đi tìm.

Nhưng liệu bạn có biết thứ bạn thật sự mong muốn là gì không? Suy cho cùng: "Cao ốc ngàn gian thì đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa.

Người không ngoan không chỉ dành toàn bộ thời gian để kiếm sống, làm giàu. Họ vẫn luôn tận hưởng cuộc sống, khiến bản thân trở nên thú vị hơn, hiểu biết nhiều hơn. Chính cách nhận thức đúng đắn về con người và cuộc đời sẽ giúp chúng ta sống thảnh thơi và hạnh phúc hơn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM