Tác giả cuốn "Kỉ luật mềm của trái tim" chia sẻ bí quyết 5 điều giúp cha mẹ bớt nổi nóng khi dạy con cái

Minh Nhật | 05-02-2023 - 09:00 AM

(Tổ Quốc) - Theo Aki Nguyễn - tác giả cuốn "Kỉ luật mềm của trái tim", cơ chế của cơn giận xuất phát từ bên trong chính bố mẹ. Việc phụ huynh dễ nổi nóng khi dạy con cái sẽ không mang lại nhiều lợi ích, đôi khi nó còn gây tác hại.

Mới đây, chị Aki Nguyễn - tác giả cuốn "Kỉ luật mềm của trái tim", đã chia sẻ bí quyết để cha mẹ bớt nổi giận khi dạy con cái. Theo vị chuyên gia, cơ chế của cơn giận xuất phát từ bên trong chính chúng ta. Nó đến từ trải nghiệm chúng ta lớn lên, từ thói quen ứng xử và suy nghĩ hàng ngày tạo thành.

"Gốc rễ sâu xa sinh ra sự nóng giận của chúng ta như này. Nó đến từ sự tham - sân - si trong lòng mà chúng ta chưa học cách kiểm soát được.

Cụ thể:

- Tham: Kỳ vọng của mình vào con, lấy quyền làm cha mẹ áp đặt lên con (con phải nghe lời, nhắc là phải làm ngay…)

- Sân: Từ tham nảy sinh sự tức giận khi không xảy ra theo ý muốn của mình (con không làm ngay theo lời mình). Lại cộng thêm áp lực công việc từ công sở, mệt mỏi từ bên ngoài khiến chúng ta quên đi cách ứng xử sáng suốt. Cả cảm giác sợ hãi khi bị người khác phán xét về cách nuôi dạy con của mình chưa đủ tốt…

- Si: Mất đi sáng suốt để nhận diện được cảm xúc của bản thân, biết được bản chất của sự việc để biết được đâu là cách ứng xử đúng đắn".

Tác giả cuốn "Kỷ luật mềm của trái tim" chia sẻ bí quyết 5 điều giúp cha mẹ bớt nổi nóng khi dạy con cái - Ảnh 1.

Chị Aki Nguyễn cho rằng cha mẹ nên loại bỏ tham- sân-si khi dạy con.

Bí quyết để cha mẹ bớt nóng giận khi dạy con

Người xưa thường có câu "giận quá mất khôn". Quả thực, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc cha mẹ giận dữ khi dạy con cái thường không mang lại kết quả tối đa khi chúng ta muốn con vâng lời. Bản thân chị Aki Nguyễn cũng đã có nhiều lần cáu giận và rồi tự đúc rút ra những bài học cải thiện như này:

1. Tập nói thừa nhận cảm xúc của con khi ấy và nói ra cảm xúc của bản thân. Đó là cách ta tôn trọng con và buông bỏ lòng tham (áp đặt và lấy quyền làm cha mẹ để dọa dẫm). Đồng thời giúp ta có cơ hội bình tĩnh lại.

2. Không sợ người khác đánh giá về mình chưa dạy con tốt và con là chưa ngoan. Tin tưởng vào chính mình và chính con. Chỉ có ta mới hiểu được tính cách của con.

3. Tạo thói quen mỗi ngày dành ra một chút thời gian riêng cho chính mình dù chỉ 10 phút để cân bằng lại năng lượng. Với những người làm việc văn phòng, công sở theo thời gian thường sẽ để bản thân cuốn theo công việc và trở về nhà với một tinh thần mệt mỏi, rệu rã nên chỉ một chút không vừa ý cũng khiến mình dễ nổi cáu. Khi mệt hãy vào phòng riêng khóa cửa lại ngồi một mình để có thời gian cho riêng mình. Cũng có thể đó là khoảng thời gian trước khi đi ngủ mở nhạc nhẹ hoặc nhạc thiền để nghe.

4. Ngay cả khi mình đã lỡ tức giận và không kiềm chế được hành vi thì cũng đừng trách móc bản thân. Đừng ép bản thân phải không được cáu giận, thay vào đó hãy tìm lại vào chính bên trong mình để đặt câu hỏi "Mình đang giận con vì điều gì? Mình làm thế đã đúng chưa trong tình huống này? Mình đã đứng trên lập trường của con để suy nghĩ chưa? Mình cần làm gì lúc này nhỉ?". Thói quen thường xuyên đặt câu hỏi chính là cách cải thiện tốt nhất những hành vi tiêu cực của bản thân.

Tác giả cuốn "Kỉ luật mềm của trái tim" chia sẻ bí quyết 5 điều giúp cha mẹ bớt nổi nóng khi dạy con cái - Ảnh 2.

5. Khi thấy cáu giận hãy nhớ đến câu chuyện này để học cách kiên nhẫn chờ đợi và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp. Câu chuyện đó mang tên "chờ đợi":

Chuyện kể rằng khi Đức Phật đi từ làng này đến làng khác, trên đường đi, vào một ngày hè nóng bức, ngài thấy khát. Ngài đã cao tuổi nên bảo đồ đệ:

- Ananda, ta xin lỗi nhưng con sẽ phải quay lại. Chúng ta đã đi qua một con suối nhỏ khoảng hai, ba dặm, giờ ta thấy khát, con hãy quay lại đó mang nước về nhé.

Ananda quay trở lại. Anh ta biết chính xác vị trí của con suối mà họ chỉ mới vừa đi qua. Và khi họ đi qua, con suối vẫn trong xanh với dòng nước mát lành. Nhưng khi Ananda trở lại để lấy nước, hai chiếc xe bò đã đi qua và cả dòng nước suối bị vẩn đục, toàn bộ lớp bùn bên dưới nổi lên mặt nước. Những chiếc lá héo úa cũng nổi lên trên. Cho rằng mình không thể lấy nước này cho Đức Phật uống, Ananda quay trở về.

Khi Ananda quay trở lại, chàng xin Đức Phật cho mình đi thêm bốn dặm đường nữa vì chàng biết có một dòng sông lớn và chàng sẽ lấy nước ở đó. Nhưng Đức Phật đáp:

- Không, ta muốn uống nước từ con suối kia. Con không cần lãng phí thời gian, đúng ra con nên mang nước từ đó về.

- Nhưng nước ở đó bẩn và vẩn đục, lá thối nổi lềnh bềnh. Làm sao con có thể mang nước đó về cho thầy được?

Đức Phật đáp:

- Con hãy đi và mang về đây cho ta.

Ananda liền quay trở lại, nhưng thật không ngờ, vào lúc này, những chiếc lá đã trôi xa. Dòng nước không ngừng chảy mang theo tất cả, bùn đã lắng xuống, nước chỉ hơi đục một chút thôi. Lúc này Ananda đã hiểu thông điệp của thầy, nếu Ananda chỉ cần chờ đợi, mặt nước sẽ sớm trong vắt trở lại. Chẳng bao lâu anh ta đã lấy được nước về cho Đức Phật.

Ananda đã kể với Đức Phật:

Con đã chưa kể với thầy chuyện này. Ngay khi vừa quay trở lại con suối lần đầu con nhìn thấy hai chiếc xe bò băng qua trước mặt con, khiến cho toàn bộ nước suối bị vẩn đục, con đã nhảy xuống suối để cố giữ cho nước sạch. Nhưng con càng cố thì nước càng đục. Con càng bước chân vào thì bùn càng nổi lên. Con thật là ngu ngốc. Đó không phải là cách giúp dòng nước trở lại trạng thái vốn có của nó. Đúng ra con chỉ cần ngồi chờ đợi, chỉ đơn giản ngồi chờ đợi thôi.

"Khi mình cáu giận với con mình đã đặt câu hỏi ấy và lúc ấy mình nhớ đến câu chuyện của Đức Phật, mình nhớ đến việc phải nhìn lại chính mình. Dần dần mình học cách chế ngự Tham-Sân-Si của mình tốt hơn" - chị Aki Nguyễn chia sẻ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM