Một phát hiện về răng của một đứa trẻ và các công cụ bằng đá trong một hang động ở miền nam nước Pháp cho thấy người Homo sapiens đã ở Tây Âu khoảng 54.000 năm trước.
Hóa thạch này cho thấy rằng tổ tiên của chúng ta đã xuất hiện ở đây sớm hơn vài nghìn năm so với suy nghĩ trước đây, đồng thời nó cũng cho thấy rằng hai loài Homo sapiens và Neanderthal có thể đã cùng tồn tại trong một thời gian dài.
Nghiên cứu mới này đã được công bố trên tạp chí Science Advances.
Những hóa thạch này được phát hiện trong hang động Grotte Mandrin ở Thung lũng Rhone, bởi một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Ludovic Slimak của Đại học Toulouse dẫn đầu. Ông đã rất ngạc nhiên khi biết rằng có bằng chứng về sự định cư của con người hiện đại ban đầu.
"Giờ đây, chúng tôi có thể chứng minh rằng người Homo sapiens đã xuất hiện ở đây sớm hơn 12.000 năm so với dự kiến của chúng tôi, tuy nhiên nhóm dân số này sau đó được thay thế bởi những quần thể người Neanderthal khác. Và điều này thực sự khiến cho chúng ta phải có một cái nhìn khác về lịch sử nhân loại".
Người Neanderthal xuất hiện ở Châu Âu từ 400.000 năm trước. Giả thuyết hiện tại cho rằng họ đã tuyệt chủng khoảng 40.000 năm trước, không lâu sau khi người Homo sapiens rời khỏi lục địa Châu Phi.
Tuy nhiên khám phá mới cho thấy loài của chúng ta đã xuất hiện ở Châu Âu sớm hơn nhiều và hai loài này có thể đã cùng tồn tại ở Châu Âu hơn 10.000 năm trước khi người Neanderthal tuyệt chủng.
Theo Giáo sư Chris Stringer, thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, phát hiện khảo cổ mới này đã thách thức quan điểm hiện tại - loài của chúng ta đã nhanh chóng áp đảo người Neanderthal.
Ông nói: "Đó không phải là sự tiếp quản trong một sớm một chiều của con người hiện đại. Đôi khi người Neanderthal có lợi thế, đôi khi con người hiện đại có lợi thế, vì vậy sự cạnh tranh này là công bằng và diễn ra trong một thời gian dài hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ".
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng hóa thạch từ nhiều lớp địa chất tại khu vực này. Các nhà khảo cổ học đào càng sâu thì chúng ta càng có thể nhìn thấy xa hơn. Các lớp sâu nhất cho thấy di tích của người Neanderthal đã chiếm đóng khu vực này trong khoảng 20.000 năm.
Đứng trước sự ngạc nhiên hoàn toàn mới mẻ này, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy chiếc răng của một đứa trẻ hiện đại trong một lớp có niên đại khoảng 54.000 năm trước, cùng với một số công cụ bằng đá được chế tạo theo cách không liên quan đến người Neanderthal.
Bằng chứng cho thấy nhóm người sơ khai Homo sapiens đã sống ở địa điểm này trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, có lẽ khoảng 2.000 năm sau đó địa điểm này không có người ở. Theo đó, người Neanderthal đã quay trở lại, chiếm đóng địa điểm này trong vài nghìn năm nữa, cho đến khi con người hiện đại quay trở lại khoảng 44.000 năm trước.
Giáo sư Stringer nói: "Con người hiện đại xuất hiện trong một thời gian ngắn, sau đó có một khoảng trống mà có thể là do khí hậu gây ra, khiến cho tổ tiên của chúng ta không thể thích nghi được và sau đó người Neanderthal quay trở lại".
Một phát hiện quan trọng khác là mối liên hệ của các công cụ bằng đá được tìm thấy trong cùng một lớp trầm tích với răng của đứa trẻ con người hiện đại. Các công cụ được làm theo cách tương tự đã được tìm thấy ở một số địa điểm khác - ở thung lũng Rhone và cả ở Lebanon, nhưng cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn loài người nào đã tạo ra chúng.
Một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng một số công cụ có kích thước nhỏ được tìm thấy có thể là đầu mũi tên. Nếu được xác nhận, đó sẽ là một khám phá khá thú vị: một nhóm người hiện đại ban đầu sử dụng vũ khí tiên tiến gồm cung tên để vượt qua người Neanderthal 54.000 năm trước. Nhưng nếu đúng như vậy thì đó chỉ là một lợi thế tạm thời.
Vì vậy, nếu không phải là loài của chúng ta xóa sổ họ ngay lập tức, thì điều gì đã mang lại cho chúng ta lợi thế?
Nhiều ý tưởng đã được các nhà khoa học đưa ra: khả năng tạo ra nghệ thuật, ngôn ngữ và có thể là chính bộ não ưu việt của chúng ta. Nhưng Giáo sư Stringer tin rằng đó lời thế này đến từ việc tổ tiên của chúng ta đã sinh sống và hoạt động theo cách có tổ chức hơn.
"Chúng ta có khả năng kết nối giữa các cá thể tổ hơn, các nhóm xã hội của chúng ta cũng lớn hơn, đồng thời người Homo sapiens cũng lưu trữ kiến thức tốt hơn và tổ chức xã hội của chúng ta được xây dựng dựa trên kiến thức đó", ông nói.
Theo Giáo sư Stringer, ý tưởng về một sự tương tác kéo dài với người Neanderthal phù hợp với phát hiện được thực hiện vào năm 2010 rằng con người hiện đại có một lượng nhỏ DNA của người Neanderthal, điều này cho thấy rằng hai loài đã lai tạp.