Kính gửi anh C.,
Dạ chào anh, tôi là T., mẹ của cháu G., đang làm ở chỗ anh. Anh cho tôi xin lỗi trước vì đã làm phiền anh, tôi biết là anh rất bận nhưng có việc này tôi rất muốn nhờ anh.
Tôi mong anh cho thằng G. con tôi năm nay được nghỉ Tết sớm để cháu nó về nhà sớm năm nay. Hai ba năm nay cháu nó cứ đến 30 Tết, có hôm mùng 1 Tết mới về tới nhà, ráng gom thêm tiền lương về với nhà để rồi mệt mỏi cả mùa Tết. Tôi xót lắm anh. Tôi mong anh cho cháu nó về sớm năm nay, về sớm để gia đình tôi mạnh khỏe hạnh phúc bên nhau, là tôi vui lắm rồi.
Tôi cám ơn anh rất nhiều, vạn sự nhờ anh.
Tôi có gửi anh chút tiền, gửi cho cháu G. để nó chịu về sớm với tôi. Tôi cám ơn anh lắm.
Xúc động khi biết sự thật đằng sau hành động của người mẹ
Hóa ra lý do dẫn đến hành động khó hiểu của người phụ nữ là vì mong muốn G. - con mình có thể về nhà sớm hơn và kịp đón Tết cùng gia đình. Anh C. (người nhận lá thư) chia sẻ rằng đây là tờ đơn xin nghỉ phép "dễ thương" nhất mà anh từng đọc.
Những ngày cận Tết là thời điểm doanh nghiệp gấp rút hoàn thành các đơn hàng lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đẩy mạnh doanh thu cuối năm. Nhiều công nhân viên đồng ý ở lại làm việc nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình, chi trả các hóa đơn sắm Tết hoặc mua quà bánh tặng người thân.
Người lao động cật lực làm việc trước Tết (Ảnh minh họa)
Cũng là một người con đã lập gia đình, anh C. bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với tâm sự của người mẹ và thấu hiểu vì sao G. (người con trong lá thư) lựa chọn ở lại thành phố thêm vài ngày. Bản thân mỗi người con đều nỗ lực kiếm tiền, trước là để trang trải cho cuộc sống cá nhân, sau là để bố mẹ mình được sống trong điều kiện tốt hơn, để gia đình được đón Tết sung túc. Còn nhìn từ phía bố mẹ, ước mơ của họ đơn giản chỉ là được ở bên cạnh con mình thật lâu, chứng kiến các con sống hạnh phúc và khỏe mạnh.
Khoản tiền mà mẹ G. gửi cho anh cũng thể hiện sự quan tâm và thấu hiểu cho hoàn cảnh của con mình. Mẹ G. muốn con trai trở về nhà mà không cảm thấy hổ thẹn với gia đình, vì hơn ai hết mẹ biết G. cũng đang chịu rất nhiều áp lực. Anh C. tâm sự rằng những dòng chữ thật thà nhưng chứa đầy tình cảm của người mẹ đã khiến anh ngay lập tức thu xếp cho Giang được về nhà sớm và đón một cái Tết trọn vẹn bên người thân.
Cộng đồng mạng khích lệ nhau về nhà sớm ăn Tết "giàu"
Câu chuyện ý nghĩa trên dường như đã chạm đến trái tim của hàng nghìn cư dân mạng. Lá thư xin nghỉ việc thay con đón nhận hơn nghìn lượt like và trăm lượt chia sẻ. Nhiều bạn trẻ để lại bình luận trên mạng xã hội, đồng cảm với hoàn cảnh của G. Bạn Đức Thành chia sẻ: "Nay mình ráng nán lại SG đến chiều 29 Tết, cày thêm được nhiêu hay nhiêu chứ cũng cả năm rồi chưa về."
Một số bình luận từ cộng đồng mạng
Một tài khoản khác bày tỏ: "Đọc thư xong thấy nhớ má mình ghê... Mỗi lần dìa mà má thấy ốm đi chút xíu là thế nào cũng càm ràm. Mình thì thương ba má vất vả cả đời nên cứ cắm đầu trên SG làm lụng, mong gia đình đón Tết sung túc như người ta, đâu có ngờ rằng Tết giàu đối với ba má chỉ là có đủ mặt mấy đứa con ha. Lẹ lẹ dìa ăn Tết thôi mọi người ơi!"
Chị Cẩm Nhung cũng bình luận thêm: "Thương cho nỗi lòng của mẹ, nhưng cũng hiểu cho quyết định của con. Ai cũng muốn đón Tết ấm cúng đủ đầy bên người thân nên mới phải lăn xả làm việc. Mong Tết này gia đình nào cũng được ở bên nhau!"
Cuối năm là thời điểm mà nhiều người đắn đo giữa hai lựa chọn: Về nhà sớm bên gia đình, hoặc ở lại làm việc để kiếm thêm thu nhập. Vì một cái Tết "giàu", mỗi người đều sẽ có sự lựa chọn cho riêng mình.
Vậy, bạn nghĩ sao về một cái Tết "giàu" đúng nghĩa?