Sư đệ của huyền thoại Lý Huỳnh bị đánh ngất xỉu sau màn “long tranh hổ đấu” ở Sài Gòn

Tiểu Mã (ghi) | 22-04-2020 - 07:25 AM

(Tổ Quốc) - Trong một pha nhập nội, Trần Beo đã tung vào quai hàm của Lý Xích Long một quả đấm như trời giáng. Họ Lý không kịp đỡ, trúng đòn, cả thân thể ngã đổ gục xuống, nằm bất động.

Trước năm 1975, cả hai cái tên Huỳnh Tiền và Lý Huỳnh đều là những võ sư lừng danh, đào tạo ra nhiều tay đấm làm mưa làm gió trên các võ đài ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành phía Nam.

Song, bên cạnh nhiều chiến thắng vang dội thì môn đệ của lò Huỳnh Tiền hay Lý Huỳnh cũng từng chứng kiến những thất bại gây xôn xao dư luận. Chúng tôi xin khắc họa lại hai trận đấu điển hình dựa theo lời kể của võ sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà.

Màn "long tranh hổ đấu" của hai hảo thủ khét tiếng khắp miền Nam

Một lần vào năm 1972, có một võ sĩ từng đạt trình độ huyền đai đệ tam đẳng bên môn Thái Cực Đạo (Taekwondo) sở hữu đôi chân đá như sấm sét, lại được nhân vật lừng danh là võ sư Huỳnh Tiền trang bị cho bộ tay của môn quyền Anh. Anh ta đã đi xem võ đài ở Chợ Lớn nhiều lần và luôn chê bai hết võ sĩ này đến võ sĩ khác.

Thế là nhân dịp một đêm võ đài diễn ra tại sân Tinh Võ (quận 5, TP.HCM ngày nay), anh chàng đệ tam đẳng Taekwondo lại tập cả quyền Anh đã mang danh võ đường Lý Huỳnh Yến để leo lên đài xin thách đấu tất cả các võ sĩ cùng hạng cân, đấu một trận quyền tự do Võ Việt Nam 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Người này là Lý Xích Long.

Mang danh võ đường Lý Huỳnh Yến (một đệ tử của Lý Huỳnh) nên nếu về danh nghĩa, Lý Xích Long là sư điệt của Lý Huỳnh nhưng trên thực tế, Lý Xích Long và Lý Huỳnh có thể được coi là huynh đệ đồng môn của nhau do hai người cùng là đệ tử thọ giáo võ sư Huỳnh Tiền. Lý Xích Long cao khoảng 1,75 mét, nặng khoảng hơn 60 kg.

Sau động thái thách đấu của Lý Xích Long, có khoảng hơn 20 võ sĩ tại sân Tinh Võ đã đứng xếp hàng nối đuôi nhau đến bàn ban tổ chức để đăng ký giao đấu. Ban tổ chức võ đài của Tổng cuộc Quyền thuật đã tuyên bố rằng hễ ai bằng đúng số cân với Lý Xích Long thì sẽ cáp độ ngay và sẽ thi đấu với nhau khoảng một tháng sau đó, trong một kỳ võ đài khác.

Sư đệ của huyền thoại Lý Huỳnh bị đánh ngất xỉu sau màn “long tranh hổ đấu” ở Sài Gòn - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, khi các võ sĩ lên bàn cân thì người này nhẹ hơn, người kia nặng hơn. Cuối cùng chỉ có duy nhất võ sĩ Trần Beo của võ đường Trần Xil là bằng y số cân của Lý Xích Long. Thế là Lý Xích Long và Trần Beo cùng nhau lên đài, bắt tay nhau trước sự chứng kiến của khán giả, trong lúc đó ban tổ chức giới thiệu trận thách đấu này sẽ diễn ra vào kỳ đài tới.

Ngày thượng đài, khán giả đến sân Tinh Võ xem đông nghẹt, vì trận đấu này được giới thiệu từ trước. Thêm nữa, lúc đó là năm 1972, khi môn võ Taekwondo đã phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Cho nên mọi người càng nức lòng đi xem để chứng kiến tận mắt sự giao đấu của hai hảo thủ: một bên là huyền đai đệ tam đằng Thái Cực Đạo, còn một bên là một võ sĩ nức tiếng gan lì, bách chiến bách thắng về môn đấu quyền tự do của Võ Việt Nam.

Khi hiệp 1 của trận đấu bắt đầu, trong khi võ sĩ Trần Beo thực hiện nghi thức bái tổ đúng với truyền thống của Võ Việt Nam, thì võ sĩ Lý Xích Long đã nhảy vào tấn công ngay bằng một đòn đá thẳng nổi tiếng như sấm sét của môn Thái Cực Đạo. Mặc dù chưa bái tổ xong, nhưng Trần Beo cũng đã ứng chiến ngay. Anh nhảy sang một bên và đá trả vào bụng của Lý Xích Long.

Dính đòn nhưng Lý Xích Long vẫn lao lên tấn công bằng đòn chân đá dài. Trần Beo khẽ né qua rồi tiến sát ngay vào đối phương, tung một loạt các đòn đánh trả. Lý Xích Long luống cuống vừa quơ hai tay đỡ đòn, vừa chủ động thoái lui.

Sau vài nhịp phải chủ động phòng thủ, Trần Beo lần này chủ động tấn công trước. Nhưng mặc dù bằng cân nhau, Trần Beo lại thấp hơn đối phương khoảng gần một gang tay, cho nên đã bị Lý Xích Long dùng chân đá chặn ngay, vô hiệu hóa tức thì đòn chân của họ Trần. Tiếp đó, Lý Xích Long nhanh chóng phản đòn bằng những cú đá mạnh mẽ của môn võ Taekwondo.

Suốt hiệp đầu, Trần Beo gần như bị động, luôn bị đối phương chặn đòn, không cho nhập nội vì tay chân ngắn hơn đối phương. Lý Xích Long thì luôn chủ động tấn công bằng những đòn đá đầy dũng mãnh.

Tuy nhiên, bước vào hiệp 2, đôi chân của Lý Xích Long không còn nhanh và mạnh nữa. Thực chất, Lý Xích Long dần đuối cả hai chân do bị Trần Beo chọc tức để họ Lý tung ra hết sức lực. Đến lúc này, Trần Beo mới bắt đầu tấn công. Cứ một hai đòn đá mở đường thì hàng loạt các đòn tay được tung ra thật nhanh kèm theo. Chiến thuật này đã làm cho Lý Xích Long tối mặt.

Trong một pha nhập nội, hai tay của Lý Xích Long không còn thủ ở vị trí hai bên quai hàm như thường thấy ở các võ sĩ quyền Anh. Chính lúc đó, Trần Beo đã tận dụng thời cơ để tung vào quai hàm của Lý Xích Long một quả đấm như trời giáng. Họ Lý không kịp đỡ, trúng đòn, cả thân thể ngã đổ xuống đài, nằm bất động. Trọng tài đếm 10 tiếng vẫn nằm yên. Trần Beo thắng knock-out trong những tràng pháo tay của khán giả.

"Phải nói rằng cả Lý Xích Long và Trần Beo đều xứng đáng là những hảo thủ của làng võ miền Nam trước năm 1975. Kết thúc trận đấu thì hai người đều dành cho nhau sự tôn trọng. Sau này thì tôi không rõ lắm về Lý Xích Long nhưng Trần Beo thì sau giải phóng trở thành giám đốc Công ty Dịch vụ Đô thị ở quận Tân Bình, nhưng chắc chắn nay đã về hưu rồi" – võ sư Hồ Tường nói với chuyên trang Trí Thức Trẻ, báo điện tử Tổ Quốc.

Sư đệ của huyền thoại Lý Huỳnh bị đánh ngất xỉu sau màn “long tranh hổ đấu” ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Lý Huỳnh và Lý Xích Long là huynh đệ đồng môn của nhau do đều là đệ tử của võ sư Huỳnh Tiền.

Sư muội của Lý Huỳnh và trận kịch chiến đáng nhớ ở Sài Gòn

Theo võ sư Hồ Tường thì cũng vào khoảng những năm 1971 - 1972, có một nữ võ sĩ tên là Lý Huỳnh Nga lấy màu áo võ đường Lý Huỳnh để lên đài tỉ thí ở Sài Gòn. Lý Huỳnh Nga vừa là đệ tử nhưng cũng lại là sư muội của Lý Huỳnh do cô từng học bộ tay quyền Anh với võ sư Huỳnh Tiền. Tất nhiên, Lý Huỳnh Nga là đồng môn với Lý Xích Long.

Cũng giống với Lý Xích Long thì Lý Huỳnh Nga lúc đó sở hữu huyền đai đệ tam đẳng của môn Taekwondo. Cần phải nói thêm rằng trước năm 1975, những người nào đạt mức huyền đai nhất đẳng trở lên của môn Taekwondo đều sở hữu đẳng cấp cao.

Với việc Lý Huỳnh Nga mang danh võ đường Lý Huỳnh để thượng đài nên vào thời điểm đó, võ sư Lý Huỳnh rất tin tưởng và kỳ vọng rằng Lý Huỳnh Nga sẽ giành chiến thắng. Đến kỳ võ đài, võ sư Lý Huỳnh đã mời nhiều diễn viên điện ảnh nổi tiếng đương thời đến theo dõi.

Đêm võ đài đó, khán giả cũng đã đến xem rất đông, vì vừa xem đấu võ đài, vừa thấy được những diễn viên điện ảnh ngoài đời thực. Lần ấy, Lý Huỳnh Nga thượng đài với nữ võ sĩ Hồ Tố Nguyệt của võ đường Từ Thiện.

Sư đệ của huyền thoại Lý Huỳnh bị đánh ngất xỉu sau màn “long tranh hổ đấu” ở Sài Gòn - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa về trận đấu giữa Lý Huỳnh Nga và Hồ Tố Nguyệt.

Ngay trước giờ thượng đài, nữ minh tinh điện ảnh rất nổi tiếng đương thời là Thẩm Thúy Hằng đã mang đến bàn ban tổ chức một hộp kim bài bằng vàng để treo thưởng cho nữ võ sĩ nào thắng. Nói như vậy, chứ thực ra Thẩm Thúy Hằng tin rằng kim bài này sẽ thuộc về Lý Hùỳnh Nga. Bởi qua lời giới thiệu của võ sư Lý Huỳnh thì một võ sĩ vừa là huyền đai tam đẳng Taekwondo, vừa tập bộ tay môn quyền Anh của võ sư Huỳnh Tiền thì làm sao không nắm chắc phần thắng được!

Cũng trước giờ thi đấu, võ sư Hồ Văn Lành ở võ đường Từ Thiện đã căn dặn Hồ Tố Nguyệt phải nhớ vài nguyên tắc. Một là luôn nhập nội để tránh những đòn chân của đối thủ. Hai là mỗi khi đối thủ tung bất cứ đòn đá nào thì lập tức phá đòn đá rồi đánh trả ngay. Vì thông thường các võ sĩ Taekwondo mỗi khi đá hay buông hai tay khỏi mặt để giữ thằng bằng. Nếu đúng lúc đó phản công ngay vào mặt thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.

Khi bắt đầu vào trận, Hồ Tố Nguyệt đã thi đấu đúng như lời dặn của thầy. Mỗi lần đối phương tung một đòn đá tấn công thì Hồ Tố Nguyệt hoặc là tránh qua, hoặc là đỡ đòn rồi nhanh chóng nhập nội, phản đòn ngay bằng những cú đấm vào mặt của địch thủ.

Bị trúng nhiều đòn vào mặt quá, Lý Huỳnh Nga nhào tới để ôm Hồ Tố Nguyệt, nhưng đã bị ngay những đòn gối giật lên đánh vào bụng. Lý Huỳnh Nga đành phải nhảy lùi ra xa để tránh đòn.

Sang hiệp 2 rồi hiệp 3, Lý Huỳnh Nga dần ít tấn công hơn. Lúc này, đến lượt Hồ Tố Nguyệt liên tục mở đường bằng các đòn đá, sau đó liền nhập nội để sử dụng những đòn tay hòng tấn công đối phương.

Đặc biệt, từ giữa hiệp 3 trở đi, Lý Huỳnh Nga đuối sức, có lẽ vì chưa quen đấu theo luật quyền tự do của Võ Việt Nam với thời gian lâu như vậy. Đến lúc này thì Hồ Tố Nguyệt áp đảo hoàn toàn. Hồ Tố Nguyệt sử dụng tất cả những đòn đấm và cả đòn chỏ, gối để tấn công.

Sau ba hiệp đấu, Hồ Tố Nguyệt được trọng tài tuyên bố xử thắng với kết quả 5/5 của 5 giám định chấm điểm. Lúc đó, nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng đã phải ngỡ ngàng lên trao kim bài cho người thắng cuộc mà mình không hề mong muốn.

Bên dưới khán đài, Lý Huỳnh khi theo dõi trận đấu dù tiếc nuối nhưng vẫn rất bình thản trước thất bại của Lý Huỳnh Nga, bởi đơn giản là Hồ Tố Nguyệt đã thắng hoàn toàn thuyết phục.

Sư đệ của huyền thoại Lý Huỳnh bị đánh ngất xỉu sau màn “long tranh hổ đấu” ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Ảnh nữ minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng trao phần thưởng chiến thắng cho Hồ Tố Nguyệt (ảnh do võ sư Hồ Tường cung cấp).

"Qua hai trận thua của Lý Xích Long và Lý Huỳnh Nga cũng có thể thấy rằng để thi đấu quyền tự do của Võ Việt Nam, coi thì có vẻ dễ nhưng không phải vậy. Ngay cả với những võ sĩ dù được trang bị đủ đòn tay của quyền Anh, có đòn chân của Taekwondo nhưng vẫn có thể thất bại trước các võ sĩ chuyên đấu quyền tự do Việt Nam vốn rất đa dạng về đòn thế.

Ngoài ra, thông qua những trận tỉ thí của hai môn đệ do võ sư Huỳnh Tiền đào tạo, có thể thấy rằng chuyện thách đấu võ đài trước 1975 diễn ra rất công khai. Ban tổ chức võ đài cũng dựa vào chuyện thách đấu để thu hút đông người xem hơn.

Một điều nữa, đó là sau trận dù thắng hay thua, hai bên đều rất hòa hảo. Họ cùng chào khán giả, cùng ôm nhau xã giao, xem chuyện giao đấu là học hỏi nhau mà thôi" – võ sư Hồ Tường khẳng định.

(Bài viết được ghi chép theo lời kể của võ sư Hồ Tường, Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, phụ trách võ đường Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM).

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.