Gần 4 thập niên trôi qua, từ gen 0 cho đến gen 3, Kpop đã gây dựng nên cả một đế chế nghệ thuật riêng biệt đầy tính độc đáo, sáng tạo và thu hút hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới. Dù không thiếu những thần tượng tài năng với nhan sắc đỉnh cao, nhưng có một điều luật bất thành văn đã len lỏi và tồn tại trong suốt quá trình hình thành nên làn sóng Hallyu: boygroup luôn chiếm thế thượng phong hơn girlgroup, thần tượng nam luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn thần tượng nữ. Cho đến khi có một girlgroup thực sự bùng nổ và trở thành “thiếu nữ thời đại” được cả Hàn Quốc công nhận, thì làn sóng Hallyu mới bắt đầu lấy lại sự cân bằng.
Và girlgroup đó, không ai khác chính là Girls’ Generation và BLACKPINK – những “thiếu nữ thời đại” thuộc gen 2 và gen 3 của Kpop. Cùng được thành lập vào tháng 8, Girls’ Generation và BLACKPINK đã đi hai con đường hoàn toàn khác nhau từ concept đến màu sắc âm nhạc, nhưng điểm chung lớn nhất ở họ chính là đảm nhận vai trò không thể nào thay thế ở mỗi thời đại mà họ hoạt động. Girls’ Generation, từ những cô gái thể hiện sức mạnh nữ quyền đặt lên Kpop, nay được tiếp nối bởi BLACKPINK - hậu bối sáng giá đang tiếp tục lan tỏa tinh thần nữ quyền mạnh mẽ ấy đến với cả thế giới.
5/8/2007
Girls’ Generation là nhóm nhạc tiên phong tạo nên một “Thời Đại Thiếu Nữ” rung chuyển châu Á
Mang ý nghĩa là “thiếu nữ thời đại”, có lẽ tên gọi Girls’ Generation đã trở thành một sứ mệnh đặc biệt mà những cô gái nhà SM mang trên vai kể từ khi debut. Được định hình ban đầu là phiên bản nữ của đàn anh cùng nhà – Super Junior, thế nhưng Girls’ Generation chính là phiên bản girlgroup lý tưởng của cả một thế hệ. Họ là girlgroup duy nhất đủ sức mạnh đối đầu với các boygroup cùng thời điểm hoạt động. Sự xuất hiện của Girls’ Generation đã khiến cho “cán cân” giữa girlgroup và boygroup tại làng giải trí Hàn Quốc trở nên cân bằng hơn trên các sàn đấu âm nhạc.
Trong lịch sử hơn 30 năm của giải thưởng Golden Disk Award, giải thưởng được mệnh danh là “Grammy của Hàn Quốc” thường được biết đến là cuộc tranh giành của những boygroup hàng đầu, Girls’ Generation là girlgroup duy nhất giành được Disk Daesang – giải thưởng dành cho album bán chạy nhất với “Oh!”. Sự nghiệp của Girls’ Generation trở thành hành trình mẫu mực nhất mà các nữ thần tượng hằng ao ước: cả một thanh xuân cống hiến rồi bước lên đỉnh cao, hạ cánh nhẹ nhàng sau hơn một thập kỷ, và vẫn giữ vững sức nóng khi bắt đầu hành trình mới – hành trình tự do theo đuổi những gì mình thích.
Và Girls’ Generation có những “gia sản nghệ thuật” nào để nhóm gặt hái được những thành công lý tưởng đó?
Có một câu như thế này thường được các doanh nhân chia sẻ: “Người tiên phong luôn luôn có được miếng bánh cho mình”. Nói về Girls’ Generation là nói về những tiên phong trong mô hình xây dựng thần tượng âm nhạc nữ. Girls’ Generation nổi tiếng vì mang đến âm nhạc đa sắc, nhưng đi kèm đó là chất lượng, bắt tai và mãn nhãn, “phục vụ” đúng “món ăn tinh thần” cho khán giả đương thời. Tạp chí Guardian đã từng gọi dòng nhạc Pop mà Girls’ Generation theo đuổi là “nhạc pop lây lan” (Infectious Pop).
Điểm tiên phong bậc nhất của Girls’ Generation, xuất hiện lần đầu tại Kpop, chính là khái niệm “visual center”. Ở thời điểm đó, SM đã mang đến một tầm nhìn mới, tưởng ai cũng dễ dàng nhận ra nhưng không ai khẳng định được tầm quan trọng của nó cho đến khi Girls’ Generation xuất hiện: nhan sắc đóng vai trò tối quan trọng dẫn đến thành công của nghệ sĩ, ngang hàng với tài năng. Girls’ Generation có Yoona – hình mẫu center lý tưởng trong lòng mọi người dân Hàn Quốc.
Trái với định kiến girlgroup sẽ không bền nếu đông dân, con số 9 của Girls’ Generation đã trở thành sức mạnh, sau đó là biểu tượng và cuối cùng là cả một huyền thoại. 9 người, nghĩa là một đội hình sở hữu đầy đủ tài năng trải dài trên các mảng: giọng hát, ngoại hình, vũ đạo, diễn xuất, thời trang, tài lẻ, giải trí,…
Nhìn vào những thế hệ đàn em sau này, khán giả đều thấy được rõ ràng vai trò của đàn chị tiên phong Girls’ Generation. Không chỉ là những công ty nhỏ, mà chính những công ty thuộc Big 3 cũng có sự học hỏi, vận dụng công thức thành công từ đối thủ. Điển hình là JYP đã áp dụng nguyên bản đội hình 9 người của Girls’ Generation cho TWICE, tạo nên một girlgroup với vũ đạo và đội hình đồng đều, có sự phân chia vai trò cho từng thành viên. Dù vậy Girls’ Generation vẫn là “tắc kè hoa” tiên phong thử nghiệm cho phong cách Kpop đa dạng và toàn diện, trong khi TWICE dù chinh phục thành công nhiều người hâm mộ châu Á nhưng vẫn bị đánh giá là quá an toàn ở hình ảnh và âm nhạc.
Girls’ Generation sở hữu cả một gia tài concept đáng mơ ước của nhiều thế hệ girlgroup. Ở concept nào, họ cũng là người đầu tiên bước vào, sau đó tạo nên xu hướng cho nhiều nhóm nhạc hậu bối. Theo nghiên cứu “Kpop Idol Girl Group Flows in Japan in the Era of Web 2.0” được xuất bản năm 2012, tác giả lý giải một phần thành công của Girls’ Generation đến từ việc biết khơi gợi và cổ vũ khán giả bộc lộ nét nữ tính của mình. Đó có thể là hình ảnh những cô nàng ngây thơ, tươi sáng từ “Gee” và “Oh!”, hay phong cách gợi cảm và mạnh mẽ trong “Genie” và “Run Devil Run”.
Ở Girls’ Generation tồn tại một điều mà các girlgroup cùng thời không làm được, đó chính là trở thành đối thủ xứng tầm với các boygroup. Họ đã trở thành những cô gái đi tiên phong trong mọi phong cách, dù tham vọng đánh chiếm thị trường âm nhạc bên ngoài lãnh thổ Hàn Quốc nhưng lại giữ được sự gắn kết đặc biệt với khán giả tại quê nhà. Wonder Girls “thất bại” vì vô tình đánh mất khán giả Hàn Quốc khi Mỹ tiến từ đó làm suy giảm vị trí của JYP, KARA thiếu tính đa dạng hay T-Ara đã mất tất cả ở thời điểm scandal nội bộ lộ ra.
Đã nói đến SM với Girls’ Generation, không thể không nhắc tới YG và 2NE1. Ở thời kì đỉnh cao của Girls’ Generation, đối thủ của SM – YG cũng cho ra mắt một girlgroup cạnh tranh là 2NE1. 2NE1 cũng từng nắm giữ sức mạnh của một nghệ sĩ dám đi con đường dẫn đầu sự khác biệt, ngược chiều hoàn toàn với concept hợp gu số đông của Girls’ Generation. Khởi đầu bằng vẻ đẹp “nằm ngoài chuẩn mực” và dần dần chinh phục khán giả nhờ âm nhạc độc đáo, nổi loạn, nhưng cuối cùng, 2NE1 phải dừng lại trong sự nuối tiếc.
Hãy nhìn vào 2NE1 hay tất cả các girlgroup cùng thời để nhận ra một thành tựu nữa của Girls’ Generation: xây dựng dấu ấn cá nhân song song với việc tạo dựng thương hiệu nhóm. Trong khi các thần tượng cùng thời còn đang loay hoay tìm cho mình một hướng đi mới, Girls’ Generation dù không hoạt động vẫn luôn giữ được sức nóng mạnh mẽ. Và biết đâu, chính thành công rực rỡ của Girls’ Generation cùng sự thất bại tủi hờn của 2NE1 đã khiến YG quyết tâm tạo nên BLACKPINK – girlgroup kế nhiệm 2NE1 từ màu sắc âm nhạc, phong cách thời trang cho tới ekip “nhào nặn”. Nhưng BLACKPINK đã có được điều mà 2NE1 không có, đó chính là trở thành đại diện tiêu biểu cho phái nữ cả cả một thế hệ Kpop, và đưa Kpop vươn xa khỏi lãnh thổ Hàn Quốc - giống như Girls’ Generation đã làm được.
8/8/2016
Sự tiếp nối của “Thời đại Đen Hồng” – BLACKPINK mang sức mạnh girlgroup Kpop vươn tầm thế giới
Cái tên BLACKPINK đã mô tả hoàn toàn chính xác sức hút đối lập của nhóm nữ nhà YG. Sắc đen và sắc hồng của BLACKPINK đã hạ gục toàn bộ Kpop “không trượt phát nào”: Jennie, Jisoo, Rosé và Lisa cực kỳ mạnh mẽ và cá tính trong MV hay khi lên sân khấu nhưng lại vô cùng dễ thương khi bộc lộ tính cách “bánh bèo hiện đại” ở ngoài đời. BLACKPINK là một bước tiến quá mạnh mẽ của YG – một công ty giải trí liên tục thành công với các nhóm nam và chủ trương tôn vinh nét đẹp độc lạ ngược gu dân Hàn. Bởi thế mà nhóm nhạc nữ đầu tiên của YG đã thất bại trong việc gần gũi với công chúng bằng cách bộc lộ tính cách thật của mình. Nhưng có lẽ thành công của SM với Girls’ Generation đã khiến cả YG cũng phải nhìn nhận lại?
4 cô nàng BLACKPINK khắc phục được điều đó khi mang trong mình sắc hồng (PINK) – đặc điểm “nhận dạng” của Girls’ Generation. TWICE “kế nhiệm” Girls’ Generation là… điều ai cũng có thể thấy được, nhưng phát hiện BLACKPINK cũng là một phiên bản “kế nhiệm” Girls’ Generation còn thú vị hơn rất nhiều. Sắc hồng tựa như những cô nàng ở độ tuổi hai mươi đầy sức sống, tươi mới và trẻ trung đúng như thế hệ của họ.
Màu hồng trong BLACKPINK cũng biểu trưng cho nét đại chúng của idol nữ: những cô gái ngọt ngào, dễ thương, với vẻ đẹp và mọi số đo visual rất Kpop, dễ dàng có được cảm tình của công chúng Hàn. Đó là một phần quan trọng trong công thức làm nên thương hiệu Girls’ Generation, và nay được YG ứng dụng khôn ngoan khi “nhào nặn” nên BLACKPINK. Ở những năm 2010, Girls' Generation đã trở thành những cô gái dẫn đầu xu hướng âm nhạc, vũ đạo và thời trang. Và ở thời đại này, BLACKPINK cũng đang là những cô nàng Trendsetter chính hiệu - mặc một bộ đồ đơn giản cũng tạo nên cả một làn sóng mới. Tuy cùng một công thức xây dựng nhóm, nhưng YG đã khiến BLACKPINK mang tinh thần đúng với tông màu chủ đạo của công ty mình, đó là “hồng” trên nền “đen”.
“BLACK” trong BLACKPINK chính là màu đen quyến rũ của âm nhạc đậm chất YG: mạnh mẽ, cá tính, độc đáo và tạo nên xu hướng. Âm nhạc của BLACKPINK có đủ sự gai góc đặc trưng của YG: lấy Hip-hop làm cốt lõi, pha thêm âm hưởng US-UK, lời Hàn kết hợp “tiếng ngoài hành tinh” tạo điểm nhấn rồi từ đó tiếp cận đến khán giả quốc tế. Tạp chí Rolling Stone gọi sắc “hồng – đen” này là “một hôn nhân hoàn hảo giữa Kpop và A-town Trap”. Nhà bình luận Kpop (Kpop Columnist) Jeff Benjamin của Billboard mô tả BLACKPINK là nhóm nhạc kết hợp hoàn hảo giữa Hip-hop hardcore của 2 rapper Jennie, Lisa cùng chất giọng “bubblegum” ngọt ngào của vocalist Rosé và Jisoo: “Họ tạo nên xu hướng mới là nhạc pop “lai” (Hybrid Pop) khi thể hiện những ca khúc Hip-hop/ Trap cùng vũ đạo vui tươi, bắt mắt.”
Ở thời của Girls’ Generation, có thể sẽ dễ dàng hơn khi cạnh tranh với các girlgroup khác vì hầu hết các girlgroup cùng thời họ đến từ công ty nhỏ. Với bệ phóng tốt là SM đủ khả năng làm ra được sản phẩm chất lượng hàng đầu, thì Girls’ Generation chỉ cần là người đầu tiên đến với “mảnh đất” âm nhạc nào đó là đã đủ ghi dấu thành công của mình vào tâm trí khán giả. Người đến sau khó lòng mà “phá vỡ” được cái bóng lớn của Girls’ Generation. Câu chuyện vào thời điểm của BLACKPINK lại khác. Khi “đất chật người đông”, BLACKPINK phải cạnh tranh với rất nhiều girlgroup nổi bật, như dễ thương, ngọt ngào gọi tên TWICE, girlcrush sexy trưởng thành có đại diện MAMAMOO. Nhưng BLACKPINK trở nên đặc biệt ngay lập tức vì giữ vững được sắc “đen” góc cạnh, bí ẩn và dung hoà nó với sắc “hồng” nhẹ nhàng, nữ tính.
Nếu xem SM “khai sáng” cho Kpop khi nghiên cứu tâm lý teengirl để thiết kế nên mô hình thần tượng mới lạ, thì YG “thừa thắng xông lên” với BLACKPINK khi thu phục được cả tâm lý hâm mộ của fanboy, mà dành tình cảm cho idol theo cách “bền lâu” giống như fangirl. Fanboy Kpop không hiếm, nhưng đa phần những gì họ yêu thích chỉ là sự dễ thương của những cô gái, và vậy thì khó kéo dài khi người ta có thể “chuyển” đối tượng yêu thích sang một tân binh nào đó mới mẻ hơn. Nhưng BLACKPINK lại là một trong số ít những girlgroup giữ chân các fanboy đồng hành lâu dài cùng mình. Đồng thời, BLACKPINK còn nhận được sự quan tâm lớn từ đại chúng, bao gồm những khán giả quan tâm đến thời trang, xu hướng chứ không riêng gì Kpop.
BLACKPINK đặc biệt thu hút vì kết hợp “trọn gói” tất cả yếu tố: âm nhạc, nhan sắc, phong thái và xu hướng. Có thể thấy BLACKPINK là cái tên hiếm hoi không đi theo lộ trình xây dựng hình tượng trong lòng người hâm mộ rồi dần chinh phục được chỗ đứng mình nhắm đến. BLACKPINK chiếm lĩnh vị trí ấy ngay từ khi ra mắt, một bước lên thẳng ngôi vị nặng ký nhất và chỉ làm vững vàng thêm ngôi vị của mình theo thời gian, trở thành trendsetter thực thụ.
BLACKPINK chính là một hình mẫu cộng hưởng từ công thức thành công của cả 2NE1 lẫn Girls’ Generation, đã thổi bùng lên một nguồn năng lượng hoàn toàn mới ở Kpop. Trong lịch sử, chưa từng có một girlgroup nào sở hữu sức hút khổng lồ đến thế, thậm chí đe dọa mạnh mẽ vị thế của các boygroup tại thị trường âm nhạc Hàn Quốc. Mỗi lần comeback, BLACKPINK khiến người hâm mộ phải theo dõi sát sao, phải hồi hộp và phấn khích như một sự kiện tầm cỡ thế giới. Dù cho không comeback đi chăng nữa, mỗi một động thái nhỏ của Jennie, Jisoo, Rosé hay Lisa đều khiến mạng xã hội dậy sóng.
Có chăng điểm mới nhất của BLACKPINK làm nên vị thế ngày hôm nay so với người tiền nhiệm thời đại Girls’ Generation, đó là vai trò của idol lai. Dẫu Girls’ Generation cũng sở hữu 2 thành viên sinh ra tại đất Mỹ là Tiffany và Jessica, nhưng ở Girls' Generation, màu sắc Âu Mỹ gần như không có. Còn với BLACKPINK, YG đã tìm tòi được những nhân tố Hàn Quốc mang đúng tinh thần Âu Mỹ để tiến tới chinh phục một thị trường rộng lớn hơn.
BLACKPINK là một trong những cái tên khủng đã chiếm ngôi vị nữ hoàng tại địa hạt streaming – yếu tố đưa tên tuổi nghệ sĩ Kpop gen 3 vươn ra thế giới nhanh chóng và mạnh mẽ hơn khi so với thế hệ cũ. Các cô nàng sở hữu thành công trọn vẹn trên mọi mặt trận: thành tích nhạc số hay số lần thắng cúp tại sân chơi nội địa, bảng vàng kỷ lục YouTube mà chỉ có chính họ mới đủ sức xô đổ kỷ lục của chính mình, lọt top bảng xếp hạng uy tín trên thế giới và còn là những ngôi sao mạng xã hội quyền lực nhất. BLACKPINK chính là cái tên khiến cả fangirl lẫn fanboy, thậm chí những khán giả trung lập phải quan tâm ít nhiều.
Có thể xem BLACKPINK là nghệ sĩ hoàn hảo nhất mà YG sở hữu. Và cũng tương tự như SM đang loay hoay vì chưa thể tạo ra một girlgroup nào sánh bằng Girls’ Generation, YG hẳn đang đương đầu với thử thách lớn trong hành trình đào tạo một girlgroup khác, sau BLACKPINK. Ngay cả với những người hâm mộ Kpop cũng đặt ra câu hỏi: Không biết đến bao giờ, thị trường Hàn Quốc mới có được hai girlgroup với độ nhận diện từng thành viên đồng đều và hình ảnh cùng âm nhạc được lòng tất cả đến vậy?
Hơn cả những bảng vàng thành tích, giá trị tuyệt vời nhất mà Girls' Generation và BLACKPINK mang lại chính là sự cân bằng sức nặng cho phái nữ tại đấu trường Kpop
Khi nhìn vào thị trường US-UK, chúng ta thấy nữ giới không lép vế, thậm chí còn có phần “trội” hơn, khi dễ dàng điểm qua được những cái tên nổi bật nhất đa phần là nữ ca sĩ: Madonna, Taylor Swift, Rihanna, Katy Perry,... Hay để dễ hiểu hơn, đó là nhìn vào Vpop, chúng ta không có ý niệm “nữ ca sĩ sẽ luôn flop hơn nam ca sĩ”. Nhưng ưu thế ở Kpop vẫn luôn dành cho các boygroup, còn nữ nghệ sĩ chỉ có thể “tranh tài” với nhau trong một bảng đấu riêng. Vượt lên trên cả những thành tích đong đếm bằng số liệu, giá trị mà Girls’ Generation và BLACKPINK đem đến chính là sức nặng cho phái nữ – điều mà Kpop luôn mất cân bằng trong suốt thời gian qua.
Con đường của Girls’ Generation và BLACKPINK là hy vọng, là động lực cho nền âm nhạc Kpop trở nên công bằng, đặc biệt là cho các thần tượng nữ. BLACKPINK đang là xu hướng, là hiện tại, còn Girls’ Generation đã là một tấm gương đi vào huyền thoại. Girls’ Generation đã đón được sinh nhật tuổi thứ 13 mà vẫn giữ vững được sức nóng, còn BLACKPINK bước qua tuổi thứ 4 và vẫn còn cả một chặng đường nghệ thuật đầy hứa hẹn phía trước. Nhìn vào Girls’ Generation và BLACKPINK, người hâm mộ Kpop như đang dõi theo cả một hành trình đầy ý nghĩa của hai girlgroup tiên phong trong mỗi thời đại mà họ thuộc về.