Su-37: Tiêm kích Nga khiến công chúng thế giới kinh ngạc vì màn trình diễn ngoạn mục

Vy Lam | 11-06-2022 - 08:57 AM

(Tổ Quốc) - Tại Triển lãm Hàng không ở Pháp, Nga đã khiến công chúng thế giới sửng sốt với màn trình diễn chưa từng có của một chiếc máy bay tiêm kích phản lực siêu cơ động được gọi là Su-37.

Su-37 Terminator (Kẻ hủy diệt) là nguyên mẫu máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hạng nặng, 1 chỗ ngồi, được sản xuất từ năm 1995 và cất cánh năm 1996.

Tuy nhiên, nguyên mẫu này chưa từng được đưa vào sản xuất hàng loạt. Thay vào đó, nó được sử dụng để trình diễn các công nghệ mới được Nga tích hợp vào một biến thể nâng cấp của Su-27, gọi là Su-27M.

Bối cảnh ra đời

Câu chuyện về Su-37 là một câu chuyện thú vị, phản ánh những dòng chảy quan trọng trong lịch sử Nga sau khi Liên Xô tan rã.

Trong bối cảnh nước Nga phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị trong suốt những năm 1990, họ đã nghĩ tới việc hủy bỏ một số dự án máy bay chiến đấu đang được phát triển. Trong số đó có những loại khá tiên tiến, như tiêm kích đánh chặn hạng nặng MiG-31M Foxhound (bị hủy bỏ ở giai đoạn nguyên mẫu) và tiêm kích tàng hình MiG 1.44 (ban đầu trì hoãn, sau đó hủy bỏ).

Su-37: Tiêm kích Nga khiến công chúng thế giới kinh ngạc vì màn trình diễn ngoạn mục - Ảnh 1.

Nguyên mẫu Su-37. Ảnh: Military Today

Trên thực tế, Su-27M là loại máy bay ít tiên tiến nhất và ít tốn kém nhất trong số các chương trình quy mô lớn, điều đó cho phép nó tiếp tục tồn tại khi Nga quyết định cắt giảm chi tiêu. Ngoài ra, phiên bản Su-27M nâng cấp được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu lớn, vì dòng Su-27 đã có lịch sử phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Theo trang tin 19fortyfive, Sukhoi đã quyết định tự mình tài trợ cho chương trình phát triển nguyên mẫu Su-37 dựa vào các đơn hàng xuất khẩu Su-27 cho hai khách hàng châu Á.

Tính năng đáng chú ý nhất của mẫu máy bay này là sự ra đời của động cơ vector lực đẩy, giúp máy bay tăng khả năng cơ động. Hơn nữa, hệ thống vector lực đẩy này còn được kết nối với phi công thông qua công nghệ fly-by-wire (phương pháp điều khiển bay thông qua tín hiệu điện). Đây là một sự thay đổi rất đáng chú ý.

Vũ khí và động cơ

Về vũ khí, Su-37 có thể mang tới 14 tên lửa không-đối-không và gần hơn 8 tấn bom đạn. Máy bay có 12 giá treo ngoài dành cho tên lửa không-đối-không, không-đối-đất, bom, rocket, các pod đối phó điện tử và pháo Gsh-301 30mm.

Theo kế hoạch ban đầu, Su-37 sẽ được trang bị động cơ turbofan Saturn AL-37FU mới. Tuy nhiên, một số báo cáo cho biết kế hoạch này đã phải hủy bỏ do quá trình phát triển động cơ bị trì hoãn sau khi Liên Xô sụp đổ.

Cho đến nay, vẫn chưa rõ Su-37 cuối cùng được lắp đặt các động cơ nâng cấp trên hay buộc phải sử dụng mẫu động cơ có hiệu suất kém hơn là AL-31P. Về cơ bản, AL-31P giống với động cơ AL-31F trên tiêm kích Su-27 nhưng được lắp vòi phun vector lực đẩy.

Su-37 có tốc độ tối đa khoảng 2.500km/h, tầm hoạt động 3.300km và trần bay 18.800m.

Su-37: Tiêm kích Nga khiến công chúng thế giới kinh ngạc vì màn trình diễn ngoạn mục - Ảnh 2.

Su-37 được tích hợp nhiều công nghệ mới. Ảnh: 19fortyfive

Mặc dù quá trình phát triển Su-37 bắt đầu từ những năm 1990 nhưng các công nghệ mới tích hợp với nó phải tới năm 2014 mới được đưa vào sử dụng. Cũng chính vào năm đó, Không quân Nga đã giới thiệu mẫu Su-35 (nguyên bản là Su-27M) trong chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn của nước này.

Những phát triển liên quan tới Su-37 đã mang lại sự bổ sung rất lớn cho Su-35, bao gồm khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, radar trên máy bay có thể đồng thời khảo sát không phận và định hướng hạ cánh. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa radar tiên tiến và tên lửa R-77 nâng cấp cho phép Su-35 có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 170km.

Mặc dù bộ cảm biến trên nguyên mẫu Su-37 chưa từng được tích hợp toàn bộ trên Su-35 nhưng khả năng theo dõi đồng thời 16 mục tiêu và tấn công 8 mục tiêu là một bước phát triển lớn thuộc chương trình Su-37.

Màn trình diễn khiến thế giới sửng sốt

Tuy Su-37 chưa bao giờ tham chiến nhưng đây cũng không phải là ý định của các nhà phát triển nó. Thay vào đó, ý đồ của họ là cho ra đời một cỗ máy thử nghiệm dành cho phiên bản Su-27 cải tiến - mẫu máy bay đã 'đơm hoa kết trái' sau gần 20 năm từ khi chương trình Su-37 được xúc tiến.

Su-37: Tiêm kích Nga khiến công chúng thế giới kinh ngạc vì màn trình diễn ngoạn mục - Ảnh 3.

Su-37 tại Le Bourge. Ảnh: flickr

Ấn tượng đáng nhớ nhất về Su-37 có lẽ là màn trình diễn tại Hội chợ Hàng không quốc tế nổi tiếng tổ chức ở Pháp.

Theo ông Hùng Nguyễn - nguyên phi công quân sự Không quân Nhân dân Việt Nam, hiện đang sinh sống và làm việc tại Moscow, vào tháng 6/1996 tại Hội chợ Hàng không quốc tế nổi tiếng tổ chức ở Le Bourget (Pháp), các phi công Nga đã có màn "thách đấu" đầy ấn tượng với một sản phẩm thí nghiệm chung của Đức và Mỹ, gọi là máy bay chiến đấu thế hệ mới X-31A.

Các màn bay trình diễn Su-37 và MiG-29 lúc đó đã làm "lu mờ" hình ảnh máy bay tiên tiến của phương Tây.

Chiếc Su-37 với số 711 trên đuôi và màu sơn camo sa mạc lần đầu tiên xuất hiện tại Le Bourget vào ngày gần cuối của Hội chợ. Nhiều đoàn khách đã hủy vé về chỉ vì nán lại xem máy bay Nga.

Phi công thí nghiệm của Nga là Frolov bay sang Pháp cùng chiếc Su-37 không kịp đem theo tài liệu phải nhờ Đại sứ Nga tại Pháp và Phó Thủ tướng Nga lúc đó là ông Urinsov xin Ban Tổ chức cho bay biểu diễn.

Trong 3 chuyến bay đầu, không có sự cố gì, đến chuyến thứ 4 thì xảy ra vấn đề "Càng không thu". Phi công tiếp tục bay và xử lý. Khi thu được càng, thả ra lại không đúng vị trí. Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng lắm đến nội dung biểu diễn.

Khắc phục xong lỗi của bộ càng, phi công Frolov tiếp tục biểu diễn và làm sửng sốt công chúng.

Ngoài các động tác khó như "Rắn hổ mang" ngóc đầu trên 150 độ và đứng hình đến 3-4 giây, Su-37 còn biểu diễn các tiết mục như tăng tốc dưới 10 giây, vòng chiến đấu hay khoan đứng, lộn vòng chiến đấu mất độ cao 300-400 mét.

Màn trình diễn ấn tượng đến nỗi giới báo chí quân sự sau đó đã đặt cho Su-37 biệt danh rất hầm hố là "Terminator - Kẻ hủy diệt".

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM