Start-up mới gia nhập thị trường muốn cạnh tranh với Grab

Tú Anh | 19-05-2022 - 08:45 AM

(Tổ Quốc) - Nikkei Asia nhận định, trong đại dịch Covid-19, dịch vụ giao đồ ăn bùng nổ tại các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, mở ra một ngành kinh doanh tiềm năng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh sự thâm nhập của kỹ thuật số ngày càng mở rộng.

JustKitchen của Đài Loan (Trung Quốc) là dự án Cloud-kitchen (tạm dịch bếp trên mây, dịch vụ chỉ nấu đồ ăn phục vụ giao hàng) dự kiến ​​ra mắt tại Philippines và Malaysia trong tháng 5 và tiếp đó là Thái Lan. Trước đó, start-up này đã có 2 cơ sở tại Singapore vào tháng 4/2022 và có kế hoạch mở rộng lên 8 cơ sở tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á trong 6 tháng cuối năm 2022.

Mô hình kinh doanh "bếp trên mây" khác với nhà hàng ở chỗ mô hình kinh doanh cốt lõi của họ xoay quanh việc nấu các bữa ăn để giao cho những khách hàng đặt hàng trực tuyến.

Ông Jason Chen, đồng sáng lập JustKitchen, chia sẻ về kế hoạch nhắm đến 650 triệu người trong khu vực Đông Nam Á, nơi các ứng dụng di động cung cấp nhiều loại dịch vụ đang nở rộ, trở thành xu hướng chủ đạo.

Chia sẻ với Nikkei Asia, CEO JustKitchen cho biết: "Đông Nam Á là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đối với mảng giao đồ ăn. Tôi đã tìm kiếm và nghiên cứu mô hình "nhà bếp ma" vì tôi nhận thấy tiềm năng ở nơi này từ năm 2014. Hiện mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á đang phát triển với mức tăng trưởng gần chạm ngưỡng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái".

Theo một báo cáo của Google vào năm 2021, lĩnh vực giao đồ ăn tại Đông Nam Á đã tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt tổng giá trị 12 tỷ USD trong năm 2021. 71% người dùng internet trong khu vực đặt đồ ăn online ít nhất một lần.

Start-up mới gia nhập thị trường muốn cạnh tranh với Grab - Ảnh 1.

Ông Jason Chen, đồng sáng lập và CEO của JustKitchen. Ảnh: Nikkei Asia

Với mong muốn khai thác thị trường Đông Nam Á, ông Chen đã đưa start-up JustKitchen vào cuộc đua với một trong những công ty công nghệ có giá trị nhất lớn nhất khu vực như Grab. Grab hiện đang quản lý hơn 50 mô hình kinh doanh "bếp trên mây" tại Thái Lan, Singapore, Philippines và Indonesia.

Tuy nhiên, CEO JustKitchen cho rằng, Grab không chiếm ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực này. Các nhà khai thác hoàn toàn có khả năng cạnh tranh để cùng tồn tại khi lĩnh vực giao đồ ăn tiếp tục bùng nổ.

Ông Chen chia sẻ: "Chúng tôi không coi Grab là sự cạnh tranh hay thách thức. Trên thực tế, chúng tôi coi họ là đối tác". Ông cũng giải thích thêm dù JustKitchen có cơ sở vật chất chất riêng nhưng vẫn sử dụng ứng dụng và đội giao hàng của Grab trong khu vực.

Năm 2021, JustKitchen đã mua lại quyền giao hàng cho "Formosa Chang", một thương hiệu thực phẩm Đài Loan (Trung Quốc) nổi tiếng với món cơm trộn thịt lợn kho. Ông Chen cho biết ông sẽ giúp Formosa đưa thực đơn của mình ra thị trường nước ngoài.

Start-up mới gia nhập thị trường muốn cạnh tranh với Grab - Ảnh 2.

JustKitchen lên kế hoạch xây dựng ứng dụng và đội ngũ giao hàng riêng. Ảnh: Nikkei Asia

JustKitchen hiện không có ứng dụng di động hay đội ngũ giao hàng của riêng mình do bản thử nghiệm của ứng dụng chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, ông Chen cho biết, công ty đang lên kế hoạch phát triển ứng dụng và có thể sẽ đưa ứng dụng này vào hoạt động vào đầu năm 2023.

Về đội ngũ giao hàng, CEO JustKitchen cho biết, công ty đang tập trung vào việc thiết lập và vận hành các "bếp trên mây" mới tại các thị trường ASEAN. Việc xây dựng đội ngũ giao hàng riêng sẽ được phát triển trong một vài năm tới.

Sau khi ứng dụng và đội xe giao hàng hoạt động trơn tru, JustKitchen sẽ quản lý chuỗi giá trị hoạt động của riêng mình để đưa thực phẩm từ điểm đặt hàng trực tuyến đến tận nhà người tiêu dùng, thúc đẩy mô hình kinh doanh gần giống với mô hình kinh doanh của Grab.

CEO JustKitchen cho biết thêm: "Các đối tác giao hàng rất tuyệt vời, họ hoạt động rất nhanh chóng và trơn tru. Nhưng những tình huống khách quan do thời tiết khiên việc giao hàng bị hạn chế. Để khắc phục vấn đề này, chúng tôi sẽ phải xây dựng đội ngũ giao hàng của riêng mình để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Đó chắc chắn là một phần của tương lai".

Nguồn: Nikkei Asia

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM