Bệnh nhân là ông Phạm Văn D (66 tuổi) ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng bị sốt kéo dài trên 2 tuần kèm đau tức hạ sườn phải, gầy sút, mệt nhiều, ăn uống kém. Tuy nhiên, ông D chủ quan nghĩ cảm sốt thông thường nên chỉ truyền dịch, dùng thuốc tại nhà.
Được vài ngày, tình trạng bệnh ông D ngày càng trầm trọng. Ông được gia đình đưa vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, da xanh, ấn đau hạ sườn phải. Kết quả siêu âm và chụp cắt lớp ổ bụng cho thấy nhu mô gan trái có ổ áp xe hóa dịch mủ kích thước lớn 104 x 72mm, xét nghiệm có chỉ số nhiễm trùng tăng cao, bạch cầu phản ứng. Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan trái.
Bác sĩ CKII Trần Quang Định, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết áp xe gan là bệnh lý nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ổ áp xe vỡ sẽ dẫn đến các biến chứng, như: viêm phúc mạc ổ bụng, tràn mủ màng phổi, thậm chí gây nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng. Trường hợp của bệnh nhân D sốt kéo dài nhiều ngày, gầy sút cân đột ngột, có thể nhầm với hội chứng suy mòn do ung thư.
Bệnh nhân nhập viện với ổ áp xe trong gan kích thước lớn, nguy cơ vỡ áp xe sẽ gây ra biến chứng vô cùng nặng nề. Các bác sĩ đã phối hợp với bên Chẩn đoán hình ảnh để dẫn lưu ổ mủ trong gan, kết hợp sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ từ kết quả chọc mủ để điều trị triệt để, hạn chế tình trạng tái phát về sau. Nhờ sự phối hợp giữa các chuyên khoa cùng phác đồ điều trị tích cực, bệnh nhân cắt sốt, đỡ đau chỉ sau 3 ngày, ổn định và ra viện sau 3 tuần.
"Tôi bị sốt kéo dài nhưng vào lúc thời tiết thất thường nên tôi chủ quan nghĩ là sốt virus thông thường, ai ngờ đâu lại bị áp xe gan nghiêm trọng như vậy. Nhìn mủ xanh hút ra từ chính lá gan của mình mà cảm thấy sợ hãi", ông D chia sẻ.
Theo các bác sĩ áp xe gan là do tổ chức tế bào gan bị phá hủy tạo thành ổ mủ trong tổ chức gan, ổ mủ có thể to hoặc nhỏ, đơn độc hay nhiều ổ mủ khác nhau. Nguyên nhân của áp xe gan thường do vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm. Theo nghiên cứu, trong các nguyên nhân gây áp xe gan thì nguyên nhân do vi khuẩn chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm khoảng 80% các trường hợp áp xe gan. Áp xe gan sinh mủ xảy ra thứ phát có thể từ các nhiễm trùng đường mật (viêm mủ túi mật, viêm đường mật), hoặc viêm túi thừa do các vi khuẩn kỵ khí, gram âm đường ruột.
Để phòng ngừa áp xe gan, các bác sĩ khuyến cáo: Nguyên nhân áp xe gan chủ yếu do vi khuẩn đường ruột, xâm nhập lây lan theo đường dẫn mật chiếm tỷ lệ khá cao. Việc phòng bệnh quan trong nhất là chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường; Tuyệt đối không ăn các loại thịt chưa nấu chín như nem chua, nem chạo, gỏi, tiết canh, rau sống chưa được rửa sạch…; Không uống nước chưa đun sôi, đồ uống không hợp vệ sinh; Cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước mỗi bữa ăn. Khi có dấu hiệu bất thường (sốt cao, rét run, đau tức vùng hạ sườn phải, ấn đau kẽ sườn…), nghi ngờ áp xe gan cần đến bệnh viện, cơ sở y tế uy tín, tin cậy để được phát hiện và điều trị kịp thời.