Sống ở thành phố đắt đỏ thứ 2 ở Việt Nam, bà mẹ 2 con chọn cách nhờ người nhà gửi đồ ở quê vào, vừa đúng khẩu vị mà giá cả lại hợp lý

NV | 13-06-2024 - 07:00 AM

(Tổ Quốc) - Nhờ có đồ ở quê gửi lên mà Uyên sẽ không mất công phải đi chợ hay đi siêu thị quá nhiều. Bên cạnh đó, Uyên cũng không phải nghĩ nhiều về việc hôm nay ăn gì, đồng thời có thể kiểm soát được chi tiêu trong gia đình.

Theo báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2023 của Tổng cục Thống kê công bố, trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Hà Nội giữ vị trí dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước, TP.HCM đứng thứ 2 với chi phí sinh hoạt bằng 98,44% Hà Nội.

Vì thế mà không ít người dân sống tại hai thành phố này cũng luôn phải tìm cách chi tiêu một cách hợp lý. Ngô Hạ Uyên, 38 tuổi, vốn là một người phụ nữ gốc Huế, hiện đang sống cùng chồng và con tại TP.HCM. Giống như nhiều người, Hạ Uyên cũng thường tìm cách cân đối chi tiêu cho gia đình một cách hợp lý.

Sống ở thành phố đắt đỏ bậc nhất Việt Nam, bà mẹ 2 con chọn cách nhờ người nhà gửi đồ ở quê vào, vừa đúng khẩu vị mà giá cả lại hợp lý  - Ảnh 1.

Ngô Hạ Uyên, bà mẹ 2 con người Huế hiện đang sống tại TP.HCM.

Tháng nào cũng có đồ ở quê gửi vào, thực phẩm tươi ngon mà giá cả lại hợp lý

Là người thích ăn cơm nhà nên thay vì ra ngoài ăn thì Hạ Uyên cũng thường nấu cơm cho gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc bà mẹ hai con sẽ phải ra ngoài mua thực phẩm để nấu nướng. Tuy nhiên, trong những lần đi mua thực phẩm ở siêu thị không ít lần Hạ Uyên bị... "vung tay quá trán" nên chi tiêu không kiểm soát được. Thế nên Uyên đã chọn phương án nhờ người nhà ở quê gửi thức ăn lên.

Sống ở thành phố đắt đỏ bậc nhất Việt Nam, bà mẹ 2 con chọn cách nhờ người nhà gửi đồ ở quê vào, vừa đúng khẩu vị mà giá cả lại hợp lý  - Ảnh 2.

Mỗi tháng Uyên lại nhờ người nhà gửi một thùng thực phẩm lớn với nhiều đồ ăn tươi ngon.

Vốn là người gốc Huế nên Hạ Uyên thường nhờ người nhà ở Huế mua thức ăn và gửi vào Sài Gòn. Uyên chia sẻ: "Đồ ở đồ quê người thân gửi nên mình yên tâm về nguồn gốc xuất xứ. Quê mình vừa có biển lại vừa có đầm phá, nên cá biển và cá nước lợ rất ngon. Mà muốn ăn cá ngon như thế này tìm mua tại Sài Gòn cũng khó. Ngoài ra, các loại thịt như thịt heo, thịt bò thì mua ở quê cũng là loại ngon và sạch. Nên mình thường nhờ người nhà ở quê gửi thịt cá lên cho mình, đồ ăn không chỉ ngon mà còn đảm bảo".

Bột tựa (bột lộn), ớt xanh, trứng gà ta và các loại rau tươi ngon được gửi từ Huế.

Ngoài thịt cá thì Uyên sẽ nhờ gửi cả những loại thực phẩm như các loại mắm hay gia vị, nem, chả Huế. Mỗi lần gửi đồ như vậy tiền thực phẩm có thể lên đến 5 -7 triệu đồng. Vì thùng thực phẩm lớn nên tiền vận chuyển cũng khoảng 200.000 - 250.000VNĐ. Nghe con số tưởng chừng nhiều nhưng số thực phẩm đó nhà Uyên ăn được cả tháng.

Cá tràng, cá kình, cá cơm, cá lạc, cá ngừ được mua từ chợ sớm của ngư dân.

Mỗi tháng, Uyên lại nhờ người thân ở Huế gửi thức ăn vào Sài Gòn một lần. Uyên cho biết: "Một công vận chuyển đồ vào thì mình sẽ nhờ người nhà gửi nhiều nhiều một chút. Đồ ăn ở quê không chỉ ngon, an toàn mà giá còn rẻ nữa. Ví dụ như thịt ba chỉ rút xương mua tại siêu thị ở Sài Gòn có giá lên đến 250.000VNĐ/kg, nhưng nếu mua ở quê thì chỉ có 120.000VNĐ/kg thôi. Chuyển đồ ăn như này thì tốn tiền vận chuyển nhưng bù lại thực phẩm lại rẻ và mình mua được cả sự yên tâm nữa".

Bên cạnh đồ ở Huế thì Uyên cũng thường được gửi cả đồ từ quê nhà chồng ở Quảng Trị như gà ta nhà nuôi, rau củ nhà hàng xóm trồng. Ngoài ra còn có cả thịt heo, bò, mực ống, các loại gia vị tiêu, ớt, củ nén... tất cả cũng rất tươi ngon.

Uyên vẫn thường mua đồ cả trong siêu thị hay thỉnh thoảng mua rau củ tại chợ đầu mối gần nhà. Nhưng nhờ vào thực phẩm mua ở quê gửi lên mà nhà Uyên có thể tiết kiệm được vài triệu mỗi tháng.

 

Rau củ quả tươi ngon được gửi từ quê chồng.

Những mâm cơm gia đình vừa ngon lại vừa có hương vị của quê nhà

Thực phẩm ở quê được người nhà của Uyên mua khi còn tươi sống và về cấp đông luôn. Khi gửi vào Sài Gòn thì vẫn còn đông đá, khi nhận được Uyên sẽ đem cho vào tủ đông. Đến khi ăn Uyên sẽ đem rã đông và ăn dần.

Uyên kể: "Cô mình ở quê sẽ mua cá từ sáng sớm của ngư dân nên cá tươi ngon lắm. Ở quê mình có những loại cá nước lợ như cá kình, cá nâu, cá ong... Mà mua xong cô mình sẽ cẩn thận chia thành các túi nhỏ và đem cấp đông. Nhờ thế mà khi ăn mình chỉ cần đem từng phần rã đông để ăn, vừa tiện lại vừa tránh tình trạng rã đông thực phẩm nhiều lần".

Sống ở thành phố đắt đỏ bậc nhất Việt Nam, bà mẹ 2 con chọn cách nhờ người nhà gửi đồ ở quê vào, vừa đúng khẩu vị mà giá cả lại hợp lý  - Ảnh 6.

Bữa bún mắm nêm với các món như thịt ba chỉ luộc, chả bò và nem chua Huế.

Cũng nhờ đồ ở quê gửi lên mà Uyên sẽ không mất công đi chợ hay đi siêu thị quá nhiều. Bên cạnh đó, Uyên không phải nghĩ nhiều về việc hôm nay ăn gì, đồng thời có thể kiểm soát được chi tiêu ăn uống trong gia đình.

Mặc dù sống ở Sài Gòn được 16 năm nhưng Uyên vẫn thường nấu những bữa cơm mang hương vị quê nhà. Đôi khi bữa cơm đơn giản chỉ cần thịt luộc chấm cùng mắm Huế ăn kèm rau sống, hay cá chiên giòn ăn với kiệu muối kiểu Huế.

Món kiệu kiểu Huế thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm nhà Uyên.

"Có những món ăn ở quê đúng là phải nhờ người nhà gửi đồ vào thì mình mới có nguyên liệu để làm. Ví dụ như món kiệu Huế, ở Huế ăn kiệu là ăn cả cây chứ không chỉ ăn củ như nhiều nơi khác. Kiệu này người nhà mình gửi vào xong mình đem muối chua. Khi ăn có thể chấm nước mắm, nước tương ăn cùng cơm hoặc làm món gân kiệu rất ngon. Hay đơn giản như ớt Huế cũng là thứ khó mua nên mình cũng nhờ người nhà gửi lên. Ớt xanh này không cay nhiều mà lại rất thơm, ăn ngon lắm" - Uyên tâm sự.

Thịt ba chỉ một nắng với phần thịt được gửi từ quê lên.

Các món ăn gia đình hấp dẫn được nấu theo hương vị quê nhà của Uyên.