Đây sẽ là chuỗi hoạt động trọng điểm trong vòng 3 tháng được triển khai ngay từ tháng 10/2021, với mục tiêu giúp cho người cao tuổi có thể tự chăm sóc sức khoẻ cho bản thân một cách dễ dàng thông qua nhiều hình thức thông tin và tư vấn. Đồng thời, truyền đạt thông điệp, con cháu hãy quan tâm hơn đến người cao tuổi trong gia đình. Sự quan tâm hỗ trợ của họ sẽ chính là cầu nối, "lá chắn" để bảo vệ và chăm sóc cả thể chất, tinh thần cho ông bà cha mẹ, hướng đến đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Chuyên đề sẽ đem tới những thông tin giúp người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe thể chất, đời sống tinh thần cũng như góp phần thức tỉnh sự quan tâm, chia sẻ của con cháu, giới trẻ bằng hành động để họ trở thành cầu nối, hướng dẫn ông bà, cha mẹ tiếp cận với các kiến thức, công cụ, chương trình về chăm sóc sức khoẻ.
Với sự chủ trì về chuyên môn của các Chuyên gia - Y bác sĩ thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, những kiến thức phòng ngừa, điều trị, chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi sẽ được truyền tải đa dạng dưới nhiều hình thức trên Soha, Afamily, Kênh 14, CafeF, CafeBiz, mạng xã hội Lotus và các nền tảng truyền thông khác.
Toàn bộ hệ thống nội dung được cố vấn chuyên môn trực tiếp từ Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, chia thành 4 chủ đề cụ thể bao gồm:
1. Người cao tuổi an toàn trong đại dịch Covid-19
Để ông bà, bố mẹ chúng ta có thể vui vẻ, an toàn bước qua đại dịch. Ảnh: Meetcaregivers
Hướng đến việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho Người cao tuổi - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19, các Chuyên gia - Y bác sĩ thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ giải đáp thắc mắc chung của nhiều người.
Đặc biệt là những vấn đề đang được quan tâm gần đây như là Tiêm vaccine cho Người cao tuổi; Chăm sóc Người cao tuổi để phòng tránh Covid-19 hoặc nếu không may mắc bệnh thì họ và con cháu trong gia đình cần lưu ý xử trí ra sao…
Ngoài ra, thông tin cho người cao tuổi và gia đình về khám chữa bệnh từ xa và khi nào thật sự cần đến bệnh viện để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh tại nơi đông người là vô cùng quan trọng.
Quan trọng hơn, trong giai đoạn dần mở cửa, sức khỏe tinh thần người cao tuổi là vấn đề cần được lưu tâm để họ - những người cần cẩn trọng trong mọi hoạt động có thể vui vẻ, an toàn bước qua đại dịch.
2. Cẩm nang sức khoẻ 50
Cẩm nang này sẽ là chìa khóa để chia sẻ kiến thức dự phòng, cảnh báo và cung cấp kiến thức chăm sóc người bệnh. Thông qua đó, bản thân người cao tuổi, người trung niên đều có thể tìm hiểu về dấu hiệu bệnh của mình.
Bên cạnh đó, cả những người trẻ đang là con cháu trong gia đình cũng có thể quan tâm sức khoẻ cha mẹ và chăm sóc đúng cách.
3. Người già không cô đơn
Đây chính là cẩm nang sẽ thông tin về những vấn đề sức khoẻ tinh thần, tâm lý và khó khăn trong việc thăm khám sức khoẻ mà người già có thể mắc phải.
Ngoài ra, để giúp người cao tuổi không bị bỏ rơi và bị lãng quên, người nhà cũng cần tìm hiểu thông tin để giúp đỡ ông bà, bố mẹ mình tiếp cận với công nghệ chăm sóc sức khoẻ trực tuyến.
Thông qua tổng đài của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hỗ trợ giải đáp thắc mắc 24/7, hoặc đặt lịch khám từ xa với các bác sĩ và tham gia sàng lọc để được tư vấn thăm khám, người cao tuổi sẽ không phải cô đơn đối mặt tuổi già.
4. An hưởng tuổi già
Cẩm nang chia sẻ những bí quyết sống thọ và cung cấp thông tin về các dịch vụ, sản phẩm sẽ giúp người cao tuổi tận hưởng tuổi già.
Bên cạnh đó, những bài viết cảm xúc, chứa đựng thông điệp “Không để hành trình già đi của bố mẹ trở nên cô đơn mà luôn có con cháu đồng hành” cũng là bí quyết để mọi thành viên trong gia đình quan tâm, chăm sóc người cao tuổi tốt hơn.
Quan tâm tới các bí kíp sống thọ để giúp cha mẹ, ông bà được an hưởng tuổi già, ít bệnh tật và lo âu. Ảnh: CDC
Mặc dù sức khỏe tuổi xế chiều đã không còn sung sức nhưng tất cả những điều cha mẹ, ông bà có thể làm trong cuộc sống hàng ngày đều là món quà vô giá với con cái và người thân yêu.
Chuyên đề “Sống khoẻ - Quà tặng cháu con” hướng tới người cao tuổi bắt đầu từ tháng 10/2021 sẽ mở ra một không gian đem tới những kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi bổ ích.
Các tuyến nội dung sẽ được thể hiện đa dạng dưới mọi hình thức như bài viết kết hợp chuỗi video cảnh báo, video Q&A (hỏi đáp) với bác sĩ, các Livestream/ Toạ đàm tư vấn, chương trình kết hợp giữa sitcom hài giải trí và truyền hình thực tế, tiểu phẩm cảm xúc trên Tiktok,...
Thông qua đó, nguồn năng lực sống tích cực tới thế hệ đi trước sẽ được truyền đi, góp phần để những thế hệ theo sau học cách đồng cảm cùng người lớn tuổi trong gia đình, từ đó tạo nên một Việt Nam khỏe mạnh và an vui.