Sóng điện thoại di động có thể gây ung thư ở người hay không: Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ vừa có câu trả lời

Anh Việt | 13-02-2020 - 14:32 PM

(Tổ Quốc) - Theo báo cáo của FDA, vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy bức xạ của sóng điện thoại có thể gây ra ung thư ở người

Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ khẳng định, việc tiếp xúc với sóng điện thoại di động không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào tới sức khỏe của con người. Theo Bloomberg, báo cáo này được đưa ra sau khi FDA xem xét các nghiên cứu khoa học đã được công bố trong 11 năm qua, vốn tập trung vào việc tìm hiểu tác hại của bức xạ sóng di động.

"Dữ liệu về dịch tễ học và ung thư cho thấy, không có tác động bất lợi nào đối với sức khỏe con người người khi tiếp xúc với bức xạ sóng điện thoại di động", báo cáo của FDA cho biết.

Báo cáo này được ra trong bối cảnh công nghệ mạng không dây 5G đang được triển khai hàng loạt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc mạng 5G hoạt động ở sóng tần số cao hơn nhiều so với 4G gây ra nhiều lo ngại về tác động của sóng di động tới sức khỏe con người – một quan điểm đã tồn tại hàng thập kỷ. 

Sóng điện thoại di động có thể gây ung thư ở người hay không: Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ vừa có câu trả lời - Ảnh 1.

Tuy nhiên, theo báo cáo của FDA, vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy bức xạ của sóng điện thoại có thể gây ra ung thư ở người. Mặc dù vậy, FDA vẫn tiếp tục kêu gọi các nhà khoa học tiến hành các nghiên cứu trực tiếp trên động vật và con người, cũng như chuyển trọng tâm nghiên cứu sang các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư.

Theo ZDNet, các câu hỏi về an toàn khi sử dụng điện thoại di động luôn thu hút được sự quan tâm rất nhiều của công chúng và tranh luận giữa các nhà khoa học trong nhiều năm qua, khi điện thoại di động đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người.

Vào năm 2008, các nhà khoa học thuộc chương trình hợp tác quốc gia về chất độc học của Mỹ (National Toxicology Program - NPT) đã thực hiện một dự án có trị giá 30 triệu USD, được điều hành bởi Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ với mục đích xem xét tính độc hại của bức xạ điện thoại di động đối với con người, trong cuộc sống hàng ngày. 

Theo đó, nghiên cứu phát hiện việc tiếp xúc với bức xạ từ tần số vô tuyến điện (RFR), tương tự bức xạ trong điện thoại di động 2G và 3G, có liên quan đến ung thư tim ở chuột cống đực. Một số bằng chứng khác liên quan đến khối u ở não và tuyến thượng thận.

Sóng điện thoại di động có thể gây ung thư ở người hay không: Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ vừa có câu trả lời - Ảnh 2.

Tuy nhiên, FDA sau đó đã khẳng định nghiên cứu trên thiếu thuyết phục và tồn tại rất nhiều sai sót, không thể áp dụng cho con người. Cụ thể, trong các nghiên cứu, những con chuột đã được cho phơi nhiễm dưới bức xạ trên toàn bộ cơ thể. Mức độ và thời gian phơi nhiễm với bức xạ tần số vô tuyến mà những con chuột phải chịu đứng lớn hơn so với người sử dụng điện thoại. 

Mặt khác, nghiên cứu trên chuột sử dụng bức xạ RFR trên các dòng điện thoại 2G, 3G và không áp dụng với các công nghệ hiện đại hiện nay như 4G hay 5G, vốn sử dụng tần số cao hơn nhiều và ít ảnh hưởng tới cơ thể người và chuột.  

Tham khảo Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM