Khi tiến hành xây dựng một ngôi nhà, bên cạnh cấu trúc công trình, thiết kế tổng quan ngôi nhà hay các công năng phục vụ nhu cầu của con người, thì màu sơn cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Màu sơn nhà bao gồm sơn nội thất và sơn ngoại thất. Trong đó, sơn nội thất là phần sơn bên trong nhà, có các ưu điểm nổi bật là độ mịn, bóng và bền màu, tạo vẻ đẹp thẩm mỹ cho toàn bộ ngôi nhà.
Còn sơn ngoại thất bên cạnh yếu tố thẩm mỹ thì được đề cao khả năng chống lại các tác động từ môi trường, như chống thấm, chống bám bụi, chống rêu mốc, khả năng cách nhiệt, chịu nhiệt hay chống tia UV.
Trong đó, khả năng cách nhiệt, chịu nhiệt của sơn ngoại thất, được quyết định phần nào bởi chính màu sắc. Cụ thể, có những màu sắc sẽ cách nhiệt tốt, từ đó giúp không gian bên trong nhà mát mẻ hơn vào mùa hè, hoặc ấm áp hơn vào mùa đông. Ngược lại, có những màu sơn lại khiến không gian nhà nóng hơn, hoặc lạnh hơn.
Vậy đâu là những màu cách nhiệt, chịu nhiệt tốt hơn, khi sơn nhà nên chọn những màu sơn sáng hay màu sơn tối để không gian trong nhà được mát mẻ hơn?
Tiến hành đo lường cụ thể
Về lý thuyết, nhiều chuyên gia cũng như các nghiên cứu đã chứng minh, rõ ràng những màu sơn tối sẽ hấp thụ nhiệt nhiều hơn. những màu sơn sáng. Nguyên nhân được các nhà khoa học chứng minh đó là những màu sáng thường phản xạ ánh sáng mặt trời trở lại môi trường. Theo Daily Medical, các vật thể sáng màu sẽ hấp thụ ít bức xạ nhiệt hơn, vì vậy dù là sơn tường nhà hay ngay cả việc trang phục ta mặc hàng ngày, những gam màu sáng sẽ giúp phần nào mát mẻ hơn. Trái lại, những gam màu tối lại hấp thụ toàn bộ ánh sáng và lượng nhiệt đến từ mặt trời.
Hình minh họa về khả năng hấp thụ và phản xạ nhiệt từ ánh sáng mặt trời giữa màu sáng và màu tối (Ảnh Oscar Sells Homes)
Tuy nhiên để đưa ra con số cụ thể, giúp người dùng thấy rõ hơn về sự khác biệt giữa các màu sơn, cần tiến hành đo lường cụ thể bằng thiết bị chuyên dụng. Dưới đây là một ví dụ như thế.
Trên trang mạng xã hội, một đơn vị chuyên về các kiến thức xây dựng đã đăng tải video đo lường thực tế độ hấp thụ nhiệt trên từng màu sắc khác nhau. Cụ thể, thử nghiệm được thực hiện vào đầu tháng 6 năm nay, thời điểm có thể đánh giá là nắng nóng cao điểm. Trong thử nghiệm, có 8 màu sắc được đo, bao gồm màu đen, đỏ, xanh lá, hồng, xanh lam, cam, vàng và trắng. Các màu sắc này sẽ được sơn lên những viên gạch, sau đó để dưới ánh nắng mặt trời.
Thử nghiệm đo lường nhiệt độ hấp thụ của từng màu sơn được thực hiện bởi đơn vị Milimet Vuông
Người đo sẽ tiến hành đo nhiệt độ ở từng viên gạch trong 3 ngày và tính ra con số trung bình. Kết quả cho thấy, viên gạch được sơn màu đen có độ hấp thụ nhiệt cao nhất, khi lần lượt nhiệt độ sau 3 ngày là 41,2 độ, 50,1 độ, 53,1 độ. Tính trung bình ra, nhiệt độ ở viên gạch màu đen là khoảng 48,13 độ. Tiếp sau màu đen là màu đỏ với nhiệt độ trung bình đạt 43,33 độ; màu xanh lá với 43,30 độ; màu hồng với 38,77 độ; màu xanh lam với 38,13 độ; màu cam với 38,1 độ; màu vàng với 37,93 độ; và cuối cùng là màu trắng với 34 độ.
Như vậy có thể kết luận, màu đen có độ hấp thụ cao nhất, còn màu trắng có độ hấp thụ nhiệt thấp nhất. Vì vậy khi sơn nhà màu trắng, không gian bên trong sẽ được cách nhiệt tốt hơn, ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ ngoài trời hơn.
Kết quả cho thấy màu đen hấp thụ nhiều nhiệt nhất còn màu trắng hấp thụ ít nhất (Ảnh Milimet vuông)
Đây cũng có thể là lý do cho việc những ngôi nhà ở vùng nhiệt đới hay các vùng nóng, thường được sơn bằng các màu trắng hoặc vàng, chứ hiếm khi được sơn bằng các màu sắc sặc sỡ như hồng, cam, hay những màu tối như đen.
Các tiêu chí lựa chọn sơn tường ngoại thất phù hợp
Theo các chuyên gia, để chọn được sơn ngoại thất phù hợp với ngôi nhà của mình, bên cạnh màu sắc thì còn nhiều yếu tố và tiêu chí khác mà người dùng cân nhắc.
1. Độ bền màu
Độ bền màu ảnh hưởng trực tiếp tới thẩm mỹ của ngôi nhà. Bởi sau một thời gian dài, chịu nhiều tác động của thời tiết, màu sơn có thể bị bạc màu, phai màu và không còn được như ban đầu.
Sơn có độ bền màu cũng sẽ tiết kiệm được chi phí cho gia chủ. Bởi sơn có độ bền màu càng cao thì thời gian cần bảo dưỡng lại càng lâu, tần suất ít. Và ngược lại, với các loại sơn chất lượng kém, gia chủ sẽ phải bảo dưỡng nhiều lần, từ đó tốn kém hơn.
Sơn có độ bền màu cao sẽ đảm bảo độ thẩm mỹ và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng cho chủ nhà (Ảnh minh họa)
2. Độ chống thấm
Khả năng chống thấm nước, chống ẩm cũng vô cùng quan trọng đối với sơn ngoại thất. Chọn được loại sơn chất lượng, lớp sơn của ngôi nhà sẽ được bảo vệ, không bị phá vỡ cấu trúc, hạn chế hượng tượng bong tróc khi bị tác động lâu dài với nước mưa hay độ ẩm từ thời tiết, môi trường.
Tường nhà được sơn chống thấm tốt sẽ vừa đảm bảo được thẩm mỹ vừa đảm bảo xảy ra các bất tiện trong đời sống sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.
3. Độ chống kiềm
Kiềm hóa là hiện tượng xuất hiện các mảng loang ố, bạc màu trên bề mặt tường. Nó khiến mặt thẩm mỹ của toàn bộ không gian bị ảnh hưởng. Vì vậy, sơn ngoại thất mà người dùng lựa chọn nên đáp ứng được khả năng tốt về độ chống kiềm.
4. Độ chống rêu mốc
Rêu mốc là hiện tượng thường thấy ở những vùng hay quốc gia, đất nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Vì vậy khả năng chống rêu mốc của sơn ngoại thất là vô cùng quan trọng. Chống được rêu mốc không chỉ giữ cho thẩm mỹ mà còn hạn chế các loại vi khuẩn xuất hiện và xâm nhập vào không gian sống.
Ngoài chống được rêu mốc, các loại sơn cũng nên có khả năng chống bám bẩn tốt, giúp bề mặt tường luôn giữ được độ mịn và sạch sẽ, ít bị bám bởi bụi bẩn.
5. Độ chống tia UV
Tia UV có khả năng ảnh hưởng tới kết cấu tường nhà. Vì vậy lựa chọn một loại sơn có độ chống tia UV sẽ giúp bảo vệ màng sơn trước thời tiết tốt hơn.
Tổng hợp