So sánh dữ liệu xuất khẩu Việt Nam - Ấn Độ, ai đang dẫn trước trong cuộc đua trở thành "cứ điểm sản xuất mới"?

H.A | 03-09-2020 - 13:21 PM

(Tổ Quốc) - Trong 6 tháng đầu năm 2020, giữa lúc Covid-19 tàn phá, xuất khẩu từ Việt Nam gần như ngang bằng với Ấn Độ. Trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay vẫn tăng trưởng trung bình 3%, trong khi Ấn Độ tăng trưởng âm 24% trong cùng thời kỳ.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Rahul Mazumdar - Tổng Giám đốc Ngân hàng xuất nhập khẩu Ấn Độ, khi so sánh hầu hết các chỉ số liên quan đến thương mại, Việt Nam đều vượt qua Ấn Độ.

Trong khi khó có thể theo kịp Trung Quốc, Ấn Độ đang đối mặt với sự nổi lên của Việt Nam. Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới vào năm 1986, sau Trung Quốc - nơi cải cách vào cuối những năm 1970, và trước Ấn Độ - mới chỉ bắt đầu cải cách vào năm 1991.

Ít ai nghi ngờ rằng Việt Nam có thể đạt được những thành công lớn về kinh tế. Song phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, Hoa Kỳ đang mua nhiều hàng may mặc từ Trung Quốc, Bangladesh và Việt Nam hơn từ Ấn Độ.

Với việc Covid-19 bùng phát, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với sự di dời của các công ty đa quốc gia. Giữa bối cảnh này, Việt Nam nổi lên là lựa chọn ưu tiên của các công ty điện tử và điện thoại di động, đang cố gắng vươn rộng hơn ra ngoài Trung Quốc.

Hãy nhìn sâu hơn vào dữ liệu thương mại của Việt Nam và Ấn Độ.

Tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 18% trong 10 năm qua cho đến năm 2019, trong khi Ấn Độ chỉ là 5%. Trong khi Việt Nam bắt đầu xuất siêu, thì mức nhập siêu của Ấn Độ đã tăng lên 156 tỷ USD vào năm 2019.

So sánh dữ liệu xuất khẩu Việt Nam - Ấn Độ, ai đang dẫn trước trong cuộc đua trở thành cứ điểm sản xuất mới? - Ảnh 1.

Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, trong năm 2019, bao gồm máy móc và thiết bị điện (với 41% thị phần), may mặc (11%), giày dép (8%) và máy móc và thiết bị cơ khí (5%). Xuất khẩu tăng cao nhất trong giai đoạn 2010-2019 là máy móc và thiết bị điện. Tỷ trọng của mặt hàng này trong tổng xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 10% năm 2010 lên 42% năm 2019. Trong đó, mặt hàng có xuất khẩu cao nhất được ghi nhận là điện thoại di động (với 13% thị phần). Tiếp theo là mạch tích hợp điện tử (7%) và linh kiện của điện thoại di động (6). Mỹ, UAE và Áo chiếm 40% tỷ trọng điện thoại di động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019.

So với các mặt hàng xuất khẩu theo định hướng công nghệ và sản xuất của Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ chủ yếu bao gồm các sản phẩm sản xuất công nghệ thấp như nhiên liệu khoáng sản (14% thị phần), ngọc trai (11%), máy móc (6%), hóa chất hữu cơ (5%) và phương tiện giao thông (5%). Ấn Độ có nhiều tiềm năng để trở thành một điểm đến lý tưởng cho sản xuất công nghệ cao, nhưng họ lại đang tụt lại phía sau.

Tỷ lệ xuất khẩu công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam là 40%, trong khi ở Ấn Độ, tỷ lệ này ở mức khá thấp, ở mức 9% vào năm 2018.

So sánh dữ liệu xuất khẩu Việt Nam - Ấn Độ, ai đang dẫn trước trong cuộc đua trở thành cứ điểm sản xuất mới? - Ảnh 2.

Samsung có một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất bên ngoài Hàn Quốc tại Việt Nam. Vào năm 2012, Samsung đã thành lập Samsung Display Solutions, phục vụ cho các dòng sản phẩm LED SMART của công ty. Trên thực tế, công ty lắp ráp một nửa sản lượng điện thoại di động của mình tại Việt Nam và đã thu lợi rất nhiều sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Song, theo một số báo Ấn Độ, Samsung cũng có khả năng sẽ đa dạng hóa dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh sang Ấn Độ theo chương trình PLI (Khuyến khích liên kết sản xuất) - nếu điều này xảy ra, nó sẽ là một động lực cho Ấn Độ.

Vào tháng 6, Việt Nam đã phê chuẩn FTA với EU, về cơ bản sẽ cho phép các nhà sản xuất châu Âu đầu tư vào Việt Nam và từ đó họ có thể xuất khẩu sang các thị trường khác ở châu Á - Thái Bình Dương - nơi mà Việt Nam đang cung cấp cơ hội tiếp cận ưu đãi.

Thật không may, EVFTA đến vào thời điểm các nhà xuất khẩu Ấn Độ đang mất thị phần vào tay Việt Nam tại thị trường EU. Thị phần của Ấn Độ sang EU chiếm gần 1/5 tổng lượng hàng xuất đi của Ấn Độ. Trong năm 2009 và 2018, xuất khẩu của Ấn Độ sang EU tăng 1,6 lần, nhưng Việt Nam thì tăng tới 4,4 lần.

Với xu hướng đang diễn ra trên toàn thế giới, nếu hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc hậu thương chiến, thì việc các doanh nghiệp vào Việt Nam sẽ rất hợp lý. Một khi các công ty thành lập tại Việt Nam, họ có thể xem xét tái xuất khẩu trở lại Trung Quốc hoặc mở rộng hoạt động của mình sang các nền kinh tế ASEAN khác và EU. Thật không may, Ấn Độ sẽ vẫn thiếu những lợi thế này.

So sánh dữ liệu xuất khẩu Việt Nam - Ấn Độ, ai đang dẫn trước trong cuộc đua trở thành cứ điểm sản xuất mới? - Ảnh 3.

Để có thể bứt phá, Ấn Độ cần nhận ra mình đang mạnh yếu ở đâu. Kể từ khi tự do hóa, quốc gia này đã có nhiều chính sách - từ Chính sách Sản xuất Quốc gia cho đến Make in India ngày nay - nhưng tỷ trọng của hàng hóa sản xuất trong xuất khẩu của Ấn Độ vẫn bị hạn chế.

Việt Nam đã phát triển như một điểm đến hấp dẫn đối với vốn FDI, nhờ lao động giá rẻ và tạo môi trường thân thiện, giảm thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong số 56 công ty đã rời khỏi Trung Quốc kể từ chiến tranh thương mại đến năm 2019, chỉ có 8 công ty đầu tư vào Ấn Độ, trong khi 26 công ty mở rộng sang sang Việt Nam.

Ấn Độ cần nhanh chóng thích nghi với bối cảnh toàn cầu đang phát triển. Gần đây, do chiến tranh thương mại, Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra mức thuế doanh nghiệp hấp dẫn cho các doanh nghiệp lớn muốn mở rộng. Ví dụ, hai mức thuế suất ưu đãi chung là 10% và 20% được áp dụng cho các dự án sản xuất lớn đủ điều kiện trong 15 năm và 10 năm. Trong khi ở Ấn Độ, thuế chuẩn là 40% đối với các công ty nước ngoài và chi nhánh của các công ty nước ngoài tại Ấn Độ.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, giữa lúc Covid-19 tàn phá, xuất khẩu từ Việt Nam gần như ngang bằng với Ấn Độ. Trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay vẫn tăng trưởng trung bình 3%, trong khi Ấn Độ tăng trưởng âm 24% trong cùng thời kỳ.

So sánh dữ liệu xuất khẩu Việt Nam - Ấn Độ, ai đang dẫn trước trong cuộc đua trở thành cứ điểm sản xuất mới? - Ảnh 4.

90% thương mại hàng hóa của Việt Nam được thực hiện thông qua các cảng biển. Trong trường hợp của Ấn Độ, mặc dù có đường bờ biển gần gấp đôi Việt Nam, nhưng Ấn Độ lại không tận dụng tốt điều đó. Một phần nguyên do là một số cảng biển Ấn Độ có vấn đề về nạo vét, không giống như ở Việt Nam có cảng nước sâu.

Trong tương lai, Ấn Độ cần phân tích chặt chẽ chiến lược để cạnh tranh với các quốc gia châu Á khác. Có thể là ký kết các hiệp định thương mại tự do, tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện và ổn định, khuyến khích tài chính và quan trọng nhất là chất lượng chi phí lao động.

theo The Hindu Business Line

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

“Sộp” hết cỡ mùa Black Friday: AEON MALL Huế tung loạt deal hời và cơn mưa quà tặng trị giá đến 230 triệu đồng

Bạn đã sẵn sàng tham gia siêu tiệc Black Friday lớn bậc nhất 2024 tại thành phố Huế chưa? Từ ngày 22/11 đến 01/12, tại AEON MALL Huế, nơi quy tụ hơn 120 thương hiệu đình đám cùng loạt ưu đãi lên đến 50% và chương trình khuyến mại đặc biệt với hàng ngàn quà tặng hấp dẫn trị giá đến 230 triệu đồng. Đừng bỏ lỡ nhé!