Số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật tăng vọt, chính phủ khuyến khích ở nhà nhưng vì sao người lao động vẫn ùn ùn kéo đến sở làm?

Jayden | 03-04-2020 - 12:01 PM

(Tổ Quốc) - Khi đại dịch Covid-19 ập đến Nhật Bản, nó vạch trần văn hóa làm việc lao lực và những lề thói cũ kỹ, khó bỏ trong cách vận hành doanh nghiệp ở xứ hoa anh đào.

Hình ảnh dân văn phòng vội vã "nhảy" tàu điện để đi làm xa nhà đã trở thành một đặc trưng khó quên của Tokyo. Nhiều tuần trước đây, Hideya Tokiyoshi, 52 tuổi, cũng là một dấu chấm nhỏ trong dòng người vội vã đó. Ông từ tỉnh Saitama lân cận đến Tokyo để dạy tiếng Anh. Nhưng hiện tại, Tokiyoshi đã chuyển sang dạy học trực tuyến khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, khiến hơn 1 triệu người nhiễm bệnh và hơn 53.000 người tử vong. Tuy nhiên vị giáo viên này chỉ là một trường hợp hiếm.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật tăng vọt, chính phủ khuyến khích ở nhà nhưng vì sao người lao động vẫn ùn ùn kéo đến sở làm? - Ảnh 1.

Thống đốc Yuriko Koike đã khuyến nghị 13,5 triệu người dân Tokyo làm việc từ xa đến hết ngày 12/4, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng cao liên tục ở thủ đô. Ngay sau đó, một số công ty lớn như Honda, Toyota, Nissan đã cho nhân viên làm tại nhà. Nhưng đó chỉ là thiểu số, hàng loạt người làm công ăn lương vẫn phải lao ra đường hàng ngày, chen chúc trên các tuyến tàu điện ngầm.

Tình cảnh này cũng xảy ra trên khắp mọi miền Nhật Bản, khi có khoảng 80% doanh nghiệp không đủ khả năng cho nhân viên làm việc từ xa. Hơn nữa, Thủ tướng Shinzo Abe đã từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, đẩy nhiều công ty vào tình thế lưỡng lự: chấp nhận thiệt hại kinh tế hay là mạo hiểm với sức khỏe của người lao động?

Họ rất khó chọn lựa, và một yếu tố gây đau đầu là văn hóa làm việc cật lực của người dân xứ sở Phù Tang. Theo số liệu của chính phủ năm 2016, cứ 5 nhân viên Nhật Bản thì có 1 người gặp nguy cơ chết vì lao lực. Tình trạng này phổ biến đến nỗi đã hình thành khái niệm "karoshi" - những người làm việc đến tử vong do các bệnh liên quan đến stress, hoặc do quá áp lực mà tự kết liễu sinh mạng.

"Các thông tin về virus corona đã in sâu vào tâm trí và khiến chúng tôi lo sợ hơn bạn tưởng tượng" - thầy giáo Tokiyoshi viết trên Twitter. "Nhưng đối với một người Nhật điển hình, làm việc là ưu tiên hàng đầu và cũng là cái cớ để khước từ mọi chuyện. Trừ khi chính phủ đóng cửa hầu hết hoạt động kinh doanh, sẽ không có ai ngừng làm việc. Chúng tôi là nô lệ của công việc".

Những người bảo thủ giữa một quốc gia công nghệ

Nhật Bản quyết định đăng cai Thế vận hội 2020 (đã bị hoãn) chính là để phô diễn cho cả thế giới về một quốc gia công nghệ, nơi có robot dẫn khách khứa đến tận chỗ ngồi và cũng là đất nước có thể phóng thiên thạch nhân tạo ra ngoài vũ trụ.

Nhưng ngược lại, người Nhật vẫn chuộng những lối cũ trong vận hành kinh doanh. Chẳng hạn như dù máy fax vô cùng phổ biến, nhiều người vẫn gửi đơn qua đường bưu điện, được niêm phong bằng tem giấy của công ty thay vì chữ ký điện tử.

Chuyện làm việc từ xa cũng vậy, dù nhiều công ty đã chuyển sang các phần mềm trực tuyến để kết nối nhân viên như Slack, Webex, Zoom... nhưng chúng vẫn rất xa lạ.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật tăng vọt, chính phủ khuyến khích ở nhà nhưng vì sao người lao động vẫn ùn ùn kéo đến sở làm? - Ảnh 2.

Ông Rochelle Kopp - chuyên viên tư vấn kinh doanh tại Interbrand, đã làm việc giữa Nhật Bản và Mỹ suốt hơn 30 năm nay - nói rằng hầu hết tập đoàn ở xứ hoa anh đào vẫn chưa đầu tư nghiêm túc vào công nghệ thông tin.

Nhiều nhân viên không có laptop và ông chủ cũng không thể quản lý từ xa. Để giải quyết vấn đề, Bộ Lao Động đã tung ra gói kích thích 77.000 USD giúp đỡ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ vẫn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế. Người phát ngôn của Hiệp hội làm việc từ xa - cô Misaki Togoshi - cho biết: "Chúng tôi đã nhận đến 25 lá đơn mỗi ngày từ hôm 9/3, gửi từ các công ty muốn nâng cấp hệ thống làm việc từ xa. Tuy nhiên nguồn quỹ có hạn và chúng tôi phải nói lời từ chối rất nhiều lần".

Một rào cản khác là dân số già hóa ở Nhật Bản, với khoảng 25% người trên 65 tuổi. Nhiều người lao động lớn tuổi không rành công nghệ. Ví dụ như năm 2018, Bộ trưởng An ninh mạng, 68 tuổi, thừa nhận ông chưa từng sử dụng máy tính trong cuộc đời.

"Mặc cho các phần cứng đã có sẵn, người lao động lớn tuổi vẫn không có đủ kiến thức và kinh nghiệm để sử dụng chúng. Có sự phân cấp rõ ràng về kĩ thuật số trong đội ngũ lao động Nhật Bản" - giáo sư kinh tế học Hisakazu Kato ở trường ĐH Meiji nhận xét.

Người lao động trong ngành dịch vụ chiếm đa số, khó mà làm việc từ xa

Hơn 70% nguồn nhân lực của Nhật Bản tập trung trong ngành dịch vụ, theo khảo sát chính phủ năm 2009. Họ gần như không thể chuyển đổi công việc sang nền tảng online.

Haru, hành nghề trị liệu mát-xa ở một trung tâm thương mại giữa Tokyo, ngày ngày vẫn bắt xe buýt đến nơi làm việc. Dù vậy, nhiều khách hàng đã hủy cuộc hẹn do dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng. "Tôi lo lắng về số người bệnh cứ tăng lên ở Tokyo, và tôi muốn ở nhà. Tâm trạng rất mâu thuẫn" - Haru nói.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật tăng vọt, chính phủ khuyến khích ở nhà nhưng vì sao người lao động vẫn ùn ùn kéo đến sở làm? - Ảnh 3.

Bebe Ishikawa là chủ doanh nghiệp cung cấp trái cây cho các tiệm bánh, khách sạn và nhà hàng tiệc cưới. Cô quản lý 5 nhân viên, tất cả đều cố đi làm do chính phủ chưa tuyên bố cấm di chuyển hay công bố các gói hỗ trợ kinh tế.

"Nếu họ đi tàu, tôi sẽ bảo họ đến trễ hoặc đến sớm một chút, tránh giờ cao điểm. Thậm chí đi taxi cũng được để khỏi lao vào dòng người đông đúc" - Ishikawa chia sẻ về phương án giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho các nhân viên.

Nữ doanh nhân hiểu rằng chỉ có cách phong tỏa toàn bộ mới hạn chế được khả năng lây lan của virus, nhưng cái giá phải trả là nhiều doanh nghiệp phá sản. "Nếu chúng tôi không giao hàng cho các đơn vị nhà hàng, họ sẽ không thể phục vụ thực khách và toàn bộ chuỗi cung ứng đều bị ảnh hưởng".

Nhật Bản hiện có 2.381 ca nhiễm Covid-19 và 60 người tử vong, 505 người phục hồi. Số liệu này bao gồm các trường hợp trên du thuyền Diamond Princess. Đáng chú ý, thủ đô Tokyo hiện là tâm dịch của cả nước với tổng cộng 684 bệnh nhân, ghi nhận bước tăng kỷ lục 97 người nhiễm mới trong ngày 2/4.

(Theo CNN)

Số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật tăng vọt, chính phủ khuyến khích ở nhà nhưng vì sao người lao động vẫn ùn ùn kéo đến sở làm? - Ảnh 4.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,