Trong những ngày này, chỉ cần lượn một vòng phố xá, trung tâm thương mại hay khu vực quanh các trường học là biết những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra. Những nơi tưởng chừng đông vui, náo nhiệt nhất cũng trở nên vắng vẻ. Dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, khiến cho nhiều cửa hàng đứng trên bờ phá sản và nhiều bạn sinh viên mất công ăn việc làm chỉ sau hơn một tháng nghỉ dịch.
Sinh viên thi nhau nghỉ việc, xin đi làm nhưng bố mẹ nhất quyết không cho
Ghé vào một quán ăn trên đường Bà Triệu, quán vắng ngắt và thưa thớt người ăn dù đang trong khung giờ cao điểm ăn trưa. Mọi người tự ý thức việc hạn chế ra đường, tránh tụ tập nơi đông người để bảo vệ sức khỏe. Dịch không chỉ ảnh hưởng mỗi tới doanh thu và lượng khách hàng mà còn gây khó khó khăn trong chính khâu vận hành đến từ nhân sự.
Kể từ thời điểm nghỉ Tết, nhiều trường đại học liên tục ra thông báo nghỉ học khiến nhiều sinh viên cũng không thể ổn định việc làm. Bạn Vân Hải (sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: "Mình đang làm nhân viên phục vụ ở quán ăn nhanh nhưng từ Tết đến giờ vẫn chưa ra được vì trường cho nghỉ suốt. Bố mẹ cũng vừa xót vừa sợ lây nhiễm nên nhất quyết không cho lên thành phố làm thêm".
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Kiều Trang (sinh viên năm ba ĐH Bách Khoa) cho biết vừa tranh thủ đi làm được 2 tuần thì cô bạn đã vội xin quản lý cho nghỉ thêm để tự cách ly tránh dịch. "Từ Tết đến giờ chỉ "lai rai" khách, có hôm chỉ 1 bàn với 3-4 người ăn uống, có hôm chẳng có khách nào. Cửa hàng mình cũng có một cơ sở tạm thời đóng cửa nên chị quản lý dãn cách lịch làm việc, mỗi ca chỉ còn 2-3 nhân viên trông quán. Tuần này vừa có thêm 2 bạn xin về quê tránh dịch như mình".
Các hàng quán rơi vào tình trạng "buồn tênh", bàn ghế đặt tràn lan ra vỉa hè nhưng chẳng có khách ngồi, chỉ có nhân viên chia nhau ra ngồi cho đỡ trống. Doanh số sụt giảm kèm theo tiền thuê mặt bằng đắt đỏ khiến nhiều cửa hàng bắt buộc phải ngưng hoạt động hay thậm chí "đuổi khéo" sinh viên. Thế là không ít bạn trẻ đành ngậm ngùi rơi vào cảnh thất nghiệp chỉ sau hơn 1 tháng nghỉ tránh dịch.
Hình ảnh một số cửa hàng quần áo ở "thiên đường mua sắm" Cầu Giấy.
Dù được nghỉ dịch nhưng không ít bạn trẻ vẫn cố gắng bám trụ trên thành phố tiếp tục đi làm thêm.
Không chỉ nhân viên phục vụ các quán ăn mà hầu như ngành nghề làm thêm nào cũng bị ảnh hưởng. Hàng loạt sinh viên bị cắt hợp đồng gia sư vì trường học cho nghỉ dài, chủ nhà cũng không muốn "tiếp chuyện" người lạ. Nhiều bạn trẻ cũng đến khóc ốm khi chủ doanh nghiệp không chấp nhận chờ đợi nhân viên vì họ vốn có nhiều sự lựa chọn.
"Mình đang làm Content Marketing ở một công ty ở Cầu Giấy. Công ty không cho sinh viên nghỉ quá 1 tuần, nếu không sẽ cắt hợp đồng. Nên mình định làm nốt đợt lương này rồi xin nghỉ, bố mẹ ở quê cũng sốt ruột tình cảnh khi mình ở mãi trên này lắm rồi", bạn Vân Anh (sinh viên năm 2 ngành Marketing) cho biết.
Thử thách còn đặt nặng hơn đối với các bạn sinh viên năm cuối đang đi thực tập. Dịch bùng phát khiến lịch thực tập bị từ chối rồi dời nhiều lần do hoạt động kinh doanh của các công ty đều ngưng trệ. Hay không ít người dù được nhận nhưng công ty hạn chế lên văn phòng khiến việc trao đổi thực tế, cọ xát với môi trường công sở bị ảnh hưởng. Có thể thấy, khi nào chưa hết dịch bệnh thì công việc làm thêm của các bạn sinh viên sẽ còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khi nào chưa hết dịch bệnh thì công việc làm thêm của các bạn sinh viên sẽ còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lối đi nào cho sinh viên "bẻ lái" tồn tại?
Khi hoạt động kinh doanh offline trở nên khó khăn, nhiều bạn trẻ đã tận dụng cơ hội để tìm kiếm việc làm mới. Thay vì tập trung vào các quán xá, quán nhậu, hàng ăn phục vụ tận bàn, nhiều người chuyển sang làm ở các địa chỉ chuyên ship hàng. Hay nhiều bạn trẻ chuyển hướng sang làm các công việc online ở nhà. Chẳng hạn như việc liên quan đến dịch thuật, quản lý website, chốt hàng online hay bán hàng trực tuyến... Đây là những công việc chỉ cần máy tính và cục wifi "nét căng" là bạn có thể dư sức kiếm tiền cho bản thân.
Một trong những công việc được không ít bạn trẻ chọn dịp này là đi làm shipper. Nhiều cửa hàng rất thiếu nhân viên giao thức ăn do lượng khách hàng đặt online tăng cao mùa dịch. Thậm chí vào giờ cao điểm, số đơn hàng có thể tăng lên gấp đôi. Cùng với việc đang trong thời gian nghỉ, một bạn trẻ shipper có kiếm được 500-600 nghìn mỗi ngày là chuyện hoàn toàn bình thường.
N.D (sinh viên năm cuối ĐH Điện lực) cho biết đã chuyển hẳn từ chuyên chạy Grabbike sang chạy Grab food: "Đi làm mùa dịch thì đương nhiên lo lắng và sợ rồi. Không biết người mình lai có làm sao không nên chỉ nhận những đơn ship đồ ăn hay hàng hóa thôi. Người ta tránh đi ăn ngoài nên số lượng gọi đồ lại tăng cao. Nhất là khoảng giữa trưa và chiều tối là cuốc nhảy liên tục".
Thay vì ngồi im chờ dịch hết, nhiều bạn trẻ chuyển làm ship hàng online hay làm các công việc ở nhà.
Một hướng đi an toàn hơn được nhiều bạn trẻ chọn là làm việc online tại nhà. Chỉ cần lên trang website trên mạng xã hội là thấy được rất nhiều công việc trực tuyến phù hợp với bản thân. Không ít sinh viên đã "mạnh dạn bẻ lái" làm các công việc online như dịch thuật, quản lý website...
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều bạn trẻ tỏ ra lạc quan và coi đây là thử thách phát sinh trong quá trình làm việc tương lai. "Công ty mình sụt giảm lượng khách đành phải cắt giảm nhân sự. Nhưng về quê cũng chỉ quanh quẩn ở nhà nên mình cùng vài người bạn đã xin được làm không lương, vừa có thêm trải nghiệm, vừa phần nào giúp công ty vượt qua được giai đoạn khó khăn này".
Điều quan trọng nhất là tự bảo vệ chính mình giữa mùa dịch!
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, ai ai cũng truyền tai nhau về những thông tin nguy hại xung quanh dịch Covid-19. Không ai phủ nhận việc làm thêm là cơ hội trải nghiệm kiếm tiền quý giá với sinh viên, tuy nhiên, đây cũng là quyết định mạo hiểm khi có bạn phải ngày ngày tiếp xúc với hàng trăm lượt khách.
Để đảm bảo an toàn cho cả nhân viên và khách, nhiều cửa hàng đã bắt buộc quy định an toàn cho nhân viên khi trước mỗi ca trực phải rửa tay sát trùng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách, trang bị nước rửa tay khô, dọn quầy bằng găng tay chuyên dụng hay đo thân nhiệt nhân viên trước khi bước vào ca trực.
Nhiều cửa hàng bắt buộc nhân viên phải tự bảo vệ chính mình và khách hàng bằng việc đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng trong ca làm việc...
Tuy vậy, cách bảo vệ bản thân mình tốt nhất đến từ sự ý thức của chính bản thân. "Trước và sau khi giao một cuốc hàng mình đều sát trùng lại bằng cồn khô, đảm bảo đeo khẩu trang 24/24. Trước khi ra khỏi nhà cũng có kẹp nhiệt độ xem bản thân có sốt hay ho gì không. Công việc thì có lo sợ thật nhưng nhiều quán hàng vẫn hoạt động bình thường, thu nhập cũng ổn định để mình trang trải việc học nên phải cố gắng hoàn thành công việc thôi", bạn N.D chia sẻ cách tự phòng dịch cho chính mình.
Lúc nào việc kiếm tiền nuôi sống bản thân cũng không hề dễ dàng, nhất là những khó khăn này sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Điều quan trọng hơn cả là sinh viên cần bình tĩnh tiếp nhận thông tin và có biện pháp phòng ngừa. Ngoài cách đeo khẩu trang đúng cách cần tăng cường tập thể dục thể thao, luôn dùng thuốc sát khuẩn khi đến nơi đông người và update thông tin liên tục từ nguồn tin chính thống. Như vậy không chỉ bảo vệ được bản thân mà còn hạn chế lây lan dịch bệnh với những người xung quanh.