Thời gian tháng 9 - tháng 10 hàng năm được coi là giai đoạn cao điểm của mùa tìm thuê trọ, bởi đây thường là lúc các tân sinh sẽ lên thành phố nhập học. Ngoài kí túc xá các trường đại học, không ít sinh viên chọn thuê trọ ở ngoài vì ưu điểm thoải mái giờ giấc, ăn uống thoải mái và có không gian yên tĩnh cho riêng mình. Nhưng đối với sinh viên tỉnh lẻ, việc tìm được cho mình một nhà trọ phù hợp là vấn đề nan giải vô cùng.
Thực tế, để tìm được một chỗ ở phù hợp với khả năng là không dễ dàng. Chưa kể, còn có những pha lừa đảo "treo đầu dê, bán thịt chó" liên quan đến phòng trọ khiến nhiều sinh viên không khỏi lo lắng.
Sinh viên bất lực nhìn nhà tăng giá ở mức... trên trời
Những ngày này, nhiều trường Đại học, Cao đẳng tại Hà Nội đang bắt đầu đón các bạn tân sinh viên trúng tuyển tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Đây cũng là thời điểm sinh viên cũ quay lại trường học. Số người có nhu cầu tìm phòng trọ, đổi phòng trọ tăng cao đột biến. Lợi dụng cơ hội này, nhiều chủ trọ liên tục tăng giá tiền phòng, tiền điện, nước để kiếm lời.
Theo ghi nhận, tình trạng tăng giá trọ năm nay ở nhiều khu vực nội thành Hà Nội đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây bức xúc không nhỏ trên MXH.
Theo quan sát của phóng viên, các khu vực gần những trường đại học lớn như Dịch Vọng, Trần Thái Tông (Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Chùa Láng, Pháo Đài Láng, Láng Hạ (Đống Đa)... hầu như các khu cho thuê trọ đều kín khách thuê. Để tìm được căn còn trống không dễ dàng ở thời điểm này, nếu còn thì là những căn có giá thuê cao.
Tại quận Cầu Giấy, nơi tập trung rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng, giá phòng trọ cũng tăng cao chóng mặt. Để có thể thuê một căn phòng bình dân, gần trường trong vòng bán kính khoảng 1km đổ lại, sinh viên phải bỏ ra số tiền từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng
Với ngân sách khoảng 8 triệu đồng, bạn Đức Toàn (24 tuổi) cho biết bất lực trong việc tìm thuê một căn hộ chung cư mini tại khu cực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Đống Đa. Đặt mục tiêu tìm phòng tầm 2 triệu đến 2 triệu rưỡi nhưng bây giờ Toàn đành chấp nhận tìm cả những căn phòng với mức giá 3 triệu hoặc dưới 4 triệu.
“Mình không ngờ việc thuê nhà lại khó khăn như vậy. Mình đã xem trực tiếp rất nhiều phòng, nhưng hầu hết chất lượng phòng đều không xứng với giá mà chủ trọ đề ra.
Ví dụ như dưới Nguyễn Xiển, căn đó vệ sinh vô cùng bẩn, rác vứt đầy hành lang không dọn dẹp, các đồ đạc lộn xộn, nhưng giá cũng đã 3 triệu chưa tính các khoản chi phí khác. Có căn 2 phòng ngủ chỉ chia nhau bởi 1 vách nhựa và giường tủ, phòng trống trơn nhưng giá cũng đã 7 triệu rưỡi đến 8 triệu/tháng".
Toàn cho biết thêm đa phần các phòng cho thuê bây giờ đều vệ sinh chung nhưng chất lượng đảm bảo sạch sẽ đều chưa có. Thuê chung nên cũng khả năng mất đồ cũng cao. Với những chỗ khép kín thì giá rất cao, nội thất cơ bản diện tích 15-18 mét vuông nhưng giá phòng cũng đã lên đến 3 triệu/ tháng.
Những khu nhà trọ ẩm thấp với chất lượng xuống cấp nghiêm trọng
Tương tự, bỏ ra 4 triệu để thuê một căn phòng tầng 3 của dãy trọ gần Đại học Ngoại thương nhưng Mai Hương (sinh viên năm nhất ngành Quản trị kinh doanh) vẫn không hề vừa lòng với chất lượng dịch vụ tại đây.
"Khi mình đọc trên mạng, bác chủ rao rằng có bình nóng lạnh, hành lang thoáng rộng nhưng khi đến nơi thì phòng ốc trống trơn, chẳng hề có vật dụng gì. Hành lang được quảng cáo rộng rãi nhưng chỉ vừa đủ đặt một kệ nhỏ kê bếp ga một để nấu nướng".
Tuy nhiên, vì mới từ Bắc Giang lên Hà Nội nên Thu vẫn muốn ổn định chỗ ở trước rồi tính tiếp: "Đi lại đường sá xa xôi nên mình thuê tạm căn nhà này cạnh trường. Ý định của mình là khi nào tìm được căn khác giá hợp lý hơn thì sẽ chuyển đi".
Không có đủ tiền để thuê những căn phòng bình dân, nhiều bạn trẻ phải "hạ cấp", tìm thuê trọ ở những khu nhà ổ chuột hết sức tạm bợ. Những ngôi nhà cấp 4, không có khu vệ sinh khép kín, sử dụng nước giếng khoan thay vì nước máy... nhưng giá vẫn từ 3 đến 4 triệu đồng.
Đường đi vào nhiều khu trọ ẩm thấp, lầy lội
... Và trên hết là giá thuê không hề rẻ.
Giá điện, nước leo giá đến mức "cắt cổ"
Theo khảo sát, một số khu vực trọ tại Nguyễn Phong Sắc, Đại La, Lê Thanh Nghị... đều rục rịch lên kế hoạch tăng giá từ 100.000 - 250.000 đồng/tháng. Tiền điện cũng tăng 500 đồng mỗi kWh, nước tăng 2.000 - 4.000 đồng mỗi m3. Nhà riêng, tiện nghi đầy đủ, có bình nóng lặnh, Internet thì mức tăng mạnh, lên tới 250.000 - 300.000 đồng mỗi tháng. Trường hợp nhà dãy, chung khu vệ sinh thì mức tăng "nhẹ nhàng hơn", khoảng 100.000 - 200.000 đồng.
Trong bảng quảng cáo giá thuê phòng thường không ghi kèm giá điện nước. Nhiều bạn sinh viên không hỏi kỹ thường bị chủ trọ tận thu với mức giá... trên trời.
Thu Trang (sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, cô bạn thuê trọ từ đầu năm và giá điện tính đến thời điểm hiện tại đã tăng 3 lần. Hồi đầu năm, tiền điện khoảng 2.500 đồng/kWh, sau tăng lên thành 4.000 đồng/ kWh và đến nay, tạm thời dừng ở con số 4.500 đồng.
"Tuy nhiên khi đem điều này đi hỏi thì bác chủ bảo rằng điện, nước nhà bác ấy phải tính theo giá hộ kinh doanh rồi còn cộng thêm tiền điện bơm nước, hao mòn bể chứa, công tơ điện... nói qua nói lại một hồi cuối cùng bọn mình cũng đành chịu thua", Trang chia sẻ.
Thanh Thảo (sinh viên Đại học Ngoại thương) cũng tâm sự, vì giá điện quá đắt nên cô bạn luôn phải chú ý tiết kiệm điện, nước từng chút một.
"Phòng mình có 2 người nên bọn mình bảo nhau, mỗi khi rửa rau, giặt quần áo xong sẽ cho nước đó vào một cái xô, dùng để dội khi đi vệ sinh. Ra khỏi phòng là tắt điện, tắt quạt, hạn chế bật điện khi không cần thiết.
Vẫn biết rằng việc chủ kinh doanh dịch vụ tăng giá theo cung - cầu là điều khó tránh. Nhưng sẽ rất bất cập cho sinh viên nếu như chủ trọ cứ mượn cớ giá điện, giá xăng, giá thực phẩm mới... để tăng giá phòng, khiến sinh viên chúng mình rất chật vật".
Khung cảnh ở những xóm trọ sinh viên bình dân tại Hà Nội
Do nhu cầu nhà trọ luôn có sẵn, khách trọ phải đỏ mắt tìm nơi ở nên chủ nhà luôn nắm đằng chuôi. Thậm chí khách thuê muốn ký dài hạn cũng khó khăn, không ít trường hợp chủ nhà chỉ cho thỏa thuận 2 tháng một để họ có thể tăng giá bất cứ lúc nào.
Bà Nguyễn Phương, chủ một khu nhà trọ ở Chùa Láng cho biết, thời điểm này rất đông tìm người thuê nhà gần trường đại học để thuận tiện cho việc đi lại và học tập. Khu nhà trọ với 10 phòng khép kín của bà đã cho thuê kín phòng, hiện còn 1 phòng sinh viên chưa lên nhưng gia đình đã đặt cọc từ trước để cuối tháng 9 lên nhập học.
Lý giải về việc tăng giá trọ, bà Phương chia sẻ: "Nói là tăng giá song chúng tôi vẫn phải tự sửa sang, cải tạo và đóng thuế hàng tháng nên tính ra lời lãi cũng không đáng là bao. Ở đây tôi cho thuê giá 3-4 triệu đồng/ tháng, phòng rộng có thể ở được 2-3 người nên sinh viên rất thích, có thể rủ nhau ở cùng đỡ chi phí hàng tháng, còn điện nước thì tính theo số, theo khối nên tùy thuộc vào các bạn ở đây dùng ít hay nhiều để cân nhắc cho hợp lý"
Theo quy định tại khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Đồng thời, người cho thuê thu lợi bất hợp pháp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt.