Nguyên tắc 4T bao gồm Thỏa thuận – Thấu cảm– Thỏa hiệp – Trao đổi. Đây là nguyên tắc mà "Sinh Con, Sinh Cha" – Chương trình giáo dục cộng đồng do Generali Việt Nam và Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN) phối hợp xây dựng và triển khai, đã gửi gắm tới các vị phụ huynh thông qua video thứ 7 của loạt tiểu phẩm học làm cha mẹ "Sinh Con, Sinh Cha".
Thỏa thuận
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh", cha mẹ cần dự đoán trước những tình huống có thể xảy ra và cùng con thỏa thuận ngay từ đầu. Ví dụ, trước khi đi siêu thị, cha mẹ hãy trao đổi trước với con về danh sách cần mua, cho con đưa ra ý kiến và đạt được sự nhất trí với kế hoạch đó cùng con.
Khi trẻ ăn vạ, cha mẹ có thể nhắc lại thỏa thuận trước đó, không quên gọi tên cảm xúc cho trẻ: "Mẹ biết con đang rất buồn vì không được mua kem, nhưng trước khi đi mẹ con mình đã thỏa thuận là hôm nay con sẽ mua sữa chua mà. Mình đã đập tay thống nhất rồi, con của mẹ là chàng trai/cô gái giữ lời hứa và rất hiểu chuyện nhỉ." Việc nhắc lại thỏa thuận và "dán nhãn" hiểu chuyện, giữ lời hứa sẽ có tác động vào tiềm thức của trẻ và giúp trẻ hành xử cho đúng với "tiêu chuẩn" vừa được dán nhãn.
Hỏi ý kiến và thống nhất kế hoạch trước cùng giúp bố mẹ xử trí tốt hơn tình huống trẻ ăn vạ
Thấu cảm
Thái độ của cha mẹ thậm chí sẽ quan trọng hơn nội dung nói. Cần tránh không dùng thái độ dè bỉu, mắng mỏ và chụp cho trẻ chiếc mũ "hư đốn". Thay vào đó, cha mẹ cần cho trẻ cảm nhận được sự cảm thông và rằng mình luôn "cùng phe" với trẻ, bảo đảm trẻ hiểu rằng bạn đang muốn cùng trẻ giải quyết vấn đề. Hãy giữ thái độ cảm thông như lúc gọi tên cảm xúc và nhắc lại thỏa thuận như trên.
"Bố/ mẹ biết là kem thật ngon, thật mát. Nhưng mình có thể mua sữa chua về và cho vào ngăn đá, thế là mình sẽ có sữa chua kem, được không?" Khi nhận được sự cảm thông của cha mẹ, cơn giận của trẻ sẽ dịu lại và sẵn sàng để lắng nghe.
Thỏa hiệp
Dù giải pháp đưa ra là gì, hãy đảm bảo đó là giải pháp dựa trên tinh thần thỏa hiệp. Bởi nếu là giải pháp "trẻ thắng – bạn thua", hãy chuẩn bị tâm lý cho những cơn ăn vạ không hồi kết trong tương lai. Ngược lại, nếu là giải pháp "trẻ thua – bạn thắng", chắn chắn cơn ăn vạ – nếu có chấm dứt – sẽ là trong đòn roi và nước mắt và chỉ là giải pháp tạm thời.
Cha mẹ cần thỏa hiệp với thái độ chân thành, tôn trọng và yêu thương. Thỏa hiệp có thể là linh hoạt cho phép trẻ được lựa chọn và tránh những câu hỏi có/ không hay áp đặt. Linh hoạt nhưng nhất quán, hãy cho trẻ hiểu nếu trẻ làm sai kế hoạch thì trẻ phải đưa lựa chọn, phải thỏa hiệp, chứ không thể có được tất cả. Ví dụ: "Như đã thống nhất, hôm nay mình không mua kem mà sẽ mua sữa chua, nên con chọn nhé một là mình mua sữa chua đúng thỏa thuận, hai là mình sẽ phải bỏ lại sữa chua để mua kem nhưng lần sau chúng ta sẽ hạn chế không mua kem hay bánh kẹo nữa."
Trao đổi
Mỗi cơn ăn vạ của trẻ là một cơ hội để cả con và cha mẹ học được nhiều bài học. Trong khi con học được khái niệm cam kết, giữ lời, kỹ năng thương lượng, kiểm soát cảm xúc, thì cha mẹ cũng học được sự kiên nhẫn, tôn trọng, nhất quán và xử trí linh hoạt. Vì vậy, đừng bỏ qua cơ hội giúp đôi bên rút ra những bài học này khi cùng con trao đổi về sự việc đã qua.
Trao đổi chân thành cùng trẻ sau mỗi lần ăn vạ sẽ giúp giảm dần các cơn ăn vạ trong tương lai thậm chí trẻ sẽ bỏ thói quen xấu này.
Nếu con hợp tác và giữ cam kết, hãy khen ngợi, ghi nhận và "dán nhãn" tích cực cho trẻ như "Con đã giữ lời hứa rất tốt, mẹ cảm ơn con, lần sau con phát huy nhé!", "Ba rất vui vì con đã kiểm soát cảm xúc thật tốt, con là một em bé rất ngoan, ba rất tự hào về con". Nếu con đã nhất quyết phá vỡ cam kết, bạn đừng quên chia sẻ với trẻ rằng điều đó đã khiến cho bạn đã cảm thấy như thế nào và mong muốn lần sau đôi bên có thể hợp tác tốt hơn.
Cha mẹ cũng cần lưu ý một số nguyên tắc khác để phòng tránh các cơn ăn vạ của trẻ. Trước tiên, chính là đảm bảo trẻ ở trong trạng thái tốt. Theo các bác sĩ nhi khoa, trẻ có khuynh hướng dễ ăn vạ hơn khi đang đói, mệt, nóng, lạnh, đang ốm… Bên cạnh đó, nếu cha mẹ có tính cách dễ nổi nóng, con cái cũng dễ bộc phát cảm xúc theo hướng tiêu cực.
Có một cách giúp hạn chế các cơn ăn vạ hiệu quả mà cha mẹ không ngờ tới, chính là dành thời gian chất lượng cho con. Đây là chủ đề mà "Sinh Con, Sinh Cha" lựa chọn đưa ra ngay từ tập đầu tiên. Thomas Gordon tác giả cuốn "Nghệ thuật dạy con hiệu quả" cho biết trẻ con thích khoai tây chiên đến nỗi có thể ăn cả miếng đã bị ỉu chứ không bỏ chúng đi. Trẻ con cần sự quan tâm của cha mẹ đến nỗi các bé thà nghe chúng ta bực bội, to tiếng còn hơn ngó lơ chúng. Đứa trẻ nhận được ít sự quan tâm của cha mẹ, sẽ có khuynh hướng "làm chuyện gây chú ý". Còn khi trẻ có cảm giác mình được yêu thương, được bố mẹ tự hào về mình, trẻ sẽ có xu hướng làm những việc khiến cha mẹ thấy tự hào thật, việc ăn vạ cũng rất ít khi xảy ra.