Siêu tên lửa Mỹ lên bệ phóng: Hồi hộp chờ ngày 'quái vật bay' làm cả thế giới kinh ngạc!

Trang Ly | 17-06-2022 - 11:00 AM

(Tổ Quốc) - SLS chính là niềm kiêu hãnh cho những kế hoạch chinh phục không gian mới của NASA thế kỷ 21.

NASA SẴN SÀNG CHO NỖ LỰC THỨ 4

Tên lửa đẩy Mặt Trăng Artemis I của NASA, siêu tên lửa đầu tiên của Hệ thống Phóng Không gian - tính từ siêu tên lửa Saturn V huyền thoại thời Apollo thế kỷ 20 - đã quay trở lại bệ phóng để thực hiện một cuộc kiểm tra nhiên liệu quan trọng trong tháng 6 này.

Hệ thống Phóng Không gian (viết tắt là SLS) của cơ quan NASA [được lên kế hoạch thực hiện sứ mệnh Artemis I lên Mặt Trăng vào tháng 8/2022 đã bị chậm trễ do nhiều lần bị hoãn vì lỗi kỹ thuật] hiện đang ở trên Launch Pad 39B tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy (KSC) ở bang Florida - sẵn sàng cho một cuộc thử nghiệm tiếp nhiên liệu kéo dài 3 ngày, bắt đầu vào ngày 18 tháng 6.

Siêu tên lửa Mỹ lên bệ phóng: Hồi hộp chờ ngày quái vật bay làm cả thế giới kinh ngạc! - Ảnh 1.

Tên lửa đẩy Mặt Trăng Artemis I của NASA, siêu tên lửa đầu tiên của Hệ thống Phóng Không gian, trên Launch Pad 39B vào rạng sáng ngày 12 tháng 6 năm 2022 trong một buổi phát trực tiếp của NASA. Ảnh: NASA TV

Siêu tên lửa SLS đã sẵn sàng cho lần thử thứ tư trong cuộc thử nghiệm tiền phóng cuối cùng trước khi cất cánh lên không gian, CNN trích dẫn thông báo mới nhất từ các quan chức NASA.

Cuộc thử nghiệm quan trọng, được gọi là cuộc diễn tập tiền phóng, mô phỏng mọi giai đoạn phóng mà tên lửa không rời bệ phóng và đảm bảo rằng tất cả các hệ thống mặt đất đã sẵn sàng. Buổi diễn tập diễn ra tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida, Mỹ.

Quá trình này bao gồm việc nạp thuốc phóng siêu gấp, trải qua quá trình phóng mô phỏng đếm ngược đầy đủ, đặt lại đồng hồ đếm ngược và tháo cạn các thùng nhiên liệu tên lửa.

Kết quả của buổi diễn tập tiền phóng sẽ xác định thời điểm siêu tên lửa SLS có đủ điều kiện để khởi động loạt sứ mệnh lên Mặt Trăng và quay trở lại Trái Đất hay không. Sứ mệnh (nếu thành công) sẽ khởi động Chương trình Artemis của NASA, dự kiến đưa con người trở lại Mặt Trăng (bao gồm 2 phi hành gia: Một người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng) vào năm 2025.

Ba lần thử trước đó trong cuộc diễn tập tiền phóng vào tháng 4/2022 đều không thành công. Các nguyên nhân đều đến từ việc rò rỉ nguyên liệu cũng như các nguyên nhân về kỹ thuật khác. NASA đã khắc phục được tất cả các lỗi này và sẵn sàng cho lần thử thứ tư này.

Trước đó, NASA đưa tên lửa Mặt Trăng Artemis I cao 98 mét [bao gồm Hệ thống Phóng Không gian SLS và tàu vũ trụ Orion xếp chồng lên nhau] trở lại bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida vào ngày 6/6.

DIỄN TẬP TIỀN PHÓNG: KHÂU QUAN TRỌNG CUỐI CÙNG

Theo NASA, các nhóm phóng (gồm đội kỹ thuật, chuyên gia phóng SLS) báo cáo rằng họ đã hoàn tất mọi khâu để cho SLS thực hiện nỗ lực thử thứ tư chính thức vào đầu tuần tới. Nếu mọi việc suôn sẻ, NASA sẽ cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho tên lửa SLS vào ngày 20/6.

Cuộc diễn tập tiền phóng chính thức sẽ được phát sóng trực tiếp trên trang web của NASA, với phần bình luận, bắt đầu lúc 7 giờ sáng theo giờ Miền Đông (ET) vào thứ Hai 20/6.

Cuộc thử nghiệm kéo dài hai giờ đồng hồ sẽ bắt đầu vào buổi chiều, với khâu đếm ngược đầu tiên lúc 2:40 chiều theo giờ ET.

Siêu tên lửa Mỹ lên bệ phóng: Hồi hộp chờ ngày quái vật bay làm cả thế giới kinh ngạc! - Ảnh 3.

Siêu tên lửa SLS bên trong tòa nhà lắp ráp ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Ảnh: NASA

Đầu tiên, nhóm phóng sẽ đếm ngược đến 33 giây trước khi phóng SLS, sau đó dừng chu kỳ. Đồng hồ sẽ được đặt lại, sau đó đồng hồ đếm ngược sẽ tiếp tục trở lại và chạy cho đến khoảng 10 giây trước khi khởi chạy.

"Trong quá trình thử nghiệm, các nhóm phóng sẽ diễn tập các thao tác nạp thuốc phóng vào thùng tên lửa SLS, tiến hành đếm ngược thời gian phóng toàn bộ, chứng minh khả năng tái chế đồng hồ đếm ngược và rút cạn thùng nhiên liệu" - NASA cho biết.

Charlie Blackwell-Thompson, Giám đốc phóng Artemis của Chương trình Hệ thống Mặt đất Thăm dò của NASA, cho biết các nỗ lực diễn tập tiền phóng trước đó đã hoàn thành nhiều mục tiêu trong danh sách để chuẩn bị phóng tên lửa.

"Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong khoảng thời gian này", cô nói. "Nhóm của chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng".

Nhóm phóng hiện đang xem xét khả năng có thể để đưa tên lửa Mặt Trăng Artemis I lên đường lên Mặt Trăng vào cuối mùa hè 2022: Có thể là từ 23 tháng 8 đến 29 tháng 8; hoặc từ 2 tháng 9 đến 6 tháng 9 và hơn thế nữa.

NASA cho biết, sau khi khối tên lửa SLS hoàn thành buổi diễn tập tiền phóng quan trọng, nó sẽ quay trở lại Tòa nhà lắp ráp phương tiện của Trung tâm vũ trụ Kennedy để chờ ngày phóng lên Mặt Trăng, thực hiện sứ mệnh Artemis giai đoạn 1.

Có một lịch sử lâu dài đằng sau quá trình gian khổ để thử nghiệm các hệ thống phóng mới trước khi phóng tên lửa và những gì mà nhóm Artemis phải đối mặt đều tương tự như những gì mà các nhóm thời đại tàu con thoi và Apollo đã trải qua ở thế kỷ 20, bao gồm nhiều lần thử nghiệm và sự chậm trễ trước khi phóng lên vũ trụ.

Diễn tập tiền phóng của SLS là một thử nghiệm quan trọng để đảm bảo rằng NASA có thể cung cấp nhiên liệu cho tên lửa khổng lồ để phóng và các hệ thống của họ đã sẵn sàng cho chuyến đi lên Mặt Trăng. Theo kế hoạch, SLS sẽ phóng tàu vũ trụ Orion xung quanh Mặt Trăng như một chuyến du hành không người lái để thích nghi với mọi điều kiện trước khi bước sang kế hoạch Artermis II trước khi sang sứ mệnh Artemis III - Khi đó người Mỹ chính thức đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng thế kỷ 21.

Nếu làm được điều đó, thì lịch sử ghi nhận Mỹ là quốc gia duy nhất tính đến nay (và tính đến thời điểm Artemis III thành công) đưa được người đổ bộ Mặt Trăng!

Cơ quan vũ trụ của Mỹ sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 21 tháng 6 lúc 11 giờ sáng EDT (15:00 GMT) để thảo luận về kết quả của cuộc diễn tập tiền phóng quan trọng này.

NASA gọi Hệ thống Phóng Không gian (SLS) của mình là siêu tên lửa Mega Moon. Với kinh phí cực khủng, cùng sức mạnh tạo ra lực đẩy 39,1 Meganewtons; đạt tốc độ 39.438 km/giờ và khả năng chở được 27 tấn hàng hóa lên Mặt Trăng, SLS chính là niềm kiêu hãnh của những kế hoạch chinh phục không gian mới của NASA thế kỷ 21.

Nguồn: CNN, SPACE

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM