Trương Lý Hoàng Phi là cái tên quen thuộc trong giới startup. Chị là Shark Phi nghiêm túc và cẩn trọng của Shark Tank Việt Nam mùa 1, là Giám đốc Trung Tâm Hỗ trợ thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) – nơi tổ chức cuộc thi thường niên Startup Wheel từ năm 2011, mỗi năm thu hút khoảng 1.500 startup tham dự, đồng thời là một nữ CEO truyền cảm hứng của VinTech City - mô hình Thung lũng Silicon Việt Nam của Vingroup.
Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3, chúng tôi xin trích lược những chia sẻ của vị CEO nhiều năm gắn bó startup Việt dưới đây.
Bài toán khó nhất của startup Việt
Tôi thấy mình là người có nhiều may mắn trong sự nghiệp của mình. Trước đây, ở vị trí cố vấn, đầu tư cho những nhà sáng lập doanh nghiệp trẻ, tôi được tiếp xúc với những người có đam mê cháy bỏng, những ước mơ đáng theo đuổi. Phần lớn những người khởi nghiệp trẻ tuổi đều lạc quan và nhiều ước mơ lớn. Thậm chí, có những người khởi nghiệp chỉ vì một đam mê, thiếu đánh giá rủi ro và cả những thứ cần thiết để "nuôi sống" đam mê đó.
Còn tại VinTech City, tôi được tiếp xúc và làm việc với các nhà nghiên cứu ứng dụng. Họ có điểm chung ở đam mê, sự sáng tạo và đa số họ làm việc tận tâm để mang sản phẩm ra thị trường khởi nghiệp. Dù ở vai trò nào, tôi cũng được làm công việc mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng khoa học và khởi nghiệp.
Khởi nghiệp đang là một phong trào nở rộ trong giới trẻ những năm gần đây. Thống kê cho biết đến 90% startup thất bại, nhưng tôi không gọi đó là THẤT BẠI, mà gọi là BÀI HỌC. Bởi ai muốn đi đến cuối con đường để "hái quả ngọt" thì phải là những chiến binh không ngại khó khăn, thử thách, và đó là một hành trình rất dũng cảm và đầy trải nghiệm.
Tất cả doanh nghiệp khởi nghiệp đều có những khó khăn khác nhau và những lợi thế khác nhau, nhưng khó nhất vẫn là bài toán về quản trị. Nếu các nhà sáng lập và đội ngũ quản lý không học tập và cải tiến liên tục, thì khó mà vượt qua được.
Ngoài ra, nhà sáng lập phải luôn thành thật với bản thân về điểm mạnh và yếu của doanh nghiệp cũng như có đủ can đảm để thay đổi những điểm yếu "cốt tử" giúp doanh nghiệp vươn lên. Nhưng, phải thừa nhận rằng, thành thật với bản thân và quyết tâm hiệu chỉnh đều không dễ dàng.
Ý tưởng nên cho không đi, thực thi mới tạo nên sự khác biệt
Một câu tôi nghe rất nhiều khi gặp các bạn startup là "Em có một ý tưởng đột phá"
BSSC – nơi tôi làm Giám đốc – tổ chức một cuộc thi Startup Wheel, cuộc thi mà năm nay là mùa thứ 8 hoặc 9, với số startup tham dự mỗi năm khoảng 1.500 - một con số đủ lớn để chúng tôi phải nghe rất nhiều ý tưởng.
Lúc đầu tôi luôn ấn tượng vào ý tưởng các bạn trình bày. Nhưng tôi nghĩ cái gì cũng chỉ là ban đầu. Khi nghe nhiều, mình sẽ thấy đừng nên nghĩ ý tưởng là cái gì quá to tát.
Mỗi ngày khi đi ra đường, mình thấy bất cứ vấn đề gì đều sản sinh ý tưởng để giải quyết nó. Nhưng ý tưởng đó chỉ thoáng qua và biến mất nếu chúng ta không làm gì cả. Nhiều bạn nói với tôi bạn có ý tưởng rất đột phá, nhưng đột phá không nằm ở ý tưởng. Đột phá nằm trong cách tỉ mỉ làm, làm hàng ngày, và từ việc làm đi làm lại mà tìm được con đường đi. Giống như ai cũng nghĩ có một con đường lớn để đi thì tất cả con đường đó sẽ kẹt xe. Một số người chọn cách làm khác: Đi mỗi ngày và tìm ra một con đường khác. Tôi nghĩ đó mới là thứ quyết định cho việc startup có đáng giá hay không.
Tôi có một người thầy. Thầy hay nhắc tôi: "Ý tưởng là thứ nên cho không. Cách làm mới là thứ tạo nên sự khác biệt". Đó mới là công thức.
Ai cũng có thể nói tôi có ý tưởng nấu phở. Nhưng công thức tạo ra một món phở ngon không phải ai cũng có. Đó là vấn đề quan trọng nhất mà khi các bạn gặp nhà đầu tư, nên tập trung vào khả năng thực thi của mình nhiều hơn vào việc nói "Ý tưởng của em là đột phá". Bởi không có ý tưởng gì là đột phá bền vững. Chỉ có đội ngũ và năng lực thực thi là cái bền vững mà thôi.
Một số bạn có ý tưởng đã tính chuyện đăng ký sở hữu trí tuệ, nhưng ý tưởng của bạn đủ sắc bén hay không? Nếu chia sẻ mà người khác không có gì ấn tượng, thì thực sự ý tưởng của chúng ta có vấn đề, cho nên thực ra mình đừng nghĩ chuyện phải bảo vệ.
Ý tưởng là một thứ cần nên chia sẻ với người khác. Chia sẻ đi xem người ta có suy nghĩ giống mình không. Nhiều khi chia sẻ xong mới biết thì ra thế giới người ta làm đầy cách như mình...
Cách "nhìn người" của cá mập đầu tư bằng vài câu hỏi
Khi một nhà đầu tư quyết định rót vốn, giai đoạn rót vốn càng sớm thì việc rót vốn càng phụ thuộc vào con người. Khi startup ấy chưa có gì, tất cả do con người xây, nên định giá về con người, ở giai đoạn càng sớm, càng chiếm tỷ trọng cao hơn.
Thông thường để định giá team tôi có một vài câu hỏi:
1- Mỗi ngày các bạn dành bao nhiêu thời gian cho chính điều bạn đang nói? Nhiều khi các bạn nói "Em rất đam mê", nhưng hàm lượng thời gian các bạn dành cho điều đó không đủ, công sức đóng góp vào không đủ, thì việc nói các bạn mê lại không còn nhiều ý nghĩa.
2- Kinh nghiệm làm việc trên lĩnh vực này của bạn thế nào? Thời gian đầu tư và kinh nghiệm làm việc trên lĩnh vực kêu gọi đầu tư sẽ quyết định việc mình có nên đầu tư cho bạn hay không. Nhiều khi, người Việt hay "bắt trend", theo xu hướng, mà thực ra trend không giải quyết quá nhiều vấn đề nếu không biết phần lõi bên trong.
Cho nên, startup không nên viện dẫn về sự tập trung cho việc tạo ra sản phẩm mà quên mất việc cập nhật minh bạch thông tin doanh nghiệp, nhất là vấn đề tài chính
Hay như chúng ta thường hay nói chuyện một mô hình này bắt chước một mô hình khác, thực tế bắt chước không thể nào thành công được. Chỉ có cách tìm tòi, khám phá, dựa vào hàm lượng thời gian mình bỏ ra, và kinh nghiệm mình làm trên chính ý tưởng của mình mới tạo ra giá trị thực sự.
Về cách thức gọi vốn của các startup, nếu xem mình như một đầu bếp, thì các startup không nên chỉ tập trung vào việc bày biện món ăn sao cho hấp hẫn trên bề mặt, mà cần tập trung từ khâu chọn nguyên liệu đến quá trình nấu nướng.
Hầu hết các nhà đầu tư đều là những người nhiều kinh nghiệm trên thương trường, và hơn một lần khởi nghiệp, nên họ thường là người đủ tinh tế để nhìn thấy hành trình bạn "nấu nướng". Tất nhiên, "khẩu vị" mỗi "thực khách" cũng khác nhau, nhưng nhà đầu tư rất cẩn trọng. Vì vậy, các startup đừng chỉ tập trung vào giai đoạn bày biện, mà nên chăm chút vào cả một quá trình.
Một khó khăn lớn cho nhà đầu tư chính là sự minh bạch về thông tin và tài chính của startup. Cho nên, startup không nên viện dẫn về sự tập trung cho việc tạo ra sản phẩm mà quên mất việc cập nhật minh bạch thông tin doanh nghiệp, nhất là vấn đề tài chính.
Một khó khăn lớn nữa mà nhà đầu tư như tôi thường gặp, đó chính là không có nhiều thời gian đồng hành cùng startup. Tôi trải qua nhiều "bài học đắt giá" khi không dành đủ thời gian để theo dõi, giám sát cho doanh nghiệp mà mình đầu tư. Và tôi cũng không đủ quyết liệt với đội ngũ quản lý các công ty khởi nghiệp khi đưa ra khuyến nghị, yêu cầu thay đổi trong vận hành.