"Virus Corona sẽ làm phá sản nhiều người hơn số người mà nó giết chết", Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn Nexttech nhận xét ngắn gọn như vậy về tác động của khủng hoảng do virus Sars-Cov-2 gây ra tại sự kiện online "Chiến lược thời khủng hoảng Covid - Bán hàng hay là chết" tổ chức sáng 24/3.
So với cuộc khủng hoảng bong bóng dotcom năm 2001 hay cuộc suy thoái toàn cầu 2007-2008, Shark Bình đánh giá cuộc khủng hoảng lần này nguy hiểm hơn khi vừa giảm cầu, vừa giảm cung, vừa bao trùm tâm lý sợ hãi, làm mọi người rơi vào trạng thái "đóng băng" và "ngủ đông".
Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả là dư âm ảm đạm sau đại dịch.
"Giả sử 2-3 tháng nữa dịch qua đi thì thói quen tiêu dùng sau đấy của nhiều người cũng co thắt lại, vì họ sợ vấn đề tương tự trong tương lai xảy ra, họ thắt chặt chi tiêu hơn".
Dẫn thông tin từ New York Times cho biết 73% người tiêu dùng Mỹ không có khoản tích lũy tiết kiệm mà dựa vào tín dụng, nếu mất việc sẽ không thể xoay sở tiếp, Shark Bình nhìn nhận cuộc khủng hoảng này sẽ làm người Mỹ thay đổi thói quen chi tiêu. Khi nền kinh tế hàng đầu thế giới thay đổi, nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ cũng sẽ gặp khó.
"Tôi có nhiều người bạn đang xuất khẩu đồ gỗ, dệt may sang Mỹ. Họ nói rằng đơn hàng mới giảm 70-100% vì khủng hoảng nhu cầu. Còn trong nước chúng ta cũng phải lường trước nguy cơ nhu cầu sẽ sụt giảm trong 1-2 năm nữa trước khi mọi người hoàn hồn để quay lại được mức tiêu dùng giống 2019", Shark Bình cảnh báo.
Từ trái qua phải: CEO Đỗ Hữu Hưng, Shark Nguyễn Hoà BÌnh và CEO Tuấn Hà tại sự kiện.
Đồng quan điểm này, CEO Tuấn Hà của Vinalink cho rằng dư âm giảm cầu sau khi Covid-19 qua đi là điều khó tránh. Vì người tiêu dùng sẽ nhận ra có những sản phẩm họ không thực sự cần thiết và nếu thiếu thì vẫn sống được.
"Ngày xưa thấy cái này hay, cái kia hay thì người ta sẵn lòng mua về. Thời Covid-19, họ chỉ mua đồ ăn thôi, chứ thứ khác dừng hết. Ví dụ các hoạt động giải trí, hát karaoke, đã dừng lại thành quen thì sau 1, 2, 3 tháng họ vẫn chịu được. Khi Covid-19 qua đi, người ta sẽ tự đặt câu hỏi ‘có nhất thiết phải dùng lại không’, đó mới là điều nguy hiểm. Nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm, hàng hóa khó lưu thông hơn".
Tuy nhiên ở góc nhìn tích cực hơn, CEO Đỗ Hữu Hưng của Accesstrade Việt Nam cho rằng đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu, cả thế giới cùng chung kẻ thù. Vì vậy các quốc gia sẽ cùng phối hợp với nhau, tung ra các biện pháp đồng loạt để vực dậy nền kinh tế.
"Sự hồi phục của cú sốc này sẽ nhanh hơn những cú sốc trước", CEO Accesstrade lạc quan khẳng định.