Sex and the City (Sắc Tình Đô Thị) là tên của loạt phim truyền hình ăn khách của đài HBO được phát sóng từ năm 1998 đến 2004, lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Candace Bushnell được xuất bản vào năm 1997. Với nội dung xoay quanh cuộc sống của người phụ nữ Carrie Bradshaw và 3 người bạn - với những vấn đề liên quan đến thời trang, tiền bạc, tình yêu và tất nhiên cả tình dục - Sex and the City đã trở thành loạt phim hài tình cảm ăn khách nhất nhì lịch sử đài HBO.
Với 7 giải Emmy, 8 giải Quả Cầu Vàng và vô số giải thưởng khác, Sex and the City đã tạo nên một cơn sốt vào những năm đầu thiên niên kỷ khi khán giả tỏ ra vô cùng hâm mộ lối sống độc lập và vui vẻ của bốn người phụ nữ độc thân thành đạt. Tại Việt Nam, phim được chiếu trên kênh VTV2 từ năm 2014, tuy nhiên chỉ sau hai tuần nhà đài đã đột ngột dừng chiếu mà không đưa ra lời giải thích nào.
Tuy vậy bộ phim cũng đã kịp tạo ra một trận tranh cãi kịch liệt khi khán giả Việt chia làm 2 phe, một bên cho rằng bộ phim quá nhạy cảm để chiếu trên truyền hình còn bên còn lại ủng hộ một tác phẩm cởi mở và hàm chứa nhiều bài học sâu sắc. Tận 2 năm sau vào tháng 8 năm 2016, tức là hơn... 10 năm sau khi Sex and the City phá đảo màn ảnh nhỏ, VTV2 mới chịu chiếu lại phim truyền hình này tại Việt Nam.
Sex and the City được đánh giá là tác phẩm khai thác sâu vào ngóc ngách đời sống nữ giới với các vấn đề mà phái nữ quan tâm như thời trang, mĩ phẩm, sự nghiệp, tình yêu. Sức hấp dẫn của bộ phim không chỉ nằm ở các chi tiết khá "bạo" liên quan đến tình dục, mà còn ở hình ảnh bốn người phụ nữ mạnh mẽ luôn lạc quan trong cuộc sống. Khán giả phải "chết mê chết mệt" với gu thời trang tinh tế, sự nghiệp hoàn hảo của 4 nhân vật chính.
Dưới đây là 8 bí mật nho nhỏ về bộ phim từng góp phần định hình lối sống cho cả một thế hệ phái đẹp và truyền cảm hứng cho những phụ nữ sống theo cuộc đời mình mong muốn.
1. Tác giả phải đổi tên nhân vật để phụ huynh đỡ... xấu hổ
Tác giả của nguyên tác là nữ văn sĩ Candace Bushnell đã đổi tên nhân vật chính trong truyện của cô trở thành Carrie Bradshaw (đóng bởi Sarah Jessica Parker) để cha mẹ của Candance có thể ít nhất vờ rằng họ không đang đọc tự truyện về đời sống tình dục của con gái mình.
Nhà văn Candace Bushnell đã mô tả Carrie Bradshaw như một chân dung tự truyện
2. Nữ chủ tịch hãng phim đầu tiên trong lịch sử thua HBO
Trước khi nổi danh nhờ Sex and the City, đài HBO những năm 90 được biết tới như một nhà đài khá chuộng khán giả nam với các trận đấu boxing và việc phụ nữ khỏa thân thì như cơm bữa. Để có được bản quyền sản xuất, HBO đã phải cạnh tranh với hãng ABC Entertainment. Chủ tịch của ABC khi đó là Jamie Tarses là người trẻ nhất từng cai quản một nhà đài và cũng là phụ nữ duy nhất làm được điều này tính tới năm 1996.
Jamie Tarses đã để lọt Sex and the City vào tay HBO vì không thể đưa ra nhiều ưu đãi như đối thủ.
3. Không thể có quá nhiều các cô tóc vàng trong một bộ phim
Nhà sản xuất Darren Star đã nhắm tới nữ diễn viên Cynthia Nixon cho một trong bốn nhân vật chính, tuy nhiên vấn đề là Cynthia là một nàng tóc vàng trong khi hai ngôi sao khác được chọn là Samantha Jones và Sarah Jessica Parker cũng đều "vàng hoe". Mà bạn biết đấy, không thể có quá nhiều các cô tóc vàng trong một nhóm bạn được. May thay nhân vật Cynthia vào vai là Miranda Hobbes là một phụ nữ tóc đỏ, vì thế cô đã đồng ý để nhuộm màu tóc mình cho giống với nhân vật.
Nhân vật Miranda là một luật sư đặt sự nghiệp lên hàng đầu
4. Nữ chính vì mải cưới mà suýt... bỏ vai
Ban đầu, nữ diễn viên Sarah Jessica Parker đã tỏ ra chần chừ khi đặt bút ký vào bản hợp đồng vì lúc đó còn đang bận làm... đám cưới với chồng tương lai Matthew Broderick vào năm 1997. Cô cũng lo rằng lịch đóng phim sẽ làm gián đoạn lịch tập kịch mà cô vẫn duy trì đều đặn. Sarah là một trong những lựa chọn đầu tiên mà nhà sản xuất nghĩ tới cho vai Carrie Bradshaw.
Carrie luôn nổi bật với gu thời trang cá tính
5. Có người thì quyết tâm có được vai diễn bằng mọi giá
Charlotte York là cô nàng luôn mong đợi một bạch mã hoàng tử đến với cuộc đời mình
Trái với bạn diễn Parker, nữ diễn viên Kristin Davis thì lại "xin chết" để có được vai Charlotte York. Cô từng có kinh nghiệm làm việc với nhà sản xuất Darren Star trong loạt phim Melrose Place từ năm 1992, vì thế khi nghe được thông tin về vai gái ngoan Charlotte, Kristin đã rất hồ hởi để ứng tuyển.
Sau màn thử vai khắt khe, nữ diễn viên được thông báo rằng Charlotte có thể chỉ là nhân vật phụ chứ không được có đất diễn thường xuyên như các chị em còn lại. Tuy nhiên Kristin Davis đã nỗ lực hết sức trong tập đầu tiên khiến nhà sản xuất đổi ý, giữ lại nhân vật này là một trong bốn mảnh ghép làm nên Sex and the City.
6. Vai "chị cả" được cân nhắc cẩn thận
Darren Star từng rất vất vả trong việc chọn người vào vai nhân vật Samantha Jones bởi nếu đặt niềm tin nhầm chỗ, nhân vật này sẽ trở thành mẫu cô nàng quyến rũ hư hỏng như Jessica Rabbit. Star sau đó đã lựa chọn Kim Cattrall - người "dừ" hơn kha khá so với ba bạn diễn (bà hơn Kristin và Sarah 8 tuổi, hơn Cynthia Nixon 9 tuổi). Kim sau này chia sẻ bà đã khá lo sợ vì "quá tuổi" để đóng một vai quyến rũ, thế nhưng nỗi sợ này đã bay biến sau buổi nói chuyện với Darren Star.
7. Nữ biên kịch vất vả giải thích chuyện chăn gối của chị em cho đồng sự nam
Tuy rằng đây là một phim truyền hình về phụ nữ, nhưng biên kịch Jenny Bicks là nhân viên nữ gần như duy nhất lúc đó trong đoàn làm phim những ngày đầu. Bà đã phải vẽ ra một biểu đồ chi tiết về bộ phận sinh dục của nữ giới nhằm giải thích cho các nhà sản xuất nam. Thật hài hước khi phát hiện ra những người đàn ông này am tường về ngành công nghiệp phim hơn bất cứ ai, thế nhưng nhắc tới những vấn đề chuyên sâu về "chuyện ấy" của phụ nữ thì họ mù tịt.
8. Trợ thủ đắc lực của ngành du lịch thành phố
Cửa hàng bánh ngọt Magnolia Bakery lúc nào cũng nườm nượp
Cho tới mùa 3 của Sex and the City, sức hút của loạt phim đã lớn tới nỗi nếu nhà hàng hoặc khu phố nào xuất hiện trong phim là ngay hôm sau chỗ đó kín đặc người tới tham quan. Thực tế là chương trình từng bị đổ tội "phá hỏng" khu phố Meatpacking District tại New York sau khi Samantha chuyển tới đây ở. Tương tự thì chuỗi cửa hàng bánh Magnolia Bakery cũng được thực khách xếp hàng dài và uống cocktail Cosmopolitan (cosmo, một loại đồ uống làm từ một số thành phần như vodka, nước chanh và nước ép nam việt quất) trở thành một dấu hiệu của lối sống thượng lưu bắt chước Sex and the City.
Nếu bạn không xem phim này, sẽ chẳng khác nào bạn từ chối buổi gặp gỡ với các chị em
Dù từ khi ra mắt cho tới nay đã 20 năm, nhưng dấu ấn mà loạt phim Sex and the City tạo ra vẫn vẹn nguyên trong lòng khán giả. Lần đầu tiên người ta thấy một chương trình truyền hình mà phụ nữ được thoải mái đề cập đến cuộc sống tình dục - thứ vẫn bị coi là tế nhị ngay trong lòng văn hóa Tây phương. Những nhân vật trong phim đã bứt phá khỏi rất nhiều định kiến để được sống tự do, phóng khoáng với cuộc đời mà mình lựa chọn. Để rồi khi tất cả những tiệc tùng qua đi, những bộ đồ trở nên lỗi mốt thì tuyên ngôn về tình chị em vẫn còn mãi.