Ở nơi công sở, đôi khi chúng ta không tránh khỏi những lúc túng thiếu hay quên mất ví ở nhà nên phải vay mượn đồng nghiệp xung quanh. Thậm chí cả sếp cũng như vậy.
Song, có vay thì phải có trả, nếu cùng là đồng nghiệp thì việc đòi tiền nhau sẽ rất đơn giản nhưng với sếp thì hoàn toàn ngược lại. Vậy, bạn sẽ phải xử lý ra sao trong tình huống đó?
Chị N.H.Y (sn 1994) chia sẻ tại diễn đàn dành cho dân công sở: "Tôi mới đi làm chưa lâu thì may mắn được cất nhắc lên làm thư ký cho giám đốc. Sếp tôi là người đoàng hoàng, công tư phân minh, chưa bao giờ đi quá giới hạn hay có lời nói thân mật để mọi người tránh dị nghị về mối quan hệ thư ký và sếp vốn đã hay bị soi nơi công sở.
Có điều, vì bận nên khi cần mua gì thì sếp hay nhờ tôi. Những thứ sếp mua nhiều khi là quà tặng đắt tiền hay đồ học tập cho con. Thường tôi mua xong nếu sếp không đang bận chuyện gì thì rút ví trả tiền luôn, còn nếu bận thì bảo để sau và thường là quên mất.
Mua quà giúp sếp nhưng sếp lại quên không trả tiền
Tôi rất ngại nhắc chuyện tiền nong, nhất là với sếp. Có thể, đối với giám đốc số tiền đó không đáng là bao nhưng với thu nhập của một thư ký như tôi thì khoản đó lại khá lớn. Nếu bị hụt thì tháng đó coi như tôi lại đau đầu về tiền nhà rồi các khoản chi tiêu.
Làm sao để tôi nhắc sếp đây? Tôi sợ không khéo sẽ khiến sếp khó chịu vì cho là tôi nghĩ xấu về sếp".
Ngay dưới bài đăng, hàng loạt tranh luận đã nổ ra với rất nhiều ý kiến giúp "khổ chủ'' đòi lại tiền, chẳng hạn:
"Bạn cứ kêu đưa tiền trước rồi mới mua, không chịu thì bảo hết tiền rồi. Còn tiền ông ý nợ thì nhắc hằng ngày trước mặt, nhây và lì lên vì tiền của mình mà".
"Sếp kiểu hút máu nhân viên thế nhỉ, lợi dụng vị trí cao hơn không nhân viên nào dám ý kiến ý cò muốn sai khiến thế nào thì sai khiến. Mấy ca này phải cứng vào, đòi thẳng mặt, nghiêm túc lên chứ đừng ra vẻ sợ sệt".
Song, với những cách giải quyết này chỉ giúp Y. đòi lại tiền trước mắt chứ không thể khiến mối quan hệ giữa sếp và nhân viên được duy trì như trước.
Đòi nợ sếp là cả một nghệ thuật không phải ai cũng biết
Do đó, theo các chuyên gia, hãy đợi khi sếp rảnh và hỏi kiểu: "Món đồ hôm trước em mua có được không, em cứ lo chọn không đúng ý thủ trưởng". Tốt nhất đừng hỏi trong lúc đông người hoặc hỏi với thái độ quá gay gắt.
Nếu tần suất bị sếp nhờ mua đồ khá nhiều mà lần nào cũng nhắc thì ngại, hãy tập hợp hết hóa đơn lại, chờ đến cuối tháng, tính tổng và đưa hết cho sếp một lần lúc sếp đang rảnh rỗi.
Có lẽ, việc đòi nợ sếp không quá khó khăn như chúng ta vẫn lầm tưởng bởi ai cũng có lúc quên. Hơn nữa, đây cũng là một phép thử về tính cách của nhà lãnh đạo. Nếu giám đốc vui vẻ xin lỗi bạn vì đã sơ suất thì chúc mừng bạn đã gặp được người sếp có tính cách hài hòa, biết nghĩ cho nhân viên. Ngược lại, nếu ông ta viện cớ để cho bạn vào ''danh sách đen'' thì tốt nhất, hãy tìm một người sếp xứng đáng hơn.