Làm việc từ xa (WFH) có thể gây ra cho thế hệ Gen Z đi làm nhiều vấn đề về "cột sống". Trong khi các bạn trẻ loay hoay để thích nghi và quản lý công việc của mình khi xa vòng tay sếp, thì các anh/chị sếp, người tuyển dụng lao động đã có những chuẩn bị đầy đủ cho tình huống phải quản lý nhân viên từ xa.
Đi làm cho một công ty tốt cũng may mắn như sinh ra trong gia đình có bố mẹ biết lo nghĩ cho con cái, luôn tạo điều kiện để con phát triển. Và ngược lại, nếu công ty có những nhân viên Gen Z đầy tiềm năng thì cũng giống như đang sở hữu một tài sản quý, điều quan trọng nhất để giữ người khi biến động xảy ra chính là trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhân viên.
Nguyễn Hoàng Hải, hiện là thành viên Hội đồng quản trị và Giám đốc tài chính của Flyer (Hà Nội) và Genesi Creative (Sài Gòn). Anh cũng từng được Forbes vinh danh trong Top những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á vào năm 2017. Anh Hải cho biết khi làn sóng dịch thứ 4 xuất hiện, anh đã cho hầu hết nhân viên của mình làm việc từ xa ngay.
Để thích ứng với tình hình mới, anh Hải đã thay đổi phương thức chấm công. Thay vì chấm công trên công ty, buổi sáng nhân viên tới giờ làm sẽ vào nhắn và online hình video của mình trong nhóm làm việc ở công ty để chấm công. Trong giờ làm việc, anh yêu cầu nhân viên phải luôn phản hồi công việc, muộn nhất là 30 phút và luôn họp online ngay khi cần. Tiến độ công việc sẽ được cập nhật lên các phần mềm, thì được theo dõi cuối mỗi ngày, thay vì hàng tuần như cũ.
Nguyễn Duy Thông, Giám đốc điều hành Dentsu Redder cho biết công ty của mình đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khi dịch vừa bắt đầu vào tháng 3 năm ngoái, nên đợt bùng dịch lần này, tất cả nhân sự thích nghi khá tốt.
Cũng giống như công ty của anh Hải, ở Dentsu Redder, mọi quy trình thủ tục hàng ngày; chứng từ được duyệt online, những tài liệu cần phải có chữ ký được quy định theo lịch định kỳ. Tất cả buổi họp dù với đối tác, khách hàng hay nội bộ đều chuyển sang trực tuyến.
“Các đầu việc đã giao trong ngày đều được tổng kết vào cuối mỗi ngày. Điều này không chỉ nhằm mục đích quản lý mà còn duy trì sự kết nối giữa các thành viên trong cùng phòng ban, cho mọi người thấy rằng mình không cô độc và luôn có cộng sự bên cạnh”, Duy Thông chia sẻ.
Đặng Thuỳ Trang, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành của Ru9 cũng áp dụng đúng công thức "cuốn chiếu" của Duy Thông và Hoàng Hải trong cách quản lý nhân sự khi làm việc từ xa. Tức là thay vì sắp xếp thứ tự công việc theo các dự án dài hạn theo tuần hay theo tháng, nhân viên Ru9 sẽ chia thành công việc cần làm trong ngày. Cả team sẽ họp lại vào đầu ngày và cuối ngày cập nhật tình hình công việc của nhau.
“Quá trình này cho phép các bạn giao tiếp và hiểu được công việc của nhau dù không ngồi cùng một văn phòng, giảm cảm giác mất động lực khi làm việc một mình, tránh ngồi họp nhiều lần trong ngày và luôn biết liên hệ ai khi cần”, Thuỳ Trang tin tưởng vào hiệu quả của cách quản lý này.
Khi cùng ngồi lại trong một bàn tròn đề bàn luận về chủ đề: Khi cách thức làm việc thay đổi, tiêu chí tuyển dụng nhân sự có buộc phải thay đổi theo?
Các sếp đều lắc đầu, đi đến một thống nhất chung: Không thay đổi nhiều. Về cơ bản, mô hình làm việc nào cũng vậy, sếp luôn muốn tuyển dụng được nhân viên trẻ có thực lực. Những yếu tố sẽ như khoảng cách địa lý, bằng cấp hay kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn lớn… sẽ chẳng còn quan trọng nữa.
Trong tình hình mới, Gen Z nào sở hữu được những kỹ năng này sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn:
- Biết cách sử dụng thành thạo các công nghệ mới, phần mềm quản lý, theo dõi để công việc. Công ty cũng cần nhân sự hiểu biết các công cụ quản lý để làm việc từ xa hiệu quả hơn, nhà trường cần tìm hiểu, hướng dẫn cho sinh viên các phần mềm này sớm để đỡ bỡ ngỡ khi vào làm việc tại công ty.
- Có sự chủ động để đề xuất cho công ty những phương án mới để vượt qua khó khăn, thích ứng trạng thái bình thường mới.
- Hiểu giá trị bản thân, tự lập, có ý chí và hướng đến việc phát triển bản thân không ngừng. Thích nghi nhanh với mọi tình thế dù làm việc tại nhà hay văn phòng.
- Riêng ngành quảng cáo những tiêu chí quan trọng nhất sẽ không đổi, đó là tính sáng tạo, ham thích học hỏi; sự kiên định, gan lì để có thể vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn; và có một tâm hồn đẹp, giàu xúc cảm.
Giám đốc điều hành Dentsu Redder nắm rõ tâm lý của bạn trẻ đi làm trong giai đoạn đầy khăn này: Tương tác vật lý không có, ít giao tiếp sẽ dẫn đến sức khoẻ tâm lý bị ảnh hưởng, năng suất làm việc giảm, không học hỏi được từ đồng nghiệp và dần mất đi một số kỹ năng. Vì thế, việc các sếp thấu cảm với Gen Z là cần thiết!
“Trong khi thế hệ Gen Z vốn dĩ là một thế hệ lo âu, các bạn lớn lên trong một thế giới đầy sự xao lãng và đặc biệt, các bạn chưa có kinh nghiệm nhiều trong môi trường làm việc; WFH đẩy họ phải một mình, đối mặt với nhiều yếu tố tác động, gánh vác công việc khiến vấn đề của họ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Khi là một nhà quản lý may mắn có được những nhân viên tài năng thuộc thế hệ Gen Z, thì chúng ta nên là một chỗ dựa tinh thần vững chắc, giúp họ vượt qua trong những ngày đầu. Vì nếu không giúp được họ, họ sẽ dễ dàng rời bỏ công việc hay thậm chí nguy hiểm hơn là mất niềm tin vào công việc họ đang làm hoặc mất niềm tin vào chính bản thân họ”, Duy Thông nhận định.
Hoàng Hải, người đang có 2 công ty cũng đồng tình với quan điểm lãnh đạo nên thấu cảm cho nhân viên trẻ đi làm, nhất là trong giai đoạn họ phải làm việc từ xa, không nhận được nhiều sự hướng dẫn trực tiếp của các cấp quản lý. Nhưng Hoàng Hải cũng nhấn mạnh, Gen Z cũng cần có trách nhiệm với mọi quyết định của mình trong công việc và hiểu cho công ty, hơn là chỉ nhìn thấy khó khăn của chính mình.
“Khi dịch bệnh xảy ra, không chỉ các bạn, mà các cấp quản lý cũng đối mặt với rất nhiều áp lực, lớn nhất trong số đó là khối lượng công việc bị tụt giảm mạnh, nên sẽ không có việc làm ngay cho các bạn trong một khoảng thời gian dài. Lúc này, sự chủ động của các bạn khi đề xuất cho công ty những phương án mới để vượt qua khó khăn, thích ứng trạng thái bình thường mới sẽ rất được đánh giá cao", anh nói.
Nhìn nhận về tác động của COVID lên Gen Z, Hoàng Hải đưa ra quan điểm: “Tất cả chỉ là 'tạm thời' và rồi 'tất cả rồi sẽ qua đi'. Điều quan trọng là hiện tại Gen Z cần phải thích ứng linh hoạt để vượt qua các thay đổi”.
Duy Thông có cái nhìn lạc quan: “Đây có thể là một biến cố to lớn với mọi người và cũng có thể là cơ hội, để thúc đẩy sự phát triển của bản thân, học được nhiều cái mới mẻ hơn; hiểu rõ giá trị của cuộc sống và hành động để giúp thế giới này trở nên tốt đẹp hơn”.
“Điều này sẽ giúp không chỉ Gen Z mà cả các thế hệ sau đó học được cách thích nghi dễ dàng và nhanh chóng trong mọi tình huống mà không bị ảnh hưởng đến năng suất và cả tinh thần”, Thuỳ Trang Ru9 đúc kết.
Ảnh: NVCC