"Ấn tượng" trước UAV Thổ Nhĩ Kỳ, thêm 1 quốc gia tính trang bị ồ ạt?
Hôm 26/11, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông qua tài khoản mạng xã hội Twitter đưa tin một phái đoàn của Quân đội Kazakhstan đã đến thăm Căn cứ Hệ thống Máy bay Không người lái của Quân đội Thổ tại thành phố Batman, đông nam nước này.
Ít ngày sau, trang Avia.pro của Nga cho rằng quốc gia Trung Á Kazakhstan được cho là đang xem xét mua máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Kazakhstan là quốc gia mới nhất thể hiện sự quan tâm đến UAV do Baykar Defense của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Bayraktar TB2 là một UAV giám sát và trinh sát cũng có thể được trang bị vũ khí (tên lửa MAM-C và MAM-L) để trở thành máy bay không người lái tấn công (UCAV).
Phái đoàn Quân đội Azerbaijan đang được các kỹ thuật viên thuyết trình về UAV Bayraktar TB2 tại căn cứ ở thành phố Batman (Nguồn: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ).
Hôm 27/11, tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin Ukraina cho biết Tướng Ruslan Khomchak, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố: "Năm tới, chúng tôi sẽ mua 5 chiếc Bayraktars mới để đáp ứng nhu cầu của Lực lượng vũ trang Ukraine".
Tuyên bố được đưa ra sau một cuộc tập trận chiến thuật cấp tiểu đoàn nhằm mục đích thử nghiệm UAV vào tháng 10/2020.
Cần nhấn mạnh rằng vào năm 2019, Ukraine đã mua 19 chiếc Bayraktar TB2, và ngoài đơn hàng 5 chiếc vào năm 2021.
Theo ông Vadym Ihorovych, Tổng giám đốc Ukrspetsexport (một nhà sản xuất vũ khí Ukraine), nước này sẽ thành lập một liên doanh để sản xuất 48 chiếc Bayraktar TB2, đồng thời chế tạo các tên lửa chống tăng có điều khiển (AGTM) Skif/Scythia để xuất ngược sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, vào đầu tháng 10/2020, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết nước này đang đàm phán mua UAV của Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù quốc gia Châu Âu này đã trang bị 6 UCAV CH-92A do Trung Quốc sản xuất trước đó vài tháng.
Bayraktar TB2 trong trang bị của Không quân Ukraine
Kazakhstan mua UAV để làm gì?
UAV Bayraktar TB2 đã tham chiến trong các cuộc xung đột có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, Libya và mới đây là Nagorno-Karabakh.
Loại UAV "rẻ tiền" (khoảng 10 triệu USD mỗi tổ hợp - căn cứ vào hợp đồng giữa Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ) này được cho là rất hiệu quả trong tác chiến bất đối xứng với đối phương chủ yếu là các nhóm nổi dậy đặc biệt yếu về khả năng phòng không.
Không khó để nhận ra cả 2 khách hàng Ukraine và Serbia đều có những "vấn đề" liên quan tới các lực lượng nổi dậy, tranh chấp lãnh thổ nhất định và cần đến những biện pháp răn đe với UCAV, nhưng Kazakhstan thì sao?
Theo dữ liệu được đăng tải trên trang chính thức của Bộ Ngoại giao Kazakhstan, việc phân giới cắm mốc giữa quốc gia này với các nước láng giềng là Nga, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Uzbekistan về cơ bản đã hoàn thành.
Như vậy là rất khó có khả năng để xảy ra xung đột biên giới giữa Kazakhstan với các nước láng giềng, đặc biệt là khi Astana lại là một thành viên của CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể).
Cần nhấn mạnh rằng Không quân Kazakhstan được cho là "đáng mơ ước" trong khu vực và trên thế giới khi trang bị (và đang đặt hàng) hơn 100 tiêm kích Su-27, Su-30, MiG-29, MiG-31 và cường kích Su-25 và 2 UCAV CAIG Wing Loong do Trung Quốc sản xuất.
Vậy những chiếc UAV tầm trung, độ bền cao (MALE) Bayraktar TB2 sẽ được sử dụng với mục đích gì?
Kazakhstan có lãnh thổ rộng 2.724.902 km², rộng lớn hơn cả Tây Âu.
Mặc dù có diện tích đứng thứ 9 thế giới nhưng Kazakhstan lại là một trong những quốc gia có mật độ dân cư thưa thớt nhất trên thế giới khi chỉ có trung bình 7 người/km².
Bên cạnh khả năng răn đe quân sự, những chiếc Bayraktar TB2 có thể sẽ là "cánh tay nối dài" giúp Không quân Kazakhstan tăng cường khả năng giám sát các hoạt động diễn ra trong quốc gia "đất rộng, người thưa" này.
Bản đồ một phần khu vực Trung Đông và Trung Á cho thấy diện tích lớn của Kazakhstan.