Vào chiều ngày 1/7, trên fanpage chính thức, PewPew đã có một vài lời chia sẻ về việc tên thương hiệu của mình bị một cá nhân khác đăng ký bản quyền lên cục Sở hữu trí tuệ. Cùng với đó là nhiều ẩn ý như ngầm thông báo rằng, rất có thể, anh sẽ không còn là PewPew nữa.
Chia sẻ của PewPew trên Facebook
Qua tra cứu đã phát hiện một đơn đăng ký tên nhãn hiệu "PEWPEW" được nộp lên cục Sở hữu trí tuệ vào ngày 2/3/2021. Nhóm sản phẩm/dịch vụ được đăng ký thuộc nhóm 41, tức là các dịch vụ giải trí. Nếu đơn đăng ký này được cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận, ông hoàng streamer có thể sẽ mất hoàn toàn quyền sử dụng thương hiệu PewPew cho các hoạt động cung cấp các dịch vụ giải trí thông qua việc đăng tải nội dung trên các trang mạng xã hội bao gồm Facebook, Instagram, Zalo và đặc biệt là YouTube.
Thông tin nhãn hiệu "PewPew" đã bị đăng ký tại website của cục Sở hữu trí tuệ
Đây là lý do vì sao những dòng tự sự kể trên lại xuất hiện trên fanpage của PewPew vì kênh YouTube của anh, có nguy cơ bị xóa bỏ!
Kênh YouTube với 3,62 triệu subscribers của PewPew
Diễn biến vụ việc này làm nhiều người liên tưởng tới sự kiện kênh Tam Mao TV cũng bị một đơn vị khác khởi kiện và đòi hạ kênh YouTube vì sử dụng tên kênh vi phạm bản quyền thương hiệu đã được đăng ký sở hữu trí tuệ trước đó.
Cụ thể, vào ngày 27/4/2021, Tam Mao TV nhận được một email từ YouTube thông báo về việc nhận được một khiếu nại về nhãn hiệu liên quan đến kênh và yêu cầu đại diện của Tam Mao TV nhanh chóng liên hệ với bên nắm bản quyền nếu không sẽ vô hiệu hóa hoàn toàn kênh YouTube này.
Nội dung email YouTube gửi Tam Mao TV vào ngày 27/4 vừa qua
Sau quá trình tìm hiểu, Tam Mao TV phát hiện ra, vào ngày 8/4/2019, "Tam Mao TV" đã được một công ty khác đăng ký bản quyền nhãn hiệu.
Anh Lê Mạnh Cường, chủ kênh Tam Mao TV cũng đã có một video chia sẻ về quá trình liên hệ với người đại diện pháp lý của công ty đang sở hữu bản quyền nhãn hiệu "Tam Mao TV". Tuy nhiên anh này đã không nhận được phương án giải quyết cụ thể và được yêu cầu chờ đợi ý kiến phản hồi từ đơn vị chủ quản thương hiệu tại Trung Quốc.
Chủ kênh Tam Mao TV cũng tuyên bố sẽ không thương lượng để lấy lại thương hiệu mà sẽ nhờ pháp luật can thiệp.
Xét về phương thức, có thể thấy sự tương đồng đáng kể giữa 2 vụ việc. Nhưng ở trường hợp của PewPew, mọi sự vẫn còn có thể cứu vãn được vì đơn đăng ký nhãn hiệu "PewPew" vẫn chưa được cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt. Do đó, ông hoàng streamer vẫn có khả năng giành lại được quyền sở hữu nhãn hiệu "PewPew" nếu thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết.
Đới với PewPew, anh vẫn còn cơ hội
Vậy đối với các YouTuber, họ có thể làm gì để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình? Hãy nghĩ ngay đến việc đăng ký bản quyền nhãn hiệu lên cục Sở hữu trí tuệ càng sớm càng tốt để tránh các tranh chấp pháp lý không cần thiết có thể phát sinh trong tương lai.
Ảnh: Internet