Sau Syria, Libya và Nagorno-Karabakh, cỗ máy chiến tranh Thổ đang để mắt tới mục tiêu này?

Hoài Giang | 13-10-2020 - 07:31 AM

(Tổ Quốc) - Nhà phân tích Seth J.Frantzman cho rằng mỗi tuần Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra một cuộc khủng hoảng và Ankara đang để mắt tới 2 cuộc xung đột mới, có thể đẩy Israel vào thế đối đầu.

Mới đây, tờ Jerusalem Post đăng tải bài viết của nhà phân tích Seth J.Frantzman có nhan đề: "Ankara, after fueling Armenia conflict, moves on to Varosha in Cyprus" (Sau khi "đổ dầu vào lửa" trong xung đột với Armenia, Ankara chuyển hướng sang Varosha của Cyprus).

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là quan điểm của một nhà phân tích phương Tây về động thái tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ sau xung đột ở Nagorno-Karabakh, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Giữa xung đột Armenia-Azerbaijan, Thổ đang chuyển hướng tới mục tiêu mới?

Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy họ đang chuyển hướng từ cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh tới một cuộc khủng hoảng mới với Cyprus (Cộng hòa Síp).

Với việc tuyên bố mở cửa trở lại bãi biển Varosha, khu vực đã bị bỏ hoang trong 46 năm ở phía bắc đảo Síp, người Thổ đang cố tình tạo ra mỗi tuần một cuộc khủng hoảng quốc tế mới.

Vào thời điểm Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tấn công đảo Síp, Ankara tuyên bố hoạt động này là để "đảm bảo quyền lợi" của người Síp gốc Thổ. Tuy nhiên, việc người Síp gốc Hy Lạp không thể quay trở lại các khu vực như Varosha đã đi ngược lại tuyên bố nói trên.

Tờ The Guardian đã phỏng vấn những người Hy Lạp đã bị trục xuất khỏi khu vực này vào năm 1974 và ít nhất một người phụ nữ khi được hỏi đã mô tả việc bãi biển mở cửa trở lại là một "nỗi buồn".

Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades thì cho biết động thái này là "bất hợp pháp" và nó đã bị Nga và Liên minh Châu Âu (EU) lên án, còn Liên Hiệp Quốc như thông thường đã bày tỏ "quan ngại" - có nghĩa là họ sẽ soạn thảo các tuyên bố và không làm gì cả.

Việc mở cửa trở lại Varosha của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Hy Lạp và các thành viên EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác cũng được đánh giá là một động thái uy hiếp.

Sau Syria, Libya và Nagorno-Karabakh, cỗ máy chiến tranh Thổ đang để mắt tới mục tiêu này? - Ảnh 1.

Việc tuyên bố mở cửa trở lại bãi biển Varosha ở Bắc Síp mang tính chính trị nhiều hơn là kinh tế?

Thổ Nhĩ Kỳ đang thù địch với tất cả các nước láng giềng?

Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang đối đầu với tất cả các quốc gia có chung biên giới. Điều này trái ngược với chính sách thực dụng trước đó khi Ankara từng "không có bất kỳ vấn đề gì" với các nước láng giềng và muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Chính sách "quản lý khủng hoảng" của Ankara hiện đã bước vào giai đoạn tạo ra mỗi hai tuần một cuộc khủng hoảng quân sự mới - bắt đầu từ Chiến dịch "Lá chắn Euphrate" ở miền bắc Syria và các hoạt động quân sự nhằm vào người Kurd.

Năm 2018, Chiến dịch "Cành Olive" với các tay súng cực đoan của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 160.000 người Kurd Syria phải chạy trốn. Sau đó, hoạt động quân sự tương tự được gọi là Chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" đã diễn ra ở đông bắc Syria vào những tháng cuối năm 2019.

Sau Syria, Libya và Nagorno-Karabakh, cỗ máy chiến tranh Thổ đang để mắt tới mục tiêu này? - Ảnh 2.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ cùng các tay súng phiến quân Syria quan sát pháo kích và không kích vào vị trí của lực lượng người Kurd trong Chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" vào cuối năm 2019.

Năm 2020 bắt đầu bằng cuộc đối đầu quân sự ở tây bắc Syria và việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa lính đánh thuê tới tham chiến ở Libya.

Sau khi triển khai các vũ khí hiện đại đến Libya, đe dọa Ai Cập và UAE, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng với Pháp, họ cũng đã ném bom miền bắc Iraq vào tháng 7/2020 và chỉ sau 1 tháng đã bắt đầu đe dọa Hy Lạp và đảo Síp ở phía đông Địa Trung Hải.

Ngay khi căng thẳng ở đông Địa Trung Hải bùng phát vào giữa tháng 9/2020, Ankara đã "để mắt" tới Armenia.

Cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đã khiến khoảng 50.000 người dân gốc Armenia phải di tản.

Hàng nghìn phiến quân Syria tham chiến ở Nagorno-Karabakh được đánh giá là động thái nhằm đem lại ưu thế quân sự đồng thời nhằm loại bỏ họ khỏi miền bắc Syria.

Việc hải quân Ai Cập và Nga tập trận ở Biển Đen mới đây đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng lại bằng cách thử nghiệm hệ thống S-400 trong cùng khu vực biển. Họ cũng bị cáo buộc đã sử dụng S-400 để theo dõi F-16 của Hy Lạp, cáo buộc mới nhưng liên quan tới sự cố vào tháng 8/2020.

Tiếp theo đó là các ảnh vệ tinh cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn âm thầm triển khai F-16 ở Azerbaijan giữa lúc xung đột dữ dội với Armenia.

Nếu tất cả những sự cố này có vẻ như chìm trong một "vùng xám", thì đó là vì đây là điều mà Ankara muốn. Họ đang "châm dầu vào lửa" từ Syria, Libya, Iraq, đông Địa Trung Hải và Nam Caucasus để giữ cho truyền thông và người dân liên tục có những câu chuyện để bàn luận.

Ankara đang chơi một trò chơi trong khu vực như đánh một cây đàn piano, với mỗi phím đàn là một cuộc xung đột mới hoặc một chiến dịch quân sự.

Sau Syria, Libya và Nagorno-Karabakh, cỗ máy chiến tranh Thổ đang để mắt tới mục tiêu này? - Ảnh 3.

Hệ thống phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng uy hiếp một khu vực rộng lớn ở Đông Địa Trung Hải và Biển Đen.

Sau Varosha sẽ là Jerusalem?

Ankara đánh giá Varosha sẽ là nơi dễ kích động cuộc khủng hoảng mới với Liên minh châu Âu (EU) và Cộng hòa Síp.

Bãi biển bị bỏ hoang này được mở cửa sẽ cho người Thổ ở Bắc Síp thấy rằng ai đang "kề vai sát cánh" với họ, đồng thời thỏa mãn "tối hậu thư" gửi tới các quốc gia có liên quan rằng Ankara sẽ không cho phép bất cứ ai hay thứ gì cản đường.

Gia tăng sử dụng lính đánh thuê Syria trong các cuộc xung đột như Libya và Nagorno-Karabakh đã giúp Ankara sở hữu một "binh đoàn lê dương" để tung vào các cuộc xung đột trong tương lai.

Rõ ràng một cảnh báo về viễn cảnh tương tự đã được gửi tới CH Síp và Hy Lạp.

Sau Syria, Libya và Nagorno-Karabakh, cỗ máy chiến tranh Thổ đang để mắt tới mục tiêu này? - Ảnh 5.

Các tay súng được cho là lính đánh thuê Syria tham chiến ở Nagorno-Karabakh.

Ankara cũng có thể sẽ chuyển sang một số mục tiêu khác trong thời gian ngắn sắp tới. Ngày 22/9, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức đàm phán nhằm hòa giải các tổ chức chính trị - quân sự của người Palestine là Hamas và Fatah.

Vào ngày 1/10, Ankara đã lập luận rằng "Jerusalem là của chúng tôi", một động thái nhằm tăng cường vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Israel và Palestine.

Những động thái của Ankara đã khiến Tel Aviv phải sửng sốt.

Israel đã trở thành đồng minh quan trọng của CH Síp và Hy Lạp với một thỏa thuận hợp tác liên quan tới đường ống dẫn khí đốt.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã ra tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một thế lực gây bất ổn trong khu vực và theo các đánh giá của tình báo và quân đội Israel trong năm 2019, Ankara là "mối đe dọa tiềm tàng".

Tuy nhiên, bất chấp hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, giữa Israel, UAE, Ai Cập, CH Síp, Hy Lạp và các quốc gia cùng mối lo ngại vẫn còn thiếu sự thống nhất về cách thức đối đầu với Ankara.

Sau Syria, Libya và Nagorno-Karabakh, cỗ máy chiến tranh Thổ đang để mắt tới mục tiêu này? - Ảnh 7.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho thấy Israel đã tăng cường việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine như thế nào trong những năm qua (Nguồn: AP).

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM