Sau một cú ngã, Thạc sĩ điển trai bỗng thành tàn phế, bất ngờ giây phút “hồi sinh”

Lam Giang | 05-03-2023 - 15:26 PM

(Tổ Quốc) - Từ một giảng viên điển trai, cao 1m80, sự nghiệp rộng mở, Đặng Hoàng An sụp đổ khi biết đôi chân của mình sẽ không thể đứng lên, không thể bước đi được nữa.

Sau cú ngã bỗng thành người tàn phế

Ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, bao ước mơ, hoài bão còn đang ở phía trước, Đặng Hoàng An (hiện 31 tuổi, quê Long An) Thạc sĩ, từng là giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM bất ngờ bị liệt hai chân.

Năm 2016, An mới về giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM thì biến cố liên tục xảy đến với gia đình. An có một người cô bị mất năng lực hành vi. Một hôm không có ai ở nhà, cô sang đốt hết giấy tờ trong nhà An. Thấy ba mẹ suy sụp, buồn bã, An ngày đi dạy, tối lại về quê để làm chỗ dựa tinh thần cho bố mẹ. Việc đi lại mất nhiều thời gian, Thạc sĩ trẻ thiếu ngủ triền miên.

Sau một cú ngã, Thạc sĩ điển trai bỗng thành tàn phế, bố phải bế, mẹ đút cơm và giây phút “hồi sinh” - Ảnh 1.

Anh Đặng Hoàng An từng là giảng viên Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Một thời gian sau, phát hiện trên cơ thể có những vết bầm, An đi khám thì được chẩn đoán tiểu cầu thấp, cần điều trị. Uống thuốc trong vòng 1 tháng, tình trạng của An ổn hơn. Song thay vì nghỉ ngơi, anh vẫn tiếp tục hành trình đi đi về về khiến sức khỏe ngày một giảm sút.

Buổi sáng định mệnh ấy, An đi từ phòng trọ trên tầng 2 xuống thì bị tụt canxi và rơi tự do. Lúc đó, mọi người đi làm hết, không có ai ở nhà. Khi tỉnh dậy, An thấy mình bị đau, sưng ở chân nhưng chỉ uống thuốc giảm đau. Ngày hôm sau, An đau đớn không thể chịu được nữa nên vào bệnh viện khám. Các bác sĩ lập tức cho anh nhập viện. An không đi lại được, mọi sinh hoạt phải nhờ vào ba mẹ.

Ngay cả việc trở mình tôi cũng không làm được. Mỗi khi ăn hay uống thuốc, ba phải ngồi phía sau đỡ, mẹ bón cho từng thìa. Tôi cảm nhận bên trong mình không có sự thăng bằng, người như một tòa tháp bị sụp đổ xuống”, An kể.

Sau một cú ngã, Thạc sĩ điển trai bỗng thành tàn phế, bố phải bế, mẹ đút cơm và giây phút “hồi sinh” - Ảnh 2.

Biến cố cuộc đời đã khiến An không thể đi lại được nữa.

Nằm viện suốt 1 tháng, chàng trai trẻ như sụp đổ khi nghe các bác sĩ nói: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng không có phác đồ điều trị”. Ngày xuất viện, An không muốn về, An đã rất khao khát y học có thể cứu chữa cho mình, nhưng câu nói của bác sĩ đã khiến anh mất hết hy vọng.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ba làm thợ hồ, chăn bò, mẹ làm công nhân, An vốn là niềm tự hào của cha mẹ. Anh cũng ấp ủ nhiều định giúp đỡ gia đình. Vậy mà không ngờ, bỗng một ngày bản thân lại thành gánh nặng của ba mẹ.

Sau một cú ngã, Thạc sĩ điển trai bỗng thành tàn phế, bố phải bế, mẹ đút cơm và giây phút “hồi sinh” - Ảnh 3.

Ba mẹ của An cũng rất đau khổ khi con trai gặp nạn, song họ vẫn cố gắng để trở thành chỗ dựa vững chắc cho An.

An buồn bã, stress, mặc cảm, suy sụp tinh thần. Bạn bè tới thăm nhưng An không muốn gặp, ở trong phòng để né tránh. An nhất định không ngồi lên xe lăn vì không chấp nhận chuyện mình là người tàn tật, thậm chí anh còn tuyệt thực.

Trong thời gian ấy, ba mẹ đã ở bên động viên tinh thần con trai. Vì hoàn cảnh nên ba mẹ An vẫn phải đi làm. Cứ hết giờ, mẹ An lại tất bật chạy về nhà, việc đầu tiên là gọi con trai. Nghe thấy tiếng An thưa, bà mới yên tâm.

Thức tỉnh khi thấy nỗi vất vả của ba, sự hy sinh của mẹ

Mọi chuyện chẳng biết rồi sẽ đi về đâu, nếu như không có một ngày, An tìm ra động lực để “hồi sinh”.

Sau một cú ngã, Thạc sĩ điển trai bỗng thành tàn phế, bố phải bế, mẹ đút cơm và giây phút “hồi sinh” - Ảnh 4.

An trồng rất nhiều sen đá trong nhà, mỗi ngày ngắm chúng lớn lên để thấy sự sống luôn ở quanh mình.

Hiện anh là cộng tác viên tư vấn tâm lý cho Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long và Đài Phát thanh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Có lần, ba ẵm tôi đi chạy chữa, đi vào một con đường ven cánh đồng rất nhỏ. Tôi cảm nhận được ba mệt, nhưng ba không buông tay mà cố gắng ôm tôi vào lòng. Tôi nghe được từng nhịp tim của ba, những giọt mồ hôi của ba chảy xuống má tôi.

Mẹ tôi làm công nhân, để có thời gian chăm sóc cho tôi, bà chọn làm ca đêm. Cứ 10h tối, lúc người ta đi ngủ thì mẹ lóc cóc xách xe đi làm, đến sáng mới về. Mẹ nói chỉ cần tôi còn sống, còn hiện hữu thì ba mẹ sẽ làm cả đời để lo cho tôi.

Lúc đó, tôi nhận ra, nếu mình muốn buông rơi cuộc đời thì thật là ích kỷ. Tôi tự động viên mình phải vượt qua, phải thật sự có sự sống, không để mọi thứ trượt dài nữa. Tôi quyết tâm vực dậy, cố gắng để tương lai dù không thể đi đứng được nhưng có thể tự phục vụ được cho bản thân”, An nhớ lại.

Sau một cú ngã, Thạc sĩ điển trai bỗng thành tàn phế, bố phải bế, mẹ đút cơm và giây phút “hồi sinh” - Ảnh 6.

Ngoài thời gian cho công việc, An cũng tham gia các buổi chia sẻ với học sinh, sinh viên.

Sau một cú ngã, Thạc sĩ điển trai bỗng thành tàn phế, bố phải bế, mẹ đút cơm và giây phút “hồi sinh” - Ảnh 7.

Câu chuyện của An đã truyền cảm hứng và nghị lực sống cho rất nhiều người.

An chịu ngồi vào xe lăn, suy nghĩ tích cực. Chàng trai trẻ được các thầy hỗ trợ tập vật lý trị liệu, tập ngồi để đả thông huyệt đạo, tập các bài cơ bản cho máu huyết lưu thông, đôi chân có sức sống hơn. Động lực sống trong An trỗi dậy, mạnh mẽ hơn mỗi ngày.

An tự trồng rất nhiều cây sen đá, nhìn chúng lớn lên để cảm nhận sự sống vẫn ở quanh mình. Nhìn sự thay đổi của An, ba mẹ anh vui và hạnh phúc khôn tả.

Hiện tại, An đang là cộng tác viên tư vấn tâm lý trên sóng radio của Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long và Đài Phát thanh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, anh còn tham gia chia sẻ chuyên đề với học sinh, sinh viên ở các trường. Thu nhập từ những công việc này không thể bằng công việc của An ngày trước, nhưng so với hiện tại thì đủ để anh lo cho cuộc sống của mình.

Sau một cú ngã, Thạc sĩ điển trai bỗng thành tàn phế, bố phải bế, mẹ đút cơm và giây phút “hồi sinh” - Ảnh 8.

Trong tương lai, An mong có thể tìm được mảnh ghép của riêng mình.

Ngoài thời gian cho công việc, An chủ yếu ở nhà chăm cây, đi chùa, làm thiện nguyện. Tâm sự về chuyện tìm một người để gắn bó cuộc đời, An bộc bạch anh cũng mong nhưng có lẽ duyên chưa đến. Song thay vì trông ngóng, chờ đợi thì An sẽ tự bồi dưỡng bản thân về mặt sức khỏe, tinh thần, để tương lai nếu có thể tìm được mảnh ghép của mình thì cũng sẽ không quá trở thành gánh nặng cho người đó.

Nguồn: Gõ cửa thăm nhà, Ảnh: FBNV