Chị Ninh Lu (sống tại Hà Nội) là mẹ của bé Ali Thục Phương (9 tuổi). Ali là một cô bé hướng ngoại, hoạt ngôn, ưa vận động trải nghiệm, tò mò và dạn dĩ trước đám đông. Nhưng con cũng khá nhạy cảm, và dễ xúc động.
Ali được biết đến bởi khả năng hát và diễn xuất qua các vở nhạc kịch của VTV như vai Mèo Con trong vở nhạc kịch "Cái Tết của Mèo con" phát sóng tết nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, Tiên Răng Sún trong 2 mùa "Nhà Hát những giấc mơ". Trước đó cô bé cũng từng được viral bởi một số clip cộng đồng như: Rap lịch sử Bà Triệu, Lang Liêu, Clip thoát hiểm trên ô tô, phòng chống corona... Ngoài ra con cũng có khả năng giao tiếp, ứng biến lưu loát và xuất hiện trong một số game show truyền hình như "Nhanh Như Chớp Nhí", "6 Ô cửa bí ẩn" Cả nhà thương nhau, Siêu tài năng nhí...
Cô bé Ali cùng các nghệ sĩ nổi tiếng.
Xinh xắn, giỏi giang, ngoan ngoãn là những điều mà mọi người vẫn hay nói về cô bé Ali. Con luôn là một em bé hạnh phúc khi vừa được sống với đam mê, vừa có tuổi thơ như bao bạn bè bình thường. Đằng sau Ali là gia đình nhỏ luôn hỗ trợ, bên cạnh và tạo mọi điều kiện để con được phát triển toàn diện nhất. Và ai cũng tò mò không biết phương pháp chăm sóc và nuôi dạy của bố mẹ em bé thế nào để có một Ali đáng yêu như vậy.
Một em bé chỉ hạnh phúc khi có một người mẹ hạnh phúc?
Theo chị Ninh Lu, một người mẹ hạnh phúc là khi bản thân họ mang một nguồn năng lượng tích cực và lan tỏa đến những người họ yêu thương trong đó có con. Và vì mẹ gần con nhất nên cảm xúc của mẹ sẽ đến với con tự nhiên và sớm nhất. Vì vậy chọn gieo cho con cảm xúc nào là ở mẹ trước tiên.
Nhưng để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc thì phụ thuộc không chỉ vào người mẹ, mà còn bởi nhiều yếu tố xoay quanh đứa trẻ.
Dạy con không chỉ bằng lời nói mà dạy con bằng chính lối sống của ba mẹ, tạo cho con một thế giới đầy yêu thương, có nền móng là những giá trị đạo đức và sự tử tế để từ đó con vững tin vào chính mình, giàu lòng trắc ẩn và nhìn đời rộng lớn hơn.
Được mẹ tạo điều kiện, cô bé được sống với đam mê của mình.
"Làm mẹ đúng cách có lẽ là thử thách dài nhất mà mình phải đối mặt. Con bước vào bất kỳ tuổi nào thì mẹ cũng vẫn sẽ có những âu lo nhất định. Bời vì, chẳng có trường lớp nào dạy mình, làm sai không được xóa đi làm lại, cũng không được thử việc, nhảy việc... bỏ việc như nhiều nghề khác. Hiện tại, mình thấy mình là bà mẹ chịu khó học hỏi, chấp nhận sai và sẵn sàng sửa.
Như hầu hết các bậc cha mẹ khác, mình mong được đồng hành cùng con lâu dài, cùng con trải nghiệm cuộc sống, lắng nghe khi con cần, chỉ dẫn khi con hỏi và là chỗ dựa lúc con chông chênh. Còn mỗi đứa trẻ đều khác biệt nên cách dạy dỗ cũng không thể giống nhau. Chiến thuật cho mỗi đứa cũng phải thay đổi theo giai đoạn phát triển của chúng nữa", chị Ninh Lu trải lòng.
Muốn yêu con vô điều kiện, bố mẹ phải có điều kiện?
"Được làm mẹ thôi đã khó, mà giờ phải là mẹ hiền, mẹ đảm, mẹ giỏi, mẹ tâm lý, mẹ hạnh phúc, mẹ giàu nữa thì áp lực quá. Biết bao nhiêu là đủ? thế nào là giàu? Mỗi thời mỗi khác. Quan điểm của mình thì hầu hết bố mẹ đều yêu con vô điều kiện - vật chất không quyết định điều đó.
Nên bố mẹ sẽ luôn dành cho con điều kiện tốt nhất trong khả năng của mình tại mọi thời điểm trong đời bố mẹ thôi. Điều quan trọng nằm ở chỗ: Hãy quyết định sinh con khi bố mẹ đã sẵn sàng về thể chất và có trách nhiệm với một đứa trẻ. Chính trách nhiệm đó sẽ chỉ lối cho chúng ta về sự đủ đầy cần có.
Cô bé đáng yêu, mộc mạc ngoài đời.
Thế hệ của mình thì mình thấy không còn bị giới hạn trong vai trò nội trợ và chăm sóc gia đình nữa: đi làm kiếm tiền, vui chơi giải trí, học tập nâng cấp bản thân... vẫn có thể vừa phấn đấu sự nghiệp vừa chăm sóc gia đình.
Nhưng thế hệ bọn mình cũng nhiều áp lực hơn, nhiều bổn phận và trách nhiệm đòi hỏi khả năng cân bằng tốt hơn", bà mẹ trẻ nhận định.
Người lớn nâng đỡ, tôn trọng sự khác biệt của con như thế nào?
Theo mẹ Ali, khác biệt đến từ chính con, chứ không đến từ quan điểm của mình.
"Để mình kể cho bạn nghe một vài điều giúp mình nhận ra điều đó.
- Đầu tiên là mình phải hiểu con: Đừng giới hạn đứa trẻ trong hiểu biết của bản thân bởi chúng sinh ra vào thời gian khác bạn (Rabindranath Tagore)!
Hiểu rồi mới biết phải làm gì cho con. Mới ít bị xao lãng bởi vô số quan điểm ngoài kia mà gần nhất là tránh biến con trở thành bản sao của bố mẹ.
Cái này cũng phải khoa học một chút nhé, đứa trẻ nào chẳng sở hữu một loại trí thông minh nhất định. Mình biết con sở hữu trí thông minh vận động, thì không thể ép con ngồi ngoan xếp chân trong một không gian kín, bớt so sánh với con nhà người ta khi con chẳng thể dịu dàng, không phán xét ca thán rằng sao con có thể chạy nhảy suốt cả một ngày?
Con có trí thông minh âm nhạc, thì đừng đặt lên vai con kỳ vọng phải học toán siêu phàm, chứng chỉ này huy chương nọ... bù lại hãy vui khi ngày nào con cũng hát ông ổng trong nhà tắm, vỗ tay khi con lên trọn vẹn một nốt cao hay đôi khi là tán dương khi con hoàn thiện hết 1 bản nhạc.
Hiểu con là tìm ra và tôn trọng sự khác biệt của con. Ông bà mình nói "Cha mẹ sinh con trời sinh tính". Đứa trẻ nào cũng có những bản năng, cá tính riêng biệt và nó chỉ bung ra hết khả năng khi được là chính mình.
Con sở hữu những giá trị nổi bật nào thì giúp con gìn giữ và phát triển giá trị đó.
- Thứ 2: Nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình, điều này mình có nghe của một vị Thầy, là nếu chỉ sống làm gương và yêu thương vỗ về như một lẽ tất nhiên thì chưa đủ. Mà phải sẵn sàng thay đổi, lắng nghe, căn chỉnh lại sợi dây yêu thương để vừa vặn với con.
Bố mẹ tự hào nếu con cái mang nét giống mình. Nhưng mỗi thời mỗi khác, mình cũng còn đang phải đối mặt với cả tá quan điểm khác biệt thế hệ giữa mình và bố mẹ mình cơ mà. Vậy nên, hiểu con rồi thì phải tôn trọng con, để con được là chính con. Lùi lại để con được quyết định, được lựa chọn, được sai, được học bài học chịu trách nhiệm. Thước đo trưởng thành là khi biết chịu trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh đó thôi", bà mẹ trẻ nhận định.
Con có thực sự là một em bé hạnh phúc?
Ali luôn được ngưỡng mộ vì là một cô bé được sống đúng đam mê và độ tuổi của con. Một cô bé luôn nở nụ cười, luôn được làm điều mình thích chắc chắn sẽ luôn hạnh phúc. Khi được hỏi, con có thực sự hạnh phúc hay không, chị Ninh Lu chia sẻ: "Dẫu còn có những cảm xúc không vui trong ngắn hạn lấn át một trong hai, nhưng:
Chúng mình hỏi nhau hàng ngày "Con có yêu mẹ không?" - "Mẹ có yêu con không" và lặp đi lặp lại "mẹ yêu con", "con yêu mẹ", "love you"... Chúng mình dành cho nhau nụ hôn hàng sáng trước khi đi học đi làm và hàng tối mỗi lúc lên giường đi ngủ. Khi nào mình còn cảm nhận dược con và ngược lại thì mình nghĩ cả hai đều đang hạnh phúc", bà mẹ trẻ trải lòng.
Mỗi em bé trên thế giới này đều xứng đáng nhận được hạnh phúc. Và sau mỗi đứa trẻ hạnh phúc là những người lớn nâng đỡ, tôn trọng sự khác biệt của con.