Đất rừng bị đào phá nham nhở mang đi bán
Nhiều ngày qua, người dân ở xóm 10 xã Nam Lộc cũ nay là xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn, Nghệ An) bức xúc với tình trạng một nhóm người mang máy múc cỡ lớn lên khu vực núi của xóm này để lấy đất. Hàng ngày, có đến cả trăm lượt xe tải rần rần ra vào để lấy đất rồi đi đổ cho các công trình trong và ngoài địa bàn.
"Ngày nào xe tải cũng chạy rầm rầm vào ra lấy đất, bụi bay mù mịt. Họ chạy xe lấy đất cả mấy tuần nay, ngọn núi bị cắt phẳng mất một góc lớn rồi", anh Thiện trú xã Khánh Sơn 1 (Nam Đàn) chia sẻ với PV.
Video một diện tích rừng lớn bị "đất tặc" đào phá nham nhở mang đi bán ở Nghệ An
Được biết, khu rừng nơi nhóm người trên lấy đất là khu rừng sản xuất thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn. Ngọn núi này được người dân thường gọi tên là núi Quải Bát, thuộc dãy núi Thiên Nhẫn.
Phía dưới chân núi Quải Bát là hàng chục hộ dân đang sinh sống. Đặc biệt là khu đền Tống Thất Thắng nằm ngay dưới chân núi, sát ngay khu vực nhóm người lấy đất, khiến cảnh quan xung quanh đền bị tàn phá nham nhở.
Phía dưới vị trí bị lấy đất là đền thờ Tống Thất Thắng và hàng chục hộ dân sinh sống.
Có mặt tại hiện trường, PV ghi nhận một phần diện tích đất lớn của ngọn núi Quải Bát đã bị san phẳng. Nhóm người này đã mở một con đường bên cạnh nhà dân để lên núi khai thác đất. Theo người dân, đất từ ngọn núi này được lấy đi bán cho một số công trình cả trong và ngoài địa bàn xã.
Mặc dù việc khai thác đất này đã diễn ra từ lâu nhưng theo người dân thì không thấy cơ quan chức năng nào đến kiểm tra cũng như xử lý.
Hàng nghìn m3 đất đã bị đào lấy đi bán.
"Họ hoạt động từ lâu lắm rồi chỉ mới nghỉ có 3-4 ngày nay. Giờ ngọn núi bị lấy mất đất, cắt nham nhở, cây cối bị đào chỏng chơ, đá từng cục lớn trồi ra ngoài nhìn mà hãi. Mưa lớn, sợ đất đá sẽ sạt xuống nhà dân thì thiệt hại không biết sẽ như thế nào", một người dân sống dưới chân núi bị lấy đất chia sẻ.
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Lê Sỹ Kiệt - Bí thư xã Thượng Tân Lộc cho biết, phía xã đã nắm được việc ngọn núi trên địa bàn xã bị một số người lấy trộm đất. Ngày 13/11, xã này đã có lập biên bản về sự việc trên.
Người dân cho biết, nhóm người lạ vào lấy đất diễn ra từ rất lâu nhưng không bị cơ quan chức năng nào xử lý.
Ban quản lý rừng đặc dụng lập biên bản, yêu cầu dừng khai thác đất
Trao đổi với PV, ông Đậu Đình Hùng - Quyền Trưởng Ban Quản lý rừng Đặc dụng huyện Nam Đàn xác nhận về việc một phần diện tích rừng do đơn vị này quản lý đã bị một số người múc trộm đất. Tuy nhiên, vị này cho biết sự việc diễn ra trong các ngày nghỉ nên đơn vị này không nắm được.
Đến ngày 14/11, phía Ban Quản lý rừng Đặc dụng huyện Nam Đàn biết sự việc nên đã đến hiện trường lập biên bản sự việc, yêu cầu nhóm người này dừng ngay việc khai thác đất, xâm phạm đến khu rừng.
Núi bị đào lấy đất nham nhở, phía dưới là hàng chục hộ dân sinh sống. Người dân lo ngại trời mưa sẽ khiến đất đá bị sạt lở xuống.
Theo biên bản của Ban Quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn lập vào lúc 8h ngày 14/11 thể hiện, khu vực rừng xóm 10 xã Nam Lộc cũ (nay là xã Thượng Tân Lộc) bị đơn vị khai thác đất của ông Lê Huy Dũng (SN 1977, trú xã Nghi Long, Nghi Lộc Nghệ An) khai thác và vận chuyển đi nơi khác với diện tích 0,2 ha thuộc lô 2, khoảnh 7, tiểu thu 1018 thuộc địa giới hành chính xã Nam Lộc (cũ).
Khu vực rừng bị lấy đất đem đi là rừng sản xuất thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn theo quyết định số 48/2014/QĐUBND ngày 15/8/2014 của UBND tỉnh Nghệ An. Hiện trạng rừng là rừng keo, bạch đàn phục hồi sau cháy.
Biên bản cũng thể hiện, khi đơn vị chức năng kiểm tra hồ sơ giấy tờ thì đơn vị khai thác đất không có hồ sơ nào được các cơ quan chức năng cấp phép liên quan đến việc múc đất tại khu vực nói trên.
Mọt con đường lớn được mở ngay cạnh nhà dân để lên núi đào lấy đất.
Sau khi lập biên bản, Ban Quản lý rừng Đặc dụng huyện Nam Đàn yêu cầu dừng tất cả các hoạt động khai thác đất trái phép nói trên ở khu vực này. "Nếu đơn vị cố tình khai thác phải chịu hoàn toàn trước pháp luật", biên ban ghi rõ.
Quyền Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn chia sẻ thêm, bước đầu đơn vị này đã lập biên bản với đơn vị khai thác đất và hiện đang tiếp tục xác định thêm vị trí khai thác đất này chính xác ở địa giới nào là rừng sản xuất hay rừng đặc dụng hay rừng đã được giao cho người dân để có hướng báo cáo và xử lý.
Chiếc máy múc đào đất vẫn đang được để lại tại hiện trường. Khu vực núi bị đào đất tạo thành bức tường cao nham nhở.
"Hiện chúng tôi đang giao cho cán bộ kiểm tra và có báo cáo cụ thể đối tượng đó là rừng sản xuất hay rừng đặc dụng. Và xem đất rừng đó đã được giao ho các hộ dân quản lý chưa.
Họ (đơn vị lấy trộm đất - PV) làm ngày thứ 7, chủ nhật, thành ra là công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Theo như nắm tình hình ở đây thì khả năng sẽ lấn sang rừng của Ban quản lý", ông Hùng nói và cho biết, dù khu vực bị khai thác đất là rừng gì thì việc không có giấy phép là hoàn toàn sai.