Nhà văn Pháp Romain Rolland từng nói, trong hôn nhân ai cũng phải "trả giá", sự cho đi và nhận lại cũng như quy luật cung cầu.
Bước vào hôn nhân là khi cả 2 chấp nhận đáp ứng những nhu cầu của nhau, quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ. Một khi việc cho và nhận không duy trì được sự cân bằng, rạn nứt là điều khó tránh khỏi. Cũng như câu chuyện của Ngân và Sơn.
Ngân và Sơn gặp nhau trong một buổi liên hoan. Cô ấn tượng bởi vẻ ngoài lãng tử cùng nụ cười tỏa nắng của anh. Còn Sơn lại đặc biệt thích sự dịu dàng, hiền hậu trong con người Ngân. Cứ như thế họ trở thành 1 đôi khiến bao người ngưỡng mộ.
Thời gian họ yêu nhau cũng có vui, có buồn, có hờn giận và cãi vã. Nhưng sau cùng Ngân luôn là người kết thúc vấn đề. Bởi cô coi trọng mối quan hệ này hơn việc đánh giá ai đúng ai sai.
Mỗi lần đi ăn, đi chơi, Sơn luôn là người quyết định còn Ngân sẽ lo khâu chuẩn bị.
Mỗi lần bàn 1 kế hoạch hay công việc chung nào đó Ngân có đưa ra ý kiến thế nào thì sau cùng cô vẫn nghe theo sắp đặt của bạn trai.
Sau 1 năm yêu nhau thì Sơn đề nghị bạn gái dọn về sống chung. Thực chất trong lòng Ngân không đồng ý nhưng anh đưa ra lý lẽ: sống thử sẽ tiết kiệm nhiều chi phí, được gần nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn, là tiền đề cho hôn nhân sau này. Cứ như vậy Ngân lại miễn cưỡng gật đầu.
Ngân luôn nhượng bộ và dễ dàng thỏa hiệp. Cô nghĩ làm cách này sẽ tránh được xung đột và mối quan hệ luôn tốt đẹp, nhưng cô đâu biết được rằng, đây là những khởi đầu cho sự đánh mất bản thân.
6 tháng sau thì họ cũng tổ chức đám cưới. Ngân mang thói quen và quan điểm nhu nhược ấy vào hôn nhân để rồi, mọi chịu đựng cứ ứ đọng dần thành khối.
Sơn không muốn tổ chức tiệc rượu linh đình vì anh cho rằng như thế là tốn kém. Sơn thấy không cần thiết đi trăng mật vì hồi yêu nhau họ cũng đi chơi nhiều rồi. Sơn không muốn vợ đi tập ở phòng tập vì chẳng phải chạy bộ ngoài công viên cũng là tập thể dục sao. Sơn cũng không thích vợ mua quần áo váy vóc trong trung tâm thương mại vì nó đắt đỏ hơn nhiều so với đồ ở chợ. Sơn thích quản lý chi tiêu vì anh nghĩ như thế sẽ để ra được nhiều tiền hơn…
Thậm chí anh ta còn không muốn sinh con vì "đang còn trẻ, không thể làm ngày làm đêm để đi nuôi 1 đứa bé, nó quá phức tạp".
Cứ ngỡ đó là những cảm xúc nhất thời, suy nghĩ bột phát nhưng không, Sơn tìm mọi cách để ngăn chặn Ngân có thai. Đó là giọt nước tràn ly khiến Ngân không thể chịu đựng được nữa. Cô quyết định chiến tranh lạnh để Sơn 1 mình suy ngẫm. Đây được coi là hành động cứng rắn nhất cô làm suốt bao năm quen biết anh.
Kết quả là anh ta đòi ly hôn vì thấy 2 người không còn chung chí hướng. Ngân đau đớn nhìn lại, suốt 3 năm ở bên anh ta Ngân đã chịu đựng quá lâu và đánh mất quá nhiều. Cô đánh mất chính sự tự tôn vốn phải có của 1 người phụ nữ.
Ngày cầm quyết định của tòa án, Ngân mỉm cười thanh thản, cô quyết đi ăn 1 bữa thật ngon theo khẩu vị của mình chứ không phải theo sở thích của chồng như trước kia.
Giây phút cô rút ví thanh toán chiếc váy mình yêu thích trong trung tâm thương mại Ngân mới thấy, được sống là chính mình hạnh phúc đến thế nào.
Nhiều phụ nữ tự dằn vặt mình trong các mối quan hệ, họ nghĩ rằng chỉ cần nhượng bộ đàn ông sẽ hiểu và yêu thương họ nhiều hơn. Nhưng sự thực, bạn lùi 1 bước, đối phương sẽ tiến thêm 1 bước, ngày càng kiểm soát và thao túng bạn dễ dàng.
Hôn nhân là sự kết hợp của 2 con người độc lập, nhưng điều này không có nghĩa là những người bước vào hôn nhân sẽ đánh mất tính độc lập của mình.
Dù tình yêu có sâu sắc thế nào thì cũng hãy nhớ, chúng ta cần giữ vững sự độc lập về kinh tế, tinh thần, tính cách. Đồng thời bạn phải xác lập ranh giới cần thiết để đối phương không kiểm soát quá giới hạn.
Một người đàn ông yêu bạn thực sự sẽ không bao giờ yêu cầu bạn phải hi sinh. Ngược lại họ sẽ hiểu và chấp nhận những thiếu sót của bạn, yêu bạn theo cách vẹn tròn nhất.