Kế thừa tinh hoa của Buk-M2: Mỹ-phương Tây cần chuẩn bị đối phó
Thông báo với hãng tin TASS, đại diện Bộ Quốc phòng Nga khẳng định:
“Kết quả kiểm tra thực địa cho thấy, Buk-M3 đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật đề ra và tương đương với S-300, thậm chí vượt qua hệ thống này ở một số tính năng. Buk-M3 có xác suất tiêu diệt mục tiêu tới 99,9%, một khả năng mà hệ thống S-300 không đạt được. Điều đó có nghĩa Buk-M3 có thể diệt mục tiêu với chỉ 1 quả tên lửa duy nhất”.
Với đạn tên lửa mới thông minh hơn, hệ thống điều khiển hỏa lực đa kênh được số hóa, khả năng chiến đấu của tổ hợp tên lửa phòng không nâng cấp Buk-M3 được tăng cường đáng kể so với các thế hệ tiền nhiệm, nhất là phiên Buk-M2 mới ra đời không lâu.
Theo Tạp chí National Interest (Mỹ), Buk-M3 với những đột phá lớn khi không chỉ kế thừa toàn bộ những tính năng kỹ chiến thuật vượt trội vốn có của họ tên lửa Buk, mà còn cập nhật những công nghệ mới nhất, cho phép nó có thể đánh chặn các mục tiêu bay hiện đại nhất, trong đó có các loại tên lửa hành trình được áp dụng sâu công nghệ tàng hình.
Nhà phân tích quân sự người Mỹ Dave Majumdar nhận định, Buk-M3 là một trong những hệ thống phòng không đáng sợ, là mối đe dọa lớn cho các chiến đấu cơ phương Tây và Mỹ cần phải chuẩn bị để đối phó với hệ thống này.
Mặc dù chưa được thực chiến, nhưng nhờ kế thừa toàn bộ những tính năng ưu việt của họ tên lửa Buk nổi danh, và thể hiện qua các bài thử nghiệm khắt khe, Buk-M3 chắc chắn là lá chắn phòng không tầm trung thuộc loại tốt nhất thế giới hiện nay.
Cụ thể, theo Izvestia, cuộc diễn tập diễn ra vào cuối tháng 2 năm 2021 tại căn cứ Lữ đoàn phòng không số 67 thuộc Quân khu phía Nam của Nga, các tổ hợp Buk-M3 đã tiêu diệt máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ ở vùng núi trong môi trường nhiễu nặng.
Tiếp đó, vào tháng 8/2021, các kíp chiến đấu của lữ đoàn phòng không của Quân khu Trung tâm, Nga đã chứng minh độ chính xác 100% của hệ thống tên lửa mới nhất Buk-M3 trong cuộc diễn tập bắn đạn thật tại bãi tập Kapustin Yar ở Vùng Astrakhan.
Trong cuộc diễn tập này, tên lửa Saman giả định là đối phương tập kích với tốc độ khoảng 1.000 km/h, từ nhiều hướng và độ cao khác nhau, dù bị chế áp điện tử mạnh, nhưng các kíp chiến đấu tên lửa Buk-M3 đã phóng đạn diệt các mục tiêu ở cự ly 35 tới 65km.
Còn vào năm năm 2016, Buk-M3 cũng đã diệt thành công 1 mục tiêu đạn đạo chính ở thao trường này.
Các thế hệ tên lửa Buk, trong đó Buk-M3 là phiên bản mới nhất.
Đẳng cấp mới của "sát thủ diệt Tomahawk"
Nếu như phiên bản tiền nhiệm Buk-M2 đã qua thực chiến và chứng minh một cách xuất sắc về hiệu quả chiến đấu thì Buk-M3 chắc chắn còn hơn thế.
Chúng ta hãy cùng nhìn lại những trận đánh rực lửa của Buk-M2 ở Syria mà trong đó đỉnh cao là bẻ gãy đợt tập kích bằng tên lửa hành trình tối tân của liên quân Mỹ-Anh-Pháp để thấy vì sao họ tên lửa Buk, mà Buk-M3 có lẽ là phiên bản đời chót, xứng đáng được mệnh danh là "sát thủ diệt Tomahawk".
Vào tháng 4 năm 2018, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã ồ ạt phóng hơn 100 quả tên lửa hành trình tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu ở Syria.
Một trong những hướng tấn công nguy hiểm nhất trong chiến dịch chớp nhoáng này là thung lũng Beqaa, nơi các tên lửa hành trình Tomahawk thuộc phiên bản mới nhất MK IV lợi dụng địa hình địa vật, bay bám mặt đất ở độ cao cực thấp để tránh bị radar phát hiện, nhưng chúng đã không thể lọt qua được lưới lửa do các tổ hợp tên lửa Buk-M2 của phòng không Syria đã giăng sẵn.
Thậm chí, tên lửa hành trình tàng hình của Mỹ phóng đi từ máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer cũng bị phòng không Syria với chủ lực là Buk-M2E (phiên bản xuất khẩu của Buk-M2) và Pantsir-S1 đánh chặn thành công.
Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov đánh giá trong khi hệ thống phòng không Syria vất vả đối phó với đợt không kích của Mỹ và liên quân, thì Buk-M2E vẫn làm tốt vai trò của mình.
Tổ hợp tên lửa Buk-M2 của phòng không Syria khai hỏa.
Dưới đây là nhưng ưu điểm vượt trội của tổ hợp tên lửa thế hệ mới này:
Thứ nhất, số đạn sẵn sàng phóng tăng, đồng nghĩ với việc có thể cùng lúc bắn nhiều mục tiêu. Điểm khác biệt dễ nhận biết nhất của tổ hợp Buk-M3 so với Buk-M2 là việc nó được trang bị 6 đạn tên lửa đặt trong ống phóng kiêm ống bảo quản kín, nhiều gấp rưỡi số đạn so với phiên bản cũ.
Thứ hai, đạn 9M317M mới có hiệu quả chiến đấu tốt gấp 2 lần so với thế hệ trước, đánh chặn hiệu quả các mục tiêu bay hiện đại ở cự ly từ 2,5 tới 70km; trần bắn đạt 40km và tốc độ bay của đạn chạm mốc 3km/giây. Xác suất trúng đích 9M317M đối với các mục tiêu khí động học thông thường đạt tới 99%, cao hơn nhiều so với tổ hợp tên lửa S-300.
Tên lửa có chế độ "bắn và quên", không cần tín hiệu điều khiển từ đài dẫn mặt đất, cho phép Buk-M3 có khả năng ẩn giấu tốt, đối phương hầu như không có cơ hội phản đòn bằng tên lửa bức xạ diệt radar.
Buk-M3 có khả năng tiêu diệt máy bay tàng hình ở khoảng cách lên đến 40 km, tên lửa đạn đạo chiến thuật ở khoảng cách 25 km, tên lửa hành trình ở khoảng cách 20 km, diệt radar mặt đất ở khoảng cách 15 km và máy bay trực thăng ở khoảng cách 12 km. Theo dõi 36 mục tiêu cùng lúc, thời gian phản ứng không quá 10 giây.
Thứ ba, triển khai và thu hồi cực nhanh, cơ động trên mọi địa hình. Đây là một trong những yếu tố sống còn của bất cứ hệ thống tên lửa phòng không nào trong chiến tranh hiện đại. Mặc dù vẫn là phóng nghiêng, nhưng tên lửa của Buk-M3 ứng dụng phương pháp phóng nguội tương tự như trên các tổ hợp tên lửa S-300 hay S-400, nhờ đó, giúp giảm thời gian phản ứng của tổ hợp.
Đặt trên khung gầm xe bánh xích, Buk-M3 có khả năng việt dã tốt, vượt mọi địa hình để tiếp cận các vị trí triển khai trận địa tối ưu nhất và đủ sức bám sát, che đầu cho các cánh quân.
Thứ tư, tác chiến kết nối mạng với vai trò là trung tâm chỉ huy. Buk-M3 vừa có thể kết nối với các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Tor-M2 để tạo thành lưới hỏa lực đa tầng, vừa có thể đóng vai trò trung tâm chỉ huy, truyền tham số và phân chia hỏa lực cho từng tổ hợp phòng không trong mạng lưới để tăng xác suất diệt mục tiêu nhưng lại tiết kiếm đạn tối đa.
Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 do Nga chế tạo