Bánh khọt cụ Be đã tồn tại được hơn 40 năm ở con hẻm nhỏ Nguyễn Hữu Hào (Q.4, TP. HCM). Không khó để tìm thấy sạp bánh nhỏ với hình dáng cái lưng còng của cụ Lê Thị Be (83 tuổi) trong con hẻm này. Sạp nhỏ có đặt vài cái ghế phía trước để khách có thể ghé đến và thưởng thức tại chỗ.
Sạp nhỏ bắt đầu bán từ 7 giờ sáng đến 12 giờ, hoặc 13 giờ, tùy hôm. Có hôm bán được, hết sớm cụ Be được về sớm nghỉ ngơi. Những ngày chay thì đỡ đần hơn, người ta đặt cụ làm bánh chay nên cũng nhanh hết.
Cụ kể, mình đã bán thức quà này từ lâu lắm rồi, và cũng chỉ bán nó đến giờ. Trước kia, cụ còn bán kèm cháo trắng, cháo chay nhưng khi tuổi cao sức yếu, một mình không thể đảm đương nhiều công việc, cụ chỉ tập trung vào việc bán bánh khọt chay.
Món bánh khọt chay đầy tâm tình người bán
Với hình ảnh tấm lưng còng, khuôn mặt khắc khổ và món ăn đặc biệt, quán bánh khọt chay của cụ cũng được một số người biết đến. Họ có đến quay clip, giới thiệu, nhưng không vì thế mà quán ăn đông hơn. Nó vẫn bình lặng, giản dị núp dưới tán cây của một con hẻm nhỏ. Chỉ hiếm hoi những vị khách quen mới ghé lại, còn không, người ta cứ chạy vụt qua khỏi thức quà bình dị này.
Chính vì lẽ đó mà chị Út (55 tuổi), con gái Út của cụ Be cho biết, quán có những vị khách quen là người già. Phần vì họ hay ăn đồ chay, phần vì họ đã quen với hình ảnh cụ Be ngồi bên bếp lửa đỗ từng cái bánh khọt với hương vị khó quên.
Món bánh khọt chay không hẳn là khó làm nhưng hương vị bánh khọt chay ở chỗ cụ Be mới là độc nhất vô nhị. Theo cụ, bột bánh cũng do chính tay cụ làm, chứ không dùng bột mua sẵn. Có như vậy vỏ bánh mới ngon, ai muốn ăn giòn thì chọn cái giòn, ai muốn ăn mềm thì chọn cái mềm, dù để bao lâu thì vỏ bánh vẫn không thay đổi.
Ngoài ra, một nét đặc biệt đó chính là nước mắm cũng chính tay cụ Be pha. Tất cả mọi nguyên liệu cụ đều muốn tự tay mình chuẩn bị từ tối hôm trước.
Mỗi ngày, cụ Be chỉ đổ đúng một thau bột nhỏ, không đổ hơn. Phần nhiều là vì sức khỏe không cho phép, chỉ có một mình cụ Be cáng đáng chuyện chuẩn bị nguyên liệu rồi buôn bán nên cụ cũng không làm được nhiều.
Bởi thế, nếu khách đến trễ thì không thể thưởng thức mặc dù với cương vị chủ quán, bà cụ cũng muốn được bán nhiều hơn, có đồng ra đồng vào. Nhưng ngặt nỗi, không có ai phụ giúp!
Mỗi chiếc bánh khọt chay cụ Be bán với giá 5 nghìn đồng nếu mua lẻ, còn bình thường thì sẽ bán theo hộp từ 20-30 nghìn đồng. Nói chung, bao nhiêu cụ cũng bán. Hộp bánh khọt đầy ụ, màu vàng tươi óng ánh, nóng hổi mới ra lò trông rất hấp dẫn và thích mắt.
Mặc dù để qua một thời gian dài nhưng bánh vẫn có độ giòn nhất định do được chiên nóng, ngập dầu, bên trong mềm, xốp và thơm. Không quá cầu kỳ, đặc biệt, chỉ cần ăn cùng chút nước mắm chua ngọt đã thấy đủ hương vị cho một bữa ăn.
Gánh nặng và niềm vui tuổi già
Tiếp chuyện nhiều nhất với tôi là chị Út. Bởi cụ Be đã không còn minh mẫn, nhanh nhẹn nên chị đến phụ giúp, đỡ đần bà ít nhiều công chuyện buổi sáng. Chị Út chia sẻ, cụ Be có 3 người con, trong số đó 1 người bị thận còn 1 người bị tim, còn mỗi chị khỏe mạnh và đang làm việc ở nhà máy. Thế nên, việc buôn bán của cụ không có ai đỡ đần nhiều khi 2 người con kia đều có sức khỏe yếu.
Chị Út kể, trước kia người chị bị thận có đến phụ giúp cụ Be ít nhiều nhưng sau đó không còn đủ sức nữa nên chị mới ra phụ. Mỗi sáng, cụ Be dậy lúc 4 giờ sáng rồi ra dọn dẹp quán từ từ. Đợi đến tầm 7 giờ chị Út sẽ đến, đổ bánh bằng hết cả thau bột được cụ Be chuẩn bị trước rồi mới đi làm.
Chị sợ để cụ đổ bánh thì nguy hiểm khi mắt cụ đã mờ. Mấy năm trước cụ Be vẫn còn đủ sức khỏe để tự tay đổ bánh, nhưng năm nay thì khác, mắt cụ đã mờ, tay chân cũng không còn nhanh nhẹn nên người con gái phải đỡ đần. Sau khi đỗ xong hết bánh chị Út mới yên tâm để cho cụ bán.
Chị Út cho biết, bà bán mỗi ngày được hơn 300 nghìn, giá vốn cũng đã 200 nghìn đồng, vậy cũng chỉ lời có hơn 100 nghìn đồng. Số tiền lời ít ỏi dường như chỉ dành cho những người bán vì "đam mê" nhưng đằng sau cụ Be còn phải nuôi thêm người con bị thận, không có khả năng lao động.
Tuy vậy, đó cũng là niềm vui nho nhỏ của cụ Be khi mỗi ngày đều có một công việc để làm, một niềm vui trong cuộc sống.
Chị Út chia sẻ: "Đủ thì làm sao đủ được. Mình chỉ gói ghém mà sống thôi. Giờ chỉ có mỗi bà và chị bị thận sống với nhau, nói đủ thì không bao giờ đủ nhưng cũng có thể xoay sở."
Cuộc sống mỗi ngày vẫn trôi qua, sạp nhỏ bánh khọt chay của cụ Be vẫn ở yên dưới tán cây sau chục năm. Người quen ghé đến vì hương vị, người lạ ghé đến vì nghe tiếng. Mong rằng, sạp bánh khọt chay của cụ Be sẽ ngày càng một đông đúc, để cụ có thể về sớm mỗi ngày.