Áo phao là một trong những vật cứu sinh quan trọng mỗi mùa mưa lũ, giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại về người. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng bán áo phao cho biết, do nhu cầu cao nên sản phẩm này đã hết hàng, người mua trả giá cao đến đâu cũng không có để bán.
Ý tưởng dùng chai nhựa bỏ đi để làm áo phao cứu sinh đã xuất hiện cách đây 3 năm trong cuộc thi “Sáng kiến cộng đồng 2017” do Tạp chí Khám phá và Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM phối hợp tổ chức. Tác giả là 3 em học sinh Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Võ Thị Ngọc Lan (lớp 5, Trường Tiểu học Bình Mỹ, ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ).
Sáng chế "Áo phao cứu sinh từ chai nhựa" này cũng từng giành giải nhất bảng A, cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2017” do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức.
Em Trâm từng chia sẻ, sáng chế này xuất phát từ tình hình thực tiễn nơi các em sống. “Em được sinh ra và lớn lên ở vùng quê sông nước Cần Giờ. Khi đến trường, em cảm nhận ra chặng đường đến trường của các bạn học sinh còn nhiều khó khăn, vất vả. Vì nơi em sống, các bạn, các em nhỏ ở xa đi học phải di chuyển bằng ghe, xuồng.
Cuộc sống gia đình còn khá vất vả và khó khăn nên cũng khó trang bị cho các bạn một chiếc áo phao cứu sinh để đề phòng khi tai nạn xảy ra, từ đó tụi em đã nảy ra ý tưởng thiết kế những chiếc áo phao để tặng cho các bạn”, nữ sinh cho biết.
Để làm ra sản phẩm này, các thành viên trong nhóm đã buộc 5 chai nhựa loại 1,5 lít với nhau bằng dây bẹ. Sau đó, để chai không tuột khỏi dây khi sử dụng, các em dùng dây cước cố định dây bẹ vào chai. Ngoài ra, Trâm và hai bạn còn gắn thêm móc khóa an toàn, cho phép người dùng tùy chỉnh kích thước phù hợp một cách dễ dàng.
Nguyên vật liệu để làm áo phao tái chế này khá đơn giản. Nhóm học sinh đã xin chai nước bỏ đi tại các tiệm tạp hóa gần nhà, dây bẹ và keo do thầy cô đóng góp, còn móc khóa được tái sử dụng từ những chiếc áo phao đã cũ.
Độc giả Quốc Ấn Mai nhận xét trên trang cá nhân: “Tôi thấy nhiều anh chị vận động mua áo phao cho bà con mùa lũ. Chi phí này khá lớn và tốn kém, chưa kể thời gian vận chuyển lâu từ Hà Nội vô hay Sài Gòn ra.
Việc tận dụng chai nhựa làm áo phao chính là tái chế rác thải nhựa, rất tốt cho môi trường. Đặc biệt là ngay tại những vùng còn khô ráo trước khi đi vào tâm lũ có thể triển khai ngay. Đoàn viên thanh niên hay quân đội, công an, nhà từ thiện hay bất kỳ người dân nào, kể cả trẻ em, cũng có thể làm được. Giải pháp này còn có thể thực hiện sau lũ để treo trên trần nhà, để dành cho năm sau”.
Chị Hoàng Thị Hiền - chuyên gia giáo dục sáng tạo Toàn cầu của Microsoft, CEO tại X-GEN Education Co.ltd - cũng có quan điểm tương tự. Mới đây, chị đã kêu gọi cộng đồng giáo viên và học sinh chung tay tìm hiểu và thực hiện dự án làm bè và phao tái chế để có thể hỗ trợ người dân miền Trung.
Một dạng bè nổi làm từ các chai nhựa tái chế.
Chia sẻ trên trang cá nhân, chị Hiền viết: “Vùng chưa lụt hỗ trợ vùng lụt, vùng lụt ít hỗ trợ vùng lụt nhiều hơn, vùng có thể bị lụt làm sẵn để dùng khi cần. Mùa lũ lụt còn kéo dài đến hết tháng 12 ở rải rác cả các tỉnh miền Trung. [...] Mình cứ người cũng đeo chai, bè cũng bằng chai vẫn hay hơn ngồi trên nóc nhà chờ nước ngập”.
Anh Trần Thanh Điểu - chủ doanh nghiệp Yorda chuyên về các sản phẩm từ đá tự nhiên - lại đề xuất việc ống nước nhựa loại đường kính lớn kết bè nổi. Theo anh, đây là giải pháp nhanh để hỗ trợ bà con vùng lũ. “Nguồn vật tư có sẵn tại địa phương, lắp ghép nhanh và cơ động”, anh chia sẻ trên trang cá nhân. Thậm chí, anh Điểu còn cung cấp cả bản vẽ bè nổi để ai có nhu cầu làm theo có thể tự thực hiện.
Một mẫu bè nổi làm từ ống nước đường kính lớn.
Nhìn chung, cộng đồng mạng đánh giá cao việc tái chế đồ cũ để làm phao cứu sinh và bè nổi. Nhiều người cho biết, các sáng chế trên đều rất hay và sáng tạo, cách làm đơn giản nên các hộ gia đình vùng lũ có thể chủ động trang bị cho mình. Dù còn nhiều hạn chế nhưng chúng là những giải pháp có ích và đáng được lan tỏa rộng rãi trong tình hình cấp bách hiện nay.
(Tổng hợp)