Theo Statista, một người cứu đã chỉ ra rằng có 67% và 56% lần lượt là Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) và Gen Y (đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990) cảm thấy hối hận khi mua sắm vào ngày Black Friday - một trong những ngày giảm giá lớn nhất năm. Dù là thời điểm tuyệt vời nhất để mua đồ với giá cả phải chăng, một số người vẫn có những khoản chi tiêu tưởng chừng như tiết kiệm nhưng thật ra vô cùng lãng phí.
Chỉ mua những đồ không giảm giá
Thông thường trong một cửa hàng, không phải món đồ nào cũng giảm giá ngày Black Friday. Có những sản phẩm giảm đến 70%, song phần lớn chỉ được chiết khấu 10-20%, thậm chí là nguyên giá.
Susan (24 tuổi) đi mua sắm vào dịp Black Friday gần đây, song cô đã vô cùng hối hận. “Phần lớn mình mua đồ giảm giá 10%, vài món khác còn không giảm giá. Cùng với thói quen thường sẽ mua 2-3 món trong 1 cửa hàng, bởi vì tiếc nuối thời gian đã bỏ ra, do vậy gần như những món đồ mình mua không được tính là săn giá hời".
Bên cạnh đó, cửa hàng trong ngày Black Friday sẽ có cách sắp xếp thu hút mắt, điều này khiến cô bạn 24 tuổi muốn chi tiền nhiều hơn. Dù đã lên kế hoạch từ trước, Susan vẫn không thể kiểm soát bản thân mua thêm một số món đồ ngoài dự kiến.
Bây giờ, khi nhìn lại những sản phẩm đã mua, Susan chia sẻ rằng khoảng 20% trong số đó cô sẽ không sử dụng với tần suất lớn hay thậm chí không đụng đến.
Lisa Barber, biên tập viên dịch vụ và sản phẩm gia dụng, cho biết: “Qua rất nhiều mùa giảm giá, tôi nhận thấy rằng Black Friday không phải là thời điểm tốt nhất để nhận được chiết khấu cao. Tất nhiên, với những khách hàng sẵn sàng canh đúng thời gian giảm giá sâu nhất của từng thương hiệu và nghiên cứu trước khi mua sắm vẫn có thể tìm được chiết khấu tốt”.
Viện Tiêu chuẩn Thương mại Chartered cho biết người bán đôi khi tăng giá trước thời gian bán hàng để trông như thể họ đang cung cấp một mức giá tuyệt vời trong ngày Black Friday.
Mua rất nhiều đồ không dùng đến
Cũng giống như Susan, Chloe (25 tuổi) đã mua những sản phẩm không cần dùng đến. Điểm khác biệt là gần như toàn bộ món đồ Chloe mua đều không có tác dụng trong cuộc sống của cô.
Chloe đi mua sắm Black Friday vì bạn bè đã rủ cô. Do vậy, cô gần như không chuẩn bị kế hoạch mua sắm chỉ đơn giản mong muốn đi dạo phố với suy nghĩ bản thân sẽ không chi tiền. Song, hiếm ai trong những mùa giảm giá mà có thể kiềm chế trước các mức giá tốt. Dù không có kế hoạch, Chloe vẫn tiêu hơn 2 nghìn đô la (khoảng 50 triệu) để mua quần áo giảm giá cũng như các vật dụng trong gia đình.
Không giống Susan mua nhiều sản phẩm giảm giá ít, Chloe bị “hớp hồn" bởi những sản phẩm chiết khấu đến 70-80%. Song, vấn đề ở những món đồ này đó là chúng không còn hợp mốt hiện tại đối với quần áo, và những vật dụng trong nhà thì nó đã cũ.
“Cho đến khi về, mình bắt đầu sắp xếp lại những món đồ đã mua và tự hỏi bản thân tại sao lại đưa rất nhiều thứ vô tác dụng về nhà đến vậy. Chưa kể đến, do quẹt thẻ mua sắm, mình gần như không thể kiểm soát được bản thân đã mua hết bao nhiêu”.
Các nhà bán lẻ có một số cách để khiến bạn chi tiêu vội vàng trong những ngày giảm giá lớn. Một thủ thuật thường được sử dụng là tạo ra cảm giác cấp bách. Công ty tiếp thị Sortlist cho biết: “Chúng ta sẽ nhìn thấy các biển màu đỏ với dòng chữ “giảm đến 80% tất cả các sản phẩm” hay “chỉ giảm giá trong ngày 25/11”, xuất hiện trên các cửa hàng trực tuyến lẫn trực tiếp trong ngày Black Friday. Điều này khiến người tiêu dùng cảm thấy, nếu không mua bây giờ, họ sẽ không còn cơ hội và đã bỏ qua 1 món hời".
Bực tức vì không mua được gì
Với tâm trạng hào hứng tham gia ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm, Maddy (26 tuổi) đã rời khỏi trung tâm thương mại với tâm trạng bực tức. “Mình đã chờ ngày này để mua những sản phẩm giảm giá cho Noel và năm mới. Đây là khoảng thời gian chi tiêu nhiều nhất năm, mình muốn tiết kiệm bằng cách mua các sản phẩm cần thiết với giá hời hơn".
Song, Maddy nhận ra rằng không có sản phẩm nào cô mong muốn được chiết khấu đủ tốt. Hơn thế nữa, tình trạng chen lấn xếp hàng để mua đồ khiến tâm trạng của cô trở nên khó chịu hơn. Cô đã bực tức khi nhận ra bản thân dành 3-4 tiếng ở trong khu trung tâm thương mại lớn nhất thành phố và ra về với tay không.
“Không hiểu tại sao năm nay các thương hiệu không còn giảm giá nhiều như trước. Ngày này trở nên thật sự vô nghĩa!”, Maddy chia sẻ.
Cũng giống Maddy, Andrew (24 tuổi) cũng không mua sắm được gì trong ngày Black Friday. Đối với Andrew, các cửa hàng đều không giảm giá những món hàng cậu cần. Hơn thế nữa, quá đông người khiến cậu bạn không còn cảm giác muốn mua sắm.
Theo The Guardian, Nwaonline, NPR,...