ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mới đây đơn vị vừa mổ cứu kịp thời cho sản phụ 31 tuổi bị suy gan, suy thận, rối loạn đông máu do biến chứng từ bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ. Đây là một bệnh lý nặng, hiếm gặp, có tỷ lệ mắc 1/7.000 - 1/11.000 phụ nữ mang thai. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh sẽ có nguy cơ biến chứng trầm trọng, khả năng tử vong của 2 mẹ con rất cao.
Khi nhập viện, sản phụ đang mang thai 37 tuần, đột ngột có triệu chứng nôn mửa, buồn nôn, chán ăn, đau vùng thượng vị kéo dài 3 ngày và được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi siêu âm thai và thực hiện xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện chỉ số men gan của sản phụ tăng đột biến trên 1.000 UI/L, kèm theo chức năng thận suy giảm, rối loạn chức năng đông - cầm máu. Trước đó, bệnh nhân chưa từng mắc bệnh gan, có phát hiện tiểu đường thai kỳ từ khi thai 27 tuần. Các bác sĩ nghi ngờ tình trạng suy gan, thận do biến chứng từ gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ, thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 3.
Mặc dù thời điểm đó người bệnh chưa có dấu hiệu chuyển dạ, nhưng ở trong tình trạng nguy cấp, bác sĩ vẫn chỉ định mổ lấy thai ngay để cứu cả hai.
Ca phẫu thuật lấy thai trong vòng 30 phút. Em bé chào đời an toàn, khỏe mạnh, nặng 2,9 kg. Sản phụ lập tức được điều trị tình trạng suy gan, suy thận.
Theo bác sĩ Thanh Tâm, đây là ca mổ bắt con tối khẩn vì thai phụ đã suy đa cơ quan. Nếu gây mê thời gian lâu, thuốc mê tác động làm tăng tốc độ suy gan thận. Thời gian mổ cũng không được quá lâu, tránh để bệnh nhân mất máu nhiều, dễ dẫn đến xuất huyết do bệnh nhân bị rối loạn chức năng đông cầm máu. Tuy nhiên, bên cạnh đáp ứng hai điều kiện đó, ca mổ vẫn phải đảm bảo không được sai sót, cầm máu kỹ càng.
Sau khi mổ lấy thai, bệnh nhân được hồi sức tích cực, cân bằng nước điện giải, bác sĩ đánh giá, và tiến hành chỉ định thay huyết tương điều trị suy gan, suy thận. "Sản phụ được thay huyết tương 2 lần trong 2 ngày, sử dụng tổng cộng 34 bịch huyết tương dung tích 200ml. Chỉ số men gan của sản phụ dần trở về ngưỡng an toàn. Tình trạng người bệnh cải thiện rõ rệt, sản phụ khỏe mạnh, ăn uống tốt, chỉ số xét nghiệm trở về bình thường", BS.CKI Đinh Tuấn Vinh, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết.
Bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ thường có biểu hiện nôn ói, đau thượng vị rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng bệnh đường tiêu hóa hoặc ốm nghén muộn. Để phòng tránh bệnh, phụ nữ mang thai cần tránh sử dụng rượu bia, điều trị tốt bệnh lý nội khoa trước khi có thai. Phụ nữ mang thai cần khám định kỳ, kiểm soát tốt tình trạng tiểu đường thai kỳ, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường tập thể dục, vận động nhẹ nhàng trong thai kỳ.
Ngoài ra, bác sĩ Thanh Tâm khuyến cáo, những thai phụ có các yếu tố thai kỳ nguy cơ cao cần được thăm khám, tầm soát phát hiện sớm, theo dõi, can thiệp kịp thời nhằm giảm thiểu tỷ lệ biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Thai kỳ nguy cơ cao là thai kỳ có nhiều khả năng đưa đến kết cục xấu cho mẹ hoặc thai nhi như: thai nhi kém phát triển, thai chết lưu, sảy thai, suy thai cấp/mạn tính; trẻ sinh ra bị dị dạng, thiểu năng trí tuệ, có nguy cơ mắc các bệnh lý di truyền bẩm sinh…; mẹ có nguy cơ cao cần can thiệp y tế trong và sau sinh, tăng tỷ lệ sinh mổ, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí bị đe dọa tính mạng.