Theo dữ liệu của McKinsey (một công ty tư vấn quản lý toàn cầu) cho biết: Trong năm 2019, người Trung Quốc đã mua 1/3 hàng hóa xa xỉ trên toàn cầu. Vào ngày 11/4/2020, 1 trong những chi nhánh của hãng Hermès đặt tại thành phố Quảng Châu, đã lập kỷ lục với doanh thu mở bán vượt mốc 19 triệu tệ (tương đương 68,1 tỷ đồng) chỉ trong 1 ngày. Trong đó có không ít mẫu sản phẩm được bán lại với mức giá "đỡ chát" hơn và lượng tiêu thụ rất khả quan.
Hàng hiệu 2hand đang trở thành "con cưng" của giới trẻ Trung Quốc
Tử An - một blogger chuyên về săn đồ 2hand - cho biết: "Với ngân sách 1.000 tệ (tương đương 3,58 triệu đồng), có thể nắm chắc 90% mua được mẫu CELINE đã qua sử dụng còn mới; với 2.000 tệ (tương đương 7,17 triệu đồng), có thể mua ví nam LV; với 4.000 tệ (tương đương 14,34 triệu đồng), có thể mua Speedy - dòng túi kinh điển của LV; với 6.000 tệ (tương đương 21,5 triệu), có thể mua chiếc túi xách GUCCI Marmont. Còn nếu có khoảng 10.000 tệ (tương đương 35,8 triệu đồng) có thể mua chiếc túi Chanel GST, hiện tại tôi đang sở hữu nó chỉ với 8.500 tệ (tương đương 30,47 triệu đồng)."
Để tìm hiểu lý do tại sao giới trẻ Trung Quốc có xu hướng thích mua đồ hiệu 2hand, cần phải bắt đầu từ quan điểm tiêu dùng của họ.
Điểm thu hút lớn nhất là giá rẻ
Vào tuần lễ thời trang năm 2019 tại Milan, Ý, người mẫu nổi tiếng Trung Quốc Lưu Văn đã diện một chiếc váy Prada màu đen phối với chiếc áo khoác cùng hãng, mang lại sự quyến rũ và khá "phong trần". Joycelyn là 1 người có "gu" ăn mặc đơn giản pha lẫn chút "cool ngầu" phi giới tính, chiếc áo khoác da ấy đã khiến cô gái "yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên".
Tuy nhiên, giá thị trường của nó là 43,4 nghìn tệ (tương đương 155,55 triệu đồng). Joycelyn mới tốt nghiệp được nửa năm, con số này rõ ràng đã vượt quá ngân sách chi tiêu của cô.
Ảnh chụp người mẫu Lưu Văn (trái) và chiếc áo hiệu Coach có kiểu dáng tương đối giống đã "cháy hàng" (phải)
Vài ngày sau, hiệu ứng thời trang của mẫu nữ đã gây sốt khắp các diễn đàn thời trang. Joycelyn đã thử tìm những kiểu áo tương tự, nhưng những chiếc trong khoảng 1.000 tệ (3,58 triệu đồng đổ xuống) không mang lại "cảm giác" mê đắm mà cô muốn. Cho đến 1 ngày vô tình nhìn thấy 1 người rao bán áo khoác Coach có mẫu mã "na ná" với giá cực "mềm" chỉ 2.728 tệ (tương đương 9,78 triệu đồng), Joycelyn đã nhanh tay "chốt đơn".
"Nó thực sự phù hợp với tôi, kiểu dáng của chiếc áo thật tuyệt vời." - Joycelyn nói.
Giống như Joycelyn, Dương Thượng Nho cũng mua đồ hiệu 2hand vì "vừa rẻ vừa chất". Chàng trai mới chỉ sinh năm 2001 chia sẻ rằng mình có sở thích trên đã được hơn 1 năm.
Thượng Nho thú nhận: "Tôi cũng không hiểu sâu về những nhãn hiệu này, nhưng thấy bạn bè ai cũng biết, khiến tôi cũng muốn sở hữu 1 món."
Trong 1 tháng, cậu đã tiết kiệm tiền mua 1 chiếc túi xách Gucci và 1 chiếc áo choàng dài tay của Burberry. Trong đó, chỉ tính riêng chiếc túi Gucci đã ngốn mất 1.900 tệ (tương đương 6,81 triệu đồng). So với 1 sinh viên, mặc dù là hàng 2hand nhưng mức giá đó không hề rẻ.
Đối với 2 trường hợp trên, họ mua đồ xa xỉ đã qua sử dụng vì chúng rẻ và tiết kiệm chi phí. Theo đó có thể thấy, nhiều bạn trẻ Trung Quốc hiện nay sẵn sàng chi 1/3 hoặc 1/4 tổng thu nhập để mua đồ hiệu 2hand.
Nicole - 1 đối tác của nền tảng kinh doanh hàng hiệu - chia sẻ: "Nhìn bằng mắt thường, hơn 95% sản phẩm đó gần giống như hàng mới, phần lớn rẻ hơn giá gốc 1 nửa. Từ góc độ bảo toàn giá trị và chi phí hiệu suất, các sản phẩm đơn lẻ đã qua sử dụng của mặt hàng xa xỉ cổ điển, thì 2hand là sự lựa chọn tối ưu và được ưa chuộng hơn."
So với những chiếc túi mới cứng đặt trong quầy có giá 20-30 nghìn tệ (tương đương 71,68-107,52 triệu đồng), thì có tới 90% trong số đó được bán lại trên thị trường với mức giá dễ chịu hơn rất nhiều. Ví dụ, giá sản phẩm sàn của Dior là 30 nghìn tệ (tương đương 107,52 triệu đồng), trong khi đồ 2hand chỉ rơi vào khoảng 5.000 tệ (tương đương 17,92 triệu đồng).
Dùng đồ hiệu, thêm phần tự tin
"Trước đây tôi không mua đồ xa xỉ đã qua sử dụng, nhưng bây giờ không dùng không được."
Vì lý do công việc, Dương Mộng thường phải đi gặp khách hàng và tham dự các sự kiện trang trọng, bởi vậy, cô cần 1 số quần áo và túi xách tươm tất: "Khi mang theo 1 chiếc túi xa xỉ, nó như 1 phép màu biến tôi thành thỏi nam châm hút mọi ánh nhìn vậy. Do đó, mang chiếc túi càng đắt tiền, tôi càng tự tin ra ngoài."
Tuy nhiên Dương Mộng mua đồ rất lý trí, cô biết điểm dừng và chỉ mua những món phục vụ cho công việc của bản thân.
Chiếc túi hiệu 2hand giá cả phải chăng của Dương Mộng
Khác với cô gái chọn mua đồ trong khả năng chi trả trên, Sử Đích tự nhận mình là 1 "con nghiện hàng hiệu". Cô sẵn sàng quẹt thẻ để sở hữu 1 chiếc túi hay 1 đôi giày mình ưng và chấp nhận chuỗi ngày "trường kỳ mì gói".
"Đối với tôi, săn được món đồ hiệu 2hand rẻ mà đẹp quan trọng hơn tất cả, nên khi gặp được món đồ phù hợp phải chớp thời cơ mua ngay." - Sử Đích chia sẻ.
Tiêu dùng bền vững trong "Thế hệ Z"
Nhiều người thắc mắc tại sao những món đồ cũ đắt tiền ấy lại được người tiêu dùng trẻ tuổi nhiệt tình săn đuổi đến vậy? Đằng sau hiện tượng đó là sự thay đổi lớn về giá trị quan của giới trẻ Trung Quốc đối với hàng hiệu đã qua sử dụng.
Khi nói đến Thế hệ X (những người sinh năm 1961-1981), người ta nghĩ đến sự tiết kiệm và giản dị. Nói đến Thế hệ Y (những người sinh năm 1981-1996), những từ thường được dùng là: tự tin, giỏi công nghệ. Mỗi thế hệ thường được chia theo từng "block thời gian" khoảng 15 năm, và sẽ được tóm gọn thành 1 số đặc điểm tính cách nhất định. Và bây giờ, chúng ta đang đứng ở một thời điểm vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển giao tới thế hệ Z.
Theo báo cáo của Bain (một công ty tư vấn quản lý toàn cầu), ước tính rằng 52% người tiêu dùng hàng xa xỉ đã qua sử dụng ở Trung Quốc dưới 30 tuổi, tức là nằm trong nhóm sinh năm 1990-2000.
Trước đây, mua đồ 2hand nghe có vẻ "kém sang", nhưng với thế hệ trẻ như Joycely (được nhắc đến ở phần trên), thì mua bán kiểu đó lời nhiều hơn.
Theo số liệu của Hiệp hội Xa xỉ phẩm Thế giới cho thấy, độ tuổi trung bình của người tiêu dùng hàng hiệu ở Trung Quốc đã giảm từ 35 xuống 25 và có xu hướng tiếp tục giảm. Đồng thời, họ cũng trở thành 1 trong những nhóm tiêu dùng chính của hàng hiệu 2hand. Giới trẻ nước này rõ ràng quan tâm nhiều hơn đến tiêu dùng bền vững và hợp lý, thay vì sở hữu 1 món đồ đắt đỏ giá trên trời.
Michelle - 1 nhân viên văn phòng ở thành phố Thượng Hải - cho biết: "Đứng trước 1 món đồ hiệu nguyên giá, tôi sẽ tự hỏi mình liệu có thực sự cần nó không? Trong khi hàng 2hand đa phần còn ‘nguyên đai nguyên kiện’, tại sao lại không chọn món rẻ hơn?"
Có 1 số nhóm thảo luận về "chủ nghĩa tiêu dùng" trên Douban (web dịch vụ mạng xã hội Trung Quốc), có 87% người tiêu dùng ở thị trường 2hand cho rằng việc mua lại "phù hợp với khái niệm bền vững" hơn mua nguyên giá rất nhiều.
Nguồn: Tổng hợp