Theo số liệu thống kê, thị trường tiêu dùng đồ hiệu tại Trung Quốc trong năm 2020 tăng trưởng 48% so với năm trước đó, ước tính đạt 346 tỷ tệ (tương đương 1.241.082 tỷ đồng). Nhu cầu tiêu dùng hàng hiệu ngày càng tăng cao cũng dẫn đến sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường đồ hiệu 2hand.
Trào lưu săn đồ hiệu 2hand
Tại một số trung tâm thương mại ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, có thể thấy rất nhiều những vị "Thượng đế" đang xếp hàng dài trước những gian trưng bày hàng hiệu để chờ tới lượt vào mua sắm. Bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng không có cơ hội ra nước ngoài mua đồ hiệu, trong khi nhu cầu sử dụng thì chẳng bao giờ có dấu hiệu ngơi nghỉ. Chính vì vậy, bắt đầu từ năm ngoái, tại rất nhiều cửa hàng đồ hiệu ở Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng người tiêu dùng xếp hàng dài chờ được shopping.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường hàng hiệu cũng kéo theo sự phát triển của ngành hàng đồ hiệu 2hand.
Tại một cửa hàng đồ hiệu cũ ở Thượng Hải, ngay cả buổi chiều một ngày thường trong tuần, khách hàng vẫn ra vào tấp nập. Chủ cửa hàng tiết lộ, khoảng 2 năm trở lại đây, ngày càng nhiều người lựa chọn sử dụng đồ hiệu 2hand, thế nên doanh thu của cửa hàng cũng đang trên đà tăng trưởng chóng mặt. Thậm chí, có không ít người sành sỏi còn cất công tìm đến các cửa hàng kiểu này để săn lùng những mặt hàng đã ngưng sản xuất nhiều năm về trước.
Bào Phù - cửa hàng trưởng của một shop đồ hiệu 2hand cho biết, vào khoảng năm 2018, cửa hàng chỉ có khoảng 10 nhân viên, nhưng đến năm nay, số lượng nhân viên của họ đã tăng lên đến 100 người. Cùng với sự tăng trưởng về quy mô, doanh thu của cửa hàng cũng tăng gấp 10 lần so với trước đây.
Theo tiết lộ của nhân viên ở một cửa hàng khác, cùng với việc giá trị của một số sản phẩm đồ hiệu nhiều lần tăng cao trong năm 2020, giá cả đồ hiệu 2hand cũng trên đà "nước dâng, thuyền lên". Với một số mặt hàng cực hot và rất khó mua, giá đồ cũ thậm chí còn cao hơn cả sản phẩm mới đang bày bán trong tủ kính cửa hàng.
Lưu Tân Nguyên - chủ một tiệm đồ hiệu 2hand ở Thượng Hải chia sẻ, doanh thu của cửa hàng họ trong năm 2020 tăng khoảng 100% so với năm 2019, giá trị đồ hiệu cũng tăng đến 50%.
Những người trong nghề đánh giá thị trường đồ hiệu 2hand những năm gần đây đang tiến vào thời kỳ phát triển vượt bậc. Năm 2019, website mua bán, ký gửi đồ hiệu 2hand The Real Real của Mỹ đăng ký trên NASDAQ* và trở thành trang web đồ hiệu 2hand đầu tiên trên thế giới lên sàn chứng khoán.
*NASDAQ (National Association of Securities Dealers Automated Quotation System) là một sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ. Hiện đây là sàn giao dịch điện tử lớn thứ 2 tại Mỹ, chỉ sau NYSE. Với khoảng 3.200 giao dịch hàng ngày tại sàn, NASDAQ hiện là sàn giao dịch lớn nhất thế giới.
So với thị trường Âu - Mỹ, thị trường đồ hiệu 2hand ở Trung Quốc vẫn còn không gian phát triển vô cùng rộng lớn. Tuy nhiên, việc bày bán lẫn lộn các sản phẩm thật - giả ở một số cửa hàng và khó khăn trong việc truy xuất nguồn hàng đã trở thành những nguyên nhân chính hạn chế sự phát triển của ngành này.
Sự ra đời của những ngành nghề "tuy cũ mà mới"
Đồ hiệu 2hand cũng có vàng thau lẫn lộn, thậm chí có những món đồ fake còn được làm nhái tinh vi đến mức nhiều người sành sỏi cũng khó lòng phân biệt được, bởi vậy rất khó để định giá đúng cho loại sản phẩm này. Và cũng vì lẽ đó, ngành đồ hiệu 2hand đã sản sinh ra một số nghề đặc thù, như: nghề kiểm định, nghề săn hàng, nghề định giá...
Đinh Lý Chiêu là 1 nhà kiểm định đồ hiệu 2hand ở Thượng Hải và đã có kinh nghiệm hơn 6 năm trong nghề. Anh chia sẻ muốn trở thành 1 nhà kiểm định đồ hiệu hợp lệ thì trước tiên cần phải tham gia lớp đào tạo, sau đó đi thi lấy bằng chứng nhận rồi mới được phép hành nghề.
Theo lời Đinh Lý Chiêu, mỗi sản phẩm khác nhau lại có những đặc điểm riêng biệt, vì thế nhà kiểm định buộc phải trang bị cho mình rất nhiều kiến thức về các loại đồ hiệu và nắm rõ câu chuyện phía sau chúng để có thể đưa ra kết quả chính xác nhất. Ngoài ra, anh còn cho biết vì muốn đảm bảo check soát kỹ càng và khách quan, thông thường mỗi sản phẩm sẽ được "chốt sổ" dựa trên kết quả đánh giá của 2 nhà kiểm định khác nhau.
Từ năm 2019 đến nay, Đinh Lý Chiêu có thể cảm nhận một cách rõ ràng rằng số lượng đồ hiệu được đưa đi kiểm định đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Đinh Lý Chiêu tiết lộ bảng giá kiểm định như sau: Mỗi món hàng hiệu có trị giá dưới 5 nghìn tệ (tương đương 17,7 triệu đồng) sẽ thu phí 100 tệ (tương đương 354 nghìn đồng), món đồ mức giá 5-10 nghìn tệ (tương đương 17,7-35,4 triệu đồng) thu phí 150 tệ (tương đương 531 nghìn đồng), giá 10-20 nghìn tệ (tương đương 35,4-70,8 triệu đồng) thu phí 200 tệ (tương đương 708 nghìn đồng)... Riêng với đồ vật có trị giá trên 80 nghìn tệ (tương đương 283,3 triệu đồng) thì sẽ thương lượng cụ thể từng trường hợp trước khi tiến hành kiểm định.
Cùng với nhu cầu sử dụng đồ hiệu ngày càng tăng cao, thị trường đồ hiệu 2hand cũng xuất hiện thêm nghề săn hàng. Thẩm Duật Gia là 1 cô gái Thượng Hải, tuy tuổi còn trẻ nhưng cô đã làm nghề săn hàng hiệu 2hand được gần 10 năm rồi.
Duật Gia chia sẻ, công việc của cô chủ yếu là nghe ngóng và tìm kiếm khắp mọi ngóc ngách để lùng mua những món hàng hiệu có khả năng sinh lời. Cô cho biết ở thời điểm hiện tại, thế hệ 9X và 10X đang là đối tượng chủ lực của thị trường hàng hiệu. Sự phát triển không ngừng của thị trường hàng hiệu 2hand thể hiện mô hình tiêu dùng dạng tuần hoàn và kinh tế hơn của giới trẻ.
Theo thống kê, hiện tại lượng dự trữ xa xỉ phẩm để phục vụ cho thị trường đồ hiệu 2hand ở Trung Quốc đã lên tới gần nghìn tỷ tệ. Thị trường đầy tiềm năng này đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển của những ngành nghề "tuy cũ mà mới" như: nhân viên kiểm định, nhân viên định giá, nhân viên tân trang - bảo dưỡng sản phẩm, chuyên viên marketing... Tuy nhiên, nhiều người trong ngành nhận định dù thị trường vô cùng rộng lớn và đầy tiềm năng, nhưng trước mắt thì tại Trung Quốc vẫn thiếu hụt những tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan, bởi vậy ngành này vẫn cần phải được quy hoạch lại để có thể đưa ra những chuẩn mực cụ thể.
Nguồn: QQ