Chỉ còn vài ngày nữa, giải bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2022 sẽ chính thức diễn ra. Trong suốt 12 năm kể từ khi giành được quyền đăng cai World Cup năm nay, nước chủ nhà Qatar đã chi 300 tỷ USD nhằm phục vụ cho sự kiện bóng đá thu hút nhất thế giới.
Với nguồn lực kinh tế lớn, Qatar đã rất "hào phóng" trong công tác chuẩn bị và đăng cai World Cup. Từ xây mới 7 sân vận động, nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống làm mát... cho đến phát triển mặt sân cỏ - vốn là thách thức đối với một quốc gia sa mạc nóng quanh năm như Qatar.
Theo Daily Mail, hàng triệu hạt giống cỏ đã được nhập khẩu từ Mỹ tới Qatar trong điều kiện thời tiết lý tưởng để đáp ứng yêu cầu của 8 sân đấu tổ chức World Cup, bên cạnh 136 sân tập để phục vụ các đội tuyển quốc gia góp mặt tại đây.
"Mặt sân sẽ không có sự kết dính nếu không trồng loại cỏ thích hợp bởi khí hậu và điều kiện đặc thù ở Qatar", ông David Graham, đại diện công ty phụ trách mặt cỏ ở World Cup 2022 nhấn mạnh.
Trước thời điểm giải đấu số 1 thế giới chính thức diễn ra, bộ phận chăm sóc chất lượng mặt cỏ tại Qatar đã sử dụng không khí lạnh để thổi vào mặt cỏ trên sân, khiến sân đủ bền để tổ chức giải đấu vào tháng 11 và tháng 12. Qatar đã bố trí một số hóa chất cùng hệ thống ngầm giảm độ ẩm để diệt trừ nguy cơ nấm cỏ.
Theo Reuters, việc làm mát các sân bóng đá ở Qatar, nơi nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C vào mùa Thu, là một thủ thuật mà các chuyên gia đã đưa ra trong 14 năm qua để cải thiện chất lượng cỏ và tăng số lượng sân bóng ở Qatar. Phát triển và duy trì mặt sân xanh tốt là một quá trình cực kỳ tốn kém.
Qatar đã vận chuyển 140 tấn hạt giống cỏ mỗi năm từ Mỹ bằng máy bay chuyên dụng, trong khi các mặt sân được tưới bằng nước biển khử muối tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Haitham Al Shareef, một kỹ sư dân dụng người Sudan từng làm việc tại sân vận động World Cup 2022, cho biết mỗi sân cần tưới 10.000 lít nước khử muối hàng ngày vào mùa đông và 50.000 lít vào mùa hè.
Bên cạnh đó, để đối phó với nguy cơ bùng phát nấm và bệnh dịch trên cỏ, Qatar còn thường xuyên bảo trì mặt sân bằng hóa chất, máy cắt cỏ và hệ thống ngầm để hút độ ẩm dư thừa, một nhà tư vấn của UEFA cho biết.
"Điều kiện thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, cùng với tiêu chuẩn khắt khe về hiệu suất mà chúng tôi tự đặt ra, khiến việc phát triển mặt cỏ trở nên vô cùng thách thức, nhưng chúng tôi đã thành công", Al Shareef nhấn mạnh.
Một rủi ro với chất lượng sân khác, đó là loại cỏ lúa mạch đen mùa đông có thể ngăn mặt sân tự tái sinh để phục vụ trận đấu. Tuy nhiên, với số tiền hàng tỷ USD được chi ra để phục vụ World Cup, chủ nhà Qatar đã tính toán các phương án dự phòng.
Tại một trang trại ở phía bắc thủ đô Doha, một cánh đồng rộng lớn bao gồm 40 sân cỏ đủ kích thước đã được trồng với mục đích dự trữ.
"Cỏ thi đấu có thể được thu hoạch, di chuyển và luôn trong trạng thái sẵn sàng phục vụ cho 8 tiếng thi đấu. Qatar đã chuẩn bị cho điều này trong 15 năm, trước khi họ chính thức được xác nhận là chủ nhà World Cup. Việc gieo hạt cho các sân hiện tại đã bắt đầu từ 3 tháng trước", quản lý dự án Mohamed Al Atwaan tự tin khẳng định.
Các nhà tổ chức từ chối cho biết chương trình phát triển sân cỏ đã tiêu tốn bao nhiêu tiền của Qatar, chỉ biết rằng quốc gia xuất khẩu khí đốt giàu có đã chi hàng tỉ USD cho cơ sở hạ tầng trong thập niên qua để chuẩn bị cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm nay.