Trong những ngày cuối năm này, việc chuẩn bị quà Tết thế nào, lì xì bố mẹ ra sao là nỗi lo chung của nhiều người. Nếu như dân đi làm lâu năm, có nền tảng tài chính tốt có thể dễ dàng tặng quà phụ huynh thì với bạn trẻ mới ra trường, có lương tháng không cao thì lại là câu chuyện khác.
Với mức thu nhập không mấy dư dả, liệu họ đã chi tiêu thế nào để mang quà về cho bố mẹ trong dịp tết Nguyên đán 2024 sắp cận kề?
"Mang thân về cho bố mẹ là tốt rồi"
Đây là câu nói đùa của Trung Lâm (22 tuổi, Hà Nội) đang làm Marketing Executive với mức lương 8 triệu đồng/tháng khi được hỏi mang quà gì về cho bố mẹ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Do mới tốt nghiệp Đại học và có thời gian đi làm chưa lâu, do đó cậu bạn không đặt nặng chuyện nên biếu bố mẹ quà Tết như thế nào.
Thấu hiểu cho điều kiện tài chính của con trai, do đó phụ huynh của Trung Lâm cũng không tạo áp lực cậu phải "báo hiếu" ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Trung Lâm chia sẻ: "Do mới ra trường nên mình đang tập trung tài chính để trau dồi kiến thức và học hỏi thêm. Việc sắm sửa và biếu bố mẹ chưa phải điều mình nghĩ đến. Tất nhiên nếu có điều kiện, mình cũng rất muốn tặng bố mẹ một phong bao đỏ vào ngày đầu năm mới. Đồ Tết trước giờ là bố mẹ mình sắm và năm nay mình dự tính sẽ về quê ăn Tết muộn nên trong khoản chi tiêu này, mình cũng không kịp giúp đỡ gì nhiều.
Hiện tại, mình vẫn thấy bình thường nếu không đưa được bố mẹ quà Tết và tiền lì xì có giá trị lớn. Có lẽ do mình mới rời xa vòng tay gia đình chưa lâu. Bên cạnh đó, lâu lâu mình cũng vẫn dựa vào sự hỗ trợ của phụ huynh vào cuối tháng nếu hết tiền. Khi nào đi làm lâu hơn, mình cũng mong muốn có thể lo cho bố mẹ một cái Tết yên ấm".
Thuỳ Trang (23 tuổi, TP. Hà Nội) mới ra trường và đi làm nhân viên chính thức được khoảng nửa năm. Hiện Thuỳ Trang đang làm Dược trình viên, với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Cuối năm nay, cô nàng dự đoán tổng tiền thưởng KPI, tiền lương tháng 13 vào khoảng 13 triệu đồng. Sắp tới, Thuỳ Trang dự định sẽ biếu bố mẹ khoảng 5 triệu đồng, được chuẩn bị trong phong bao lì xì.
Thuỳ Trang chia sẻ: "Món quà tuy ít nhưng đó là sự cố gắng trong khả năng của mình hết rồi. Vì sau khi ra Tết âm, mình cũng cần có nhiều khoản cần tiền dành cho các mục đích cho cá nhân. Bên cạnh đó, mình mới đi làm và hàng tháng phải tự chủ tài chính nên không có nhiều tiền tiết kiệm."
Cả Thuỳ Trang và Trung Lâm đều đồng tình với quan điểm: Sẽ rất tốt nếu các bạn trẻ mới ra trường có thể tặng bố mẹ những món quà vật chất lớn trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nếu điều kiện tài chính không cho phép, bạn có thể dành số tiền lương chưa cao hiện tại để đầu tư cho bản thân.
Bên cạnh đó, Thuỳ Trang cũng bày tỏ quan điểm: Nếu bạn muốn báo hiếu bố mẹ thì có nhiều dịp khác trong năm, chứ không riêng vào dịp Tết Nguyên đán. "Với mình, nếu bạn mới ra trường, chỉ cần bạn tự chủ tài chính, cuối năm không báo nợ về cho bố mẹ và nhanh chóng tìm thấy định hướng trong sự nghiệp, thì đó cũng là cách giúp đỡ phụ huynh phần nào bớt lo lắng rồi", cô nàng nhấn mạnh.
Đã chuẩn bị tài chính sớm nên không lo chuyện sắm Tết cho bố mẹ
Ở một diễn biến khác, với những người trẻ ra trường lâu hơn, việc chuẩn bị nền tảng tài chính từ sớm để có thể tặng bố mẹ quà Tết chu đáo là điều quan trọng. Đó cũng là câu chuyện của Vân Hải (23 tuổi, TP.HCM) đang làm nhân viên truyền thông. Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cô bạn dự tính chi 5 triệu đồng để mua vé máy bay về Hà Nội ăn Tết, đồng thời dành thêm hơn chục triệu đồng để góp tiền cùng em gái mua TV mới dành tặng bố mẹ.
Vân Hải cho biết: "Trong Tết Nguyên đán 2024, mình dự tính sẽ tặng bố mẹ và ông bà mỗi người phong bao lì xì 500 ngàn đồng. Ngoài ra, mình đã tính chuyện sẽ cùng em gái mua tặng gia đình TV mới từ tháng 3 năm nay, sau khi bố mẹ gọi điện tâm sự đang lên kế hoạch sửa lại nhà. Bố mẹ đã mua kệ tủ TV mới nên mình và em gái sẽ mua TV. Nói là cùng em gái mua TV nhưng mình sẽ là người chi nhiều tiền hơn, bởi mình là người đã ra trường và đi làm".
Do có kế hoạch mua TV tặng bố mẹ từ tháng 3 năm nay nên cô bạn đã có sự chuẩn bị tài chính từ sớm. Bên cạnh đó, cô cũng thấy may mắn là dù mới chuyển vào TP.HCM sinh sống nhưng công việc và tài chính không bị ảnh hưởng.
"May mắn là công việc hiện tại đang đi đúng với mong muốn cá nhân, cả về sự nghiệp và tiền lương. Bên cạnh đó, khi đi đến thành phố mới, mình quen thêm nhiều người bạn có thể giới thiệu job tay trái từ đó giúp gia tăng thu nhập", Vân Hải kể.
Cùng có sự chuẩn bị tài chính sớm cho dịp Tết nguyên đán như Vân Hải, thế nên Thu Hà (23 tuổi, TP.HCM) cũng không quá lo lắng khi nghĩ đến chuyện phải biếu bố mẹ món quà nào. Trong dịp Tết sắp tới, cô bạn dự tính sẽ tiêu khoảng 20 triệu đồng - tương đương 1 tháng lương, trong đó có một khoản không nhỏ để lì xì cho bố mẹ.
Thu Hà bày tỏ: "Từ năm ngoái, mình đã chi khoảng 20 triệu đồng cho một mùa Tết, vì bản thân có công việc ổn định và luôn có ý thức tiết kiệm. Về chuyện biếu bố mẹ, trong mùa Tết năm ngoái, mình đưa họ 2 triệu đồng cho khoản lì xì, 3 triệu đồng mua quà biếu bố mẹ và cậu mợ, 2 triệu đồng đưa bố mua đào quất. Năm nay, mình dự tính sẽ chi Tết cho bố mẹ tương đương nhưng chuyển hết vào khoản lì xì.
Từ khi đi làm, mình đã để dành một khoản riêng dành cho Tết, được tích lũy dần trong năm, bằng cách thỉnh thoảng mỗi tháng gửi ít nhất 500 ngàn - 2 triệu đồng vào tài khoản này. Vì mình không muốn phụ thuộc vào tiền lương thưởng cuối năm để bớt phải suy nghĩ. Đó cũng là bí quyết cá nhân để đến cuối năm, mình không mang nặng áp lực tài chính".