C.Q (24 tuổi, Bình Thuận), đã từng là sinh viên ngành Tự động hóa - Trường Đại học Giao thông Vận Tải TP.HCM, và tốt nghiệp sau 6 năm “trầy trật”. Cũng như bao bạn trẻ khác, Q. cũng đã có những sai lầm tuổi trẻ, điển hình là vấn đề tài chính và chuyện tiền nong xoay quanh nhiều mối quan hệ. Những bài học được Q. chia sẻ chắc chắn sẽ giúp ích được nhiều bạn sinh viên năm nhất, khi còn nhiều “bỡ ngỡ” về chuyện tiền nong.
Cùng lắng nghe câu chuyện của Q. nhé!
Những quyết định tiêu tiền sai lầm dẫn đến áp lực tài chính
Thứ nhất, vấn đề mà sinh viên năm nhất cần giải quyết chắc chắn là việc “ở đâu - ở trọ - ở cùng ai”. Mình cũng thế, và đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải đạp xe hàng ngày từ nhà trọ tới trường cách 5km, chỉ để giảm bớt tiền trọ hàng tháng. Và việc lựa chọn ở cùng ai là điều vô cùng quan trọng.
Hồi còn lơ ngơ vì vừa mới bước chân vào đại học, mình rất ngại từ chối lời mời của người khác. Thế nên tất cả những lời mời tham gia cuộc chơi của đàn anh mình đều tham gia vì sợ mất lòng mọi người. Chính vì những “cuộc chơi vô bổ” (mà đến tận bây giờ mới nhận ra) đã khiến mình đau ví suốt nhiều tháng trời. Hơn nữa, những mối quan hệ cứ tưởng là mang đến điều tích cực đó lại khiến mình có nhiều tật xấu hơn và phải gọi điện xin tiền ba mẹ nhiều lần trong tháng.
Thứ hai, là mua sắm vô tội vạ. Mình hay mua những thứ không có giá trị sử dụng, hoặc mua vì để bằng bạn bằng bè: Kiểu như mua một đôi giày kém chất lượng (theo trào lưu), mang được mấy ngày thì bỏ đi vì vải của giày quá mỏng dễ rách, đế giày chỉ dán bằng keo nên nó bong tróc sau 1 tháng sử dụng. Rồi mua linh kiện điện tử để học, bạn bè thì mua để phục vụ cho bài nghiên cứu khoa học, còn mình mua vì muốn lấp đi cái sự thất bại của bản thân, trong khi chẳng bao giờ dùng tới nó.
Thứ ba, là cho mượn tiền nhưng chẳng thèm ghi chép gì: Mình hay cho bạn bè hoặc ai đó thân quen mượn tiền, nhưng vì sự tin tưởng nên chẳng bao giờ ghi chép gì, cũng không tính toán chi li. Nhưng ở vai trò là người mượn tiền, họ cũng chẳng bao giờ nhớ về số nợ đó, thực tế phũ phàng đến mức, số tiền mà một sinh viên năm nhất tiêu còn không đủ ấy, lại biến mất trên danh nghĩa của người khác.
Thứ tư, không biết cách giữ gìn đồ đạc: Tính là con trai, lại là cậu sinh viên mới tách khỏi vòng tay bố mẹ, đồ đạc đắt tiền không bao giờ biết giữ vì luôn mang tư tưởng hư rồi thì thay. Nhưng không, tài chính sinh viên thì làm gì đủ để mình chi trả việc sửa chữa hay mua mới những thiết bị điện tử đắt tiền như laptop, điện thoại hay xe cộ đi lại. Bạn nào có tư tưởng mua đồ điện tử cũ mình nghĩ cũng nên bỏ qua, vì tiền mua cộng tiền sửa, đôi khi lại quá tiền mua mới.
Thứ năm, tiêu quá nhiều tiền cho việc ăn uống: Bản thân là người rất thích ăn vặt, nên trong những ngày tháng sinh viên, đã có lúc mình phải đối mặt với chuyện tăng cân không kiểm soát. Nên ngay từ năm nhất, tốt nhất mọi người nên có 1 chế độ ăn uống điều độ và khoa học, vừa tiết kiệm tiền, lại tiết kiệm được cả sức khỏe.
Thứ sáu, bỏ tiền vào các khóa học trực tuyến trên mạng với chi phí rẻ: Bản chất của sinh viên năm nhất là đam mê tìm tòi khám phá. Mình cũng vậy. Và trả giá cho sự ham mê những khóa học “siêu rẻ” được rao bán trên mạng xã hội, là việc vừa mất tiền oan, vừa làm những “gà con” bị lùa vào các lớp học chả mang lại kiến thức gì.
Thứ bảy, vay nợ. Ai đã từng làm sinh viên chắc hẳn sẽ có ít nhất 1 lần từng vay bạn bè, hoặc người thân, không ít thì nhiều. Và việc vay tiền với suy nghĩ “tiêu trước trả sau” đã khiến mình rơi vào trạng thái nợ không kiểm soát.
Sự nghiêm trọng của việc tiêu tiền không đúng chỗ
Sau những lần gọi điện về xin tiền ba mẹ, rồi chưa được 2-3 hôm lại trở lại tình trạng cháy túi, mình bắt đầu có cảm giác tội lỗi và tiếc tiền vì những lần tiêu xài như vậy. Để rồi cuối tháng phải khổ sở khi ăn mì gói, vừa tự thấy khổ lại còn thấy tủi thân.
Nhưng để thời điểm đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn trong suy nghĩ của mình về chuyện tài chính - là khi mình bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên. Mỗi người sẽ có một mức độ chịu đựng trong chuyện “tiêu xài quá tay” rất khác nhau. Chỉ cần bạn có cảm giác thứ đang tiêu là mồ hôi, là nước mắt, là bao công sức cày ngày cày đêm chứ không phải là đồng tiền cầm trên tay, mình tin mọi người sẽ chẳng còn sức để chi tiêu theo kiểu vô tội vạ như thế nữa.
Bắt đầu áp dụng những quy tắc tài chính, nhưng đâu phải chuyện dễ dàng
Từ khi ý thức được việc tiêu tiền - kiếm tiền thế nào để có thể cân bằng tài chính cá nhân, mình đã lao đầu vào học các lý thuyết về chuyện quản lý tài chính. Nhưng mọi chuyện đâu có dễ dàng như thế!
Đầu tiên, là quy tắc chắc hẳn ai cũng biết: Quy tắc 6 lọ: Chi tiêu cần thiết - Tiết kiệm - Phát triển bản thân - Hưởng Thụ - Tự do tài chính - Từ thiện. Trên lý thuyết thì chỉ cần bạn chia tát cả số tiền bạn đang có (hoặc nguồn thu hàng tháng) vào 6 lọ này, và thực hiện nó 1 cách đều đặn theo tháng, quý hoặc năm.
Nhưng mình thất bại!
Thứ nhất vì sự vô kỷ luật. Thứ hai là khi đó, mình không đủ tiền để chia đều vào 6 lọ như vậy.
Tiếp đến, là ứng dụng cách ghi chép lại chi tiêu cụ thể hàng tháng, và cũng không thành công luôn. Vì mình lười ghi chép những khoản lặt vặt, quá nhiều bước và không phù hợp với mình.
Thêm nữa là 1 số cách khác như tiết kiệm trước, chi tiêu sau, hoặc là quy tắc 50/30/20,... và rất nhiều cách quản lý tài chính cá nhân được “mách nước” từ các nhà quản lý tài ba. Nhưng sinh viên năm nhất, năm hai như mình hồi đó thì rất khó có thể làm được. Bản thân các phương pháp quản lý chi tiêu đều tốt. Nhưng người dùng các phương pháp đó phải sửa hết tất cả các tật xấu nhiều nhất có thể thì mới hiệu quả được.
Chẳng lẽ sinh viên năm nhất phải bó tay với chuyện tài chính?
Ông bà ta hay có câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Sau rất nhiều lần thất bại, mình đã nhìn lại bản thân, và bắt đầu nghi ngờ, chẳng lẽ cứ phải tiêu tiền theo cách đó mãi ư?
Và mình đã ngồi lại xem xét, xem mình sai từ bước nào? Đúng như mình nghĩ, vấn đề nằm ở chỗ: Mình không có quá nhiều tiền chi tiêu như vậy? Một lối sống không lành mạnh cần được cải thiện trước chứ không riêng gì túi tiền đâu.
Cách của mình đơn giản thôi, chỉ cần các bạn sinh viên sống lành mạnh:
- Từ bỏ sưu tầm đồ theo sở thích: Đối với các bạn sinh viên năm nhất, mình nghĩ, muốn sưu tầm một cái gì đó thì phải đợi lúc không thực sự hứng thú với nó nữa, vì lúc bạn cao hứng, bạn sẽ vung tiền không vì lý do gì cả. Tới khi mua nó về thì thấy bản thân không hợp, tiếc rồi bán rẻ nó đi.
- Mua đồ chất lượng, không mua đồ cũ và đừng tham rẻ: Mình đã mất khá nhiều tiền mua giày chạy giá rẻ và chúng hỏng rất thường xuyên. Thà mua một đôi giày có thương hiệu và độ bền cao, có thể đi cả 1-2 năm vẫn đẹp, điều đó giúp mình không bị đau chân khi chạy bộ lẫn đau ví tiền vì đồ dỏm.
- Nên mua các khóa học ngắn hạn từ các trường đại học có tiếng tăm hoặc là từ các dân chuyên lâu năm trong nghề của họ. Đừng dại tốn tiền vào ba cái khóa học giá rẻ hoặc miễn phí được quảng cáo trên mạng xã hội.
- Tự đặt câu hỏi trước các quyết định mua sắm mắc tiền: Mua cái gì đó mà bạn có dùng hết 100% công dụng của nó không? Không thì tốt nhất đừng mua, hãy để đến khi nào tự tay làm ra tiền rồi hãy chi tiêu cho sở thích của bản thân. Tới lúc đó cũng chưa muộn. Riêng đối với nam sinh viên, hãy mua vì bản thân bạn thích, chứ không phải mua cho thiên hạ ngắm, để bằng bạn bằng bè.
- Học nấu ăn: Nấu ăn sẽ giúp bạn tự quyết định chế độ dinh dưỡng, ít tốn kém hơn so với ăn tiệm. Và sau này đi làm, việc tự mang theo bữa ăn trưa cũng giúp bạn đỡ tốn tiền khi lỡ xin việc ở những công ty gần địa điểm ăn uống đắt tiền.
- Ở trọ hoặc ở kí túc xá gần trường Đại học: Tin mình đi, mỗi lần đi học bạn sẽ thoải mái hơn khi không phải bị áp lực thời gian hoặc phải mất thêm tiền đi xe bus. Vào buổi trưa các bạn có thể trở về phòng của mình và nghỉ ngơi sau 5 tiếng học mệt mỏi. Đừng để như mình, chỉ vì tiếc vài trăm tiền trọ, mà thuê nhà xa trường, để rồi sau những tiết học kéo dài lại phải nghỉ trưa ở hành lang, điều này khiến mình kiệt sức. Nếu lỡ ở xa quá thì mua vé xe bus theo tháng.
- Sử dụng app quản lý chi tiêu thay vì ghi chép thủ công: Đối với người lười, việc sử dụng các app quản lý chi tiêu sẽ nhanh gọn đỡ mất thời gian vì trong đó nó phân ra từng mục chi tiêu rõ ràng. Quan trọng là ở việc bạn phải tập được thói quen điền số tiền đã tiêu vào app chi tiêu mỗi ngày. Sau đó hãy dành thời gian xem lại một tuần qua, bản thân đã tiêu xài như thế nào, rồi lên kế hoạch điều chỉnh lại đến khi hợp lý hơn.
Sau khi làm được các nguyên tắc trên, mình mới bắt đầu có kỷ luật với bản thân hơn. Thật sự thì khi còn là sinh viên năm nhất, ai rồi cũng sẽ bỡ ngỡ với chuyện tiền nong, và mắc phải những sai lầm thường thấy nhất. Nhưng việc nhận biết được các “mối đe dọa” đến túi tiền của mình, có khi lại khiến bạn e dè hơn đối với mỗi quyết định tiêu tiền cho việc gì đó!