Sách “biết bay", sách thành “vũ khí”: Hành trình bền bỉ phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam

Minh Dương | 25-09-2023 - 15:00 PM

(Tổ Quốc) - Sau gần 7 năm, hơn 170 thư viện trường học, 13 thư viện cộng đồng với khoảng 140 nghìn đầu sách đã được xây dựng trong cộng đồng, nhờ dự án Phát triển Văn hóa đọc do tổ chức Good Neighbors International (GNI) thực hiện.

Nhờ tinh thần bền bỉ và sức lan tỏa ngày càng rộng rãi, Dự án Phát triển Văn hóa đọc của GNI đang được đề cử ở Giải thưởng Hành động Vì cộng đồng năm đầu tiên (Human Act Prize 2023) do báo Nhân Dân chủ trì tổ chức.

Để sách hay đến tay người đọc

Tháng 8/2023 khép lại cũng là lúc chiến dịch “Sách bay 2023” tổng kết hành trình hơn 2 tháng, kêu gọi được hơn gần 7500 cuốn sách đủ tiêu chuẩn trao tặng, 141 bộ đồ dùng học tập và 21,6 triệu đồng. Tất cả nguồn lực này được trao cho Trường Tiểu học và THCS Bản Rịa, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. 

Chiến dịch có cái tên rất dễ thương "Sách bay 2023: Để sách hay đến tay người đọc" do GNI phối hợp với dự án “Sách ơi” tổ chức. Bên cạnh tặng sách và thiết bị học tập để phát triển văn hóa đọc tại 2 trường học của Bản Rịa, buổi trao tặng còn trở thành buổi sinh hoạt văn hóa đầy màu sắc khi rất nhiều các làn điệu âm nhạc truyền thống, trò chơi dân gian được các em học sinh giới thiệu đến các thành viên trong dự án như: ném còn, nhảy sạp, đá yến, đá lẹ, cà kheo... 

Sách “biết bay", sách thành “vũ khí”: Hành trình bền bỉ phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, khoa Ngữ Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng sáng lập dự án “Sách ơi” không giấu được xúc động khi kể lại hành trình chị tham gia dự án này cùng với GNI. Chị cho rằng, thậm chí mình còn nhận được rất nhiều chứ không chỉ là “người cho đi”, “người phát triển” văn hóa đọc. 

“Khi tiếp xúc với giáo viên, học sinh, thưởng thức các bài hát, điệu múa… tôi đã học hỏi được rất nhiều về đời sống của người dân Bản Rịa, sự chất phác của con người và nét đẹp của văn hóa địa phương, những tri thức tôi không thể học được từ sách vở. Tôi hiểu thêm về thực tiễn giáo dục và những khó khăn của các thầy cô, học sinh, đặc biệt khi triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Tất cả thực sự là những trải nghiệm rất quý giá mà tôi rất khó có được nếu không có chuyến đi này.”

Cô Hoàng Thị Xuyến, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú TH & THCS Bản Rịa cũng không giấu được sự xúc động, lòng tri ân: “Buổi tặng sách và giao lưu không chỉ giúp các em học sinh có cơ hội tham gia các hoạt động đọc sách với phương pháp kết hợp vừa học vừa chơi, mà còn tạo điều kiện cho các thầy cô giáo tại trường có dịp học hỏi về phương pháp tổ chức các hoạt động đọc sách cùng với học sinh. Đặc biệt, những cuốn sách được GNI và dự án Sách ơi mở ra trao tặng đã tiếp thêm động lực, niềm vui khi các em đến trường.” 

Phát triển Văn hóa đọc là dự án dài hơi do GNI thực hiện, bắt đầu từ năm 2016. Đến năm 2023, GNI chọn chủ đề “Exchange for change - Giao lưu hướng đến sự đổi thay", với nhiều hoạt động nối tiếp trong cả năm. Và “Sách bay” chính là một trong số đó. 

Ngoài chiến dịch “Sách bay”, tại 3 điểm trường khác ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang gồm Tiểu học Đại Phú, Tiểu học Hợp Hoà, Tiểu học Sơn Nam, GNI đã mang đến luồng gió mới cho văn hóa đọc thông qua các ngày hội “Chúng mình cùng vui đọc sách", với sự tham gia tổng cộng của hơn 2.800 học sinh. 

Tại ngày hội, các em học sinh được tham gia nhiều hoạt động gắn liền với sách như vẽ tranh/thiết kế bìa sách, tham gia phòng đọc sách theo chủ đề, sách và trò chơi dân gian, quyên góp sách cho thư viện...  

Sách “biết bay", sách thành “vũ khí”: Hành trình bền bỉ phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam - Ảnh 2.

“Vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới”

Có câu nói nổi tiếng rằng: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới" (N.Mandela). Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội mà chúng ta không thể dự đoán trước. Đồng thời, công nghệ phát triển nhanh chóng, biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong cách con người làm việc, giao tiếp với nhau đang tạo ra môi trường phức tạp và thay đổi liên tục. 

Bởi vậy, việc giáo dục trẻ em cần tập trung vào việc phát triển các kỹ năng và phẩm chất cần thiết để các em có thể thích nghi, phát triển và đóng góp cho xã hội cũng như xây dựng nền kinh tế của tương lai. Trong đó, văn hoá đọc đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với thế hệ tương lai của xã hội. 

Văn hóa đọc giúp trẻ em được bước vào những thế giới tri thức mới, gặp gỡ những nhân vật đa dạng và học được nhiều bài học từ những tình huống, kinh nghiệm đúc kết trong một thời gian dài. Qua đó, văn hóa đọc giúp các em cải thiện kỹ năng viết, nói, trình bày, giúp các em trở thành người giao tiếp giỏi hơn trong cuộc sống hàng ngày và trong nghề nghiệp tương lai.

Sách “biết bay", sách thành “vũ khí”: Hành trình bền bỉ phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam - Ảnh 3.

Từ sự cấp thiết đó, ngay từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam (2005),  tổ chức Good Neighbors International (GNI) đã hỗ trợ xây dựng và nâng cấp thư viện trường, tổ chức thi đọc sách, tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao. Dựa trên kết quả và những phản hồi tích cực từ cộng đồng, GNI xác định Phát triển văn hóa đọc là hoạt động chiến lược và thiết kế một chương trình mang tính quy mô và toàn diện hơn.

Từ nền tảng này, chương trình Phát triển Văn hoá đọc - Reading Enrichment Program (RE) chính thức được GNI triển khai từ năm 2016, hướng đến các đối tượng là trẻ em và tất cả người dân trong cộng đồng. Mục tiêu cốt lõi của chương trình là phát triển thói quen, tạo hứng thú và xây dựng kỹ năng đọc; hướng tới cộng đồng giàu tri thức và chủ động trong việc bồi đắp tri thức.

Theo khảo sát của GNI tại các địa bàn thực hiện dự án, hệ thống thư viện chưa phát triển đồng đều, thiếu nhiều cơ sở vật chất lẫn nhân lực quản lý. Với điều kiện kinh tế khiêm tốn, nhiều trường học và địa phương chưa có thư viện, hoặc thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh và người dân. Chưa kể đến, số đầu sách trong thư viện tại các trường chủ yếu đáp ứng cho việc mượn sách giáo khoa hàng năm của trẻ, nguồn tài liệu thông tin mới cập nhật xu hướng thời đại, giải trí và phát triển kỹ năng còn nghèo nàn và lỗi thời.

Sách “biết bay", sách thành “vũ khí”: Hành trình bền bỉ phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam - Ảnh 4.

Từ đó, qua GNI, những mô hình thư viện lưu động nhằm luân chuyển sách giữa thư viện các trường hoặc thư viện các xóm trên cùng xã đã được phát triển. Các hoạt động khuyến khích học sinh tự đọc - tự tìm hiểu như viết cảm nhận sách - tích điểm - đổi quà, tổ chức ngày hội văn hoá đọc được mở rộng thêm. Giáo viên trong trường sẽ được tập huấn về hướng dẫn kỹ năng đọc sách cho trẻ và cách tổ chức các hoạt động đọc sách trong nhà trường. 

Sách “biết bay", sách thành “vũ khí”: Hành trình bền bỉ phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam - Ảnh 5.

Nhóm nòng cốt phát triển văn hoá học tại thôn/xóm như Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi,... cũng được thành lập. Chương trình còn phát động phong trào xây dựng thư viện và đọc sách trong cộng đồng như gia đình đọc sách, đọc sách cùng con, góp sách thành lập tủ sách tại nhà văn hoá. Tuỳ thuộc vào quy mô và địa bàn, GNI đều hỗ trợ từ 90% - 100% chi phí cơ sở vật chất, trang thiết bị xây dựng thư viện, từ vài chục triệu đến hơn tỷ đồng phụ thuộc vào các hoạt động triển khai. 

Bên cạnh đó, chương trình còn tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để truyền thông phong trào đọc sách, như các cuộc thi sáng tạo mang tên “Sách à, mình là bạn nhé”, “Thực ra, mọi đứa trẻ đều thích nghe đọc sách”,... và được nhiều học sinh hưởng ứng.

Đến nay, sau 7 năm hoạt động, GNI đã hỗ trợ xây dựng và thiết lập 176 thư viện trường học/thư viện góc lớp, 13 thư viện cộng đồng với hơn 139.000 đầu sách và triển khai hàng loạt các phong trào thúc đẩy phát triển văn hoá đọc với hàng nghìn trẻ em được thụ hưởng. 

Và hành trình này vẫn đang tiếp tục “bay xa”.

"Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Sách “biết bay", sách thành “vũ khí”: Hành trình bền bỉ phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam - Ảnh 7.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Marketing - ngành học chưa bao giờ hạ nhiệt

Trong nền kinh tế hội nhập, doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận Marketing để định vị chỗ đứng trên thị trường kinh doanh và kết nối khách hàng rộng rãi. Một nhãn hàng mỹ phẩm mới ra mắt hay một thương hiệu trà sữa muốn giới thiệu món uống mới thành công đều cần từng bước phân tích đến xây dựng chiến lược khéo léo, sáng tạo.